Asia Artist Award (AAA) 2018 vừa khép lại với hàng loạt giải thưởng được trao cho những cái tên có hoạt động nghệ thuật năng nổ trong năm 2018. Đã là lần thứ 3 tổ chức nhưng AAA vẫn có những lỗ hổng lớn về thiết kế sân khấu, dàn dựng chương trình và nhất là cơ cấu giải thưởng "huề cả làng" với hàng loạt giải thưởng lạ tai. Hãy cùng điểm lại một số lí do khiến AAA 2018 mất điểm trong mắt fan Kpop:
Thiết kế sân khấu nghèo nàn, ánh sáng phản chủ
Điều mà fan Kpop mong chờ ở những lễ trao giải cuối năm đến từ các nhà đài không chỉ là giải thưởng đem về cho idol mà còn là những ấn tượng trong việc đầu tư tổ chức một chương trình hoành tráng. Cùng là những giải thưởng mang tính chất… chia chác và bị đặt ra dấu chấm hỏi về sự công bằng, nhưng MAMA vẫn thường xuyên khiến fan Kpop xuýt xoa vì những thiết kế và kĩ xảo đỉnh cao, hay gần đây nhất là giải thưởng sinh sau đẻ muộn GMA cũng vẫn khiến khán giả choáng ngợp vì thiết kế sân khấu xuất sắc cho từng màn trình diễn riêng biệt.
AAA thì không như vậy, sân khấu lớn trống trải chỉ có màn hình led nghèo nàn như một lễ hội âm nhạc và thay đổi lớn nhất hình như chỉ nằm ở chuỗi tiết mục kết show của BTS. Đối với khán giả chỉ có thể xem qua những kênh phát trực tiếp, AAA còn chiêu đãi những…thảm họa quay phim khi ánh sáng làm lộ hết tất cả những khuyết điểm của nghệ sĩ, tông màu nhợt nhạt hòa cùng với màu đen thường trực của màn hình led khi máy quay zoom cận cảnh những màn trình diễn.
Những gương mặt bóng dầu hay lớp trang điểm kém hoàn hảo lộ hết dưới ống kính AAA
Sự "tiến hóa ngược" của chỗ ngồi dành cho nghệ sĩ
Khi chương trình vẫn còn đang diễn ra, khán giả đã truyền tay nhau những hình ảnh ngược đời về chỗ ngồi của những diễn viên, ca sĩ, thần tượng có mặt ở giải thưởng AAA năm nay. Nếu như vào năm 2016, nghệ sĩ khách mời ngồi ở ghế nhà hát; năm 2017 AAA chơi sang sắp xếp hẳn bàn tròn như các lễ trao giải châu Âu hay giải thưởng điện ảnh, thì vào năm 2018 này, AAA dành cho tất cả các khách mời những chiếc ghế không khác gì ghế tại phòng chờ sau sân khấu. Chưa hết, khu vực dành cho dàn nghệ sĩ khách mời này lại…thường tối om giữa các màn trình diễn, dàn nghệ sĩ cũng hòa mình vào với khán giả để thưởng thức âm nhạc trong bóng tối im lìm.
Sự tiết kiệm không gian và ánh sáng này có lẽ cũng là lí do khiến các cảnh quay phản ứng của thần tượng khi chứng kiến sân khấu của đồng nghiệp mình trở nên hết sức hạn chế, trong khi người hâm mộ lại chờ đợi sự tương tác đáng yêu mỗi năm chỉ thấy một vài lần này. Trong lễ trao giải ngày hôm qua, BTS là nhóm nhạc được ưu ái nhiều hơn cả khi thỉnh thoảng lại xuất hiện trên màn hình, còn Wanna One, Twice, iKON, Seventeen, MonstaX…những cái tên có không ít fan hâm mộ thì không biết đã trôi dạt về đâu.
Khu vực nghệ sĩ "đất chật người đông" tại AAA 2018
Các nhóm nhạc và diễn viên theo dõi phần trình diễn của BTS
Giải thưởng không nhất quán và tên gọi gây tranh cãi
Bạn lo lắng thần tượng được đề cử nhưng khó tranh giải? Hãy đến với AAA, nơi mà những chiếc cúp được trao một cách rất hào phóng, và lỡ như có nhóm nhạc hay nghệ sĩ khách mời nào không được giải thưởng thì chỉ cần… tạo ra một hạng mục giải thưởng mới là xong. Có giải thưởng mang về đương nhiên sẽ rất vui mừng, nhưng để phân biệt được giải thưởng idol mình vừa nhận được là gì trong số 28 hạng mục được trao có lẽ là một điều vất vả với những người hâm mộ đã quen với cơ cấu giải thưởng rõ ràng của những lễ trao giải khác.
AAA là viết tắt của Asia Artist Award – giải thưởng châu Á, nên các giải thưởng thường sẽ được viết bằng tiếng Anh. Vào đêm trao giải AAA năm ngoái, khán giả đã được một phen rối ren vì ý nghĩa na ná nhau của các hạng mục như New Wave Award (Giải thưởng làn sóng mới), Rising Star Award (Giải thưởng ngôi sao đang lên) và… New – Comer Award (Giải thưởng nhân vật mới).
AAA năm nay cũng xoay vần khán giả trong một loạt những giải thưởng gắn liền với từ "Best", và vẫn sẽ khó mà giải thích được AAA có mục đích gì khác khi trao giải Tân binh, giải Làn sóng mới cùng với giải Ngôi sao đang lên ngoài mục đích... huề cả làng. Mức độ quan trọng của các giải thưởng này hẳn nhiên là khác nhau, nhưng dường như không khác nhau lắm ở tiêu chí "mới".
Wanna One lên sân khấu 3 lần với 3 giải thưởng "Artist of the year", "Best Artist Award" và "Hot Artist"
Chưa dừng lại ở đó, AAA năm nay còn khiến cho khán giả ăn một cú lừa không hề nhỏ khi trao giải thưởng có tên là "Artist of the Year". Giải thưởng "Artist of the year" của AAA được trao hẳn cho 11 nghệ sĩ thuộc mảng âm nhạc: Zico, Wanna One, iKON, TWICE, SEVENTEEN, MONSTA X, MAMAMOO, GOT7, NU’EST W, Sunmi, BTS và 10 nghệ sĩ khác thuộc mảng điện ảnh.
Bởi vì tên gọi và giải thưởng không nhất quán, không ít người hâm mộ không có cơ hội theo dõi đã có dịp mừng hụt rằng thần tượng nhà mình đã xuất sắc đạt giải thưởng cao nhất là Daesang, và hiểu lầm này hoàn toàn là có cơ sở khi "Artist of the year" vốn là tên gọi thường được dùng cho một trong những giải Daesang tại các lễ trao giải âm nhạc khác.
Sau khi nhận giải "Nghệ sĩ của năm", TWICE, Wanna One và SEVENTEEN còn được xướng tên tại một giải thưởng khác là "Best Artist Award", tạm dịch là "Nghệ sĩ xuất sắc nhất". Hai hạng mục này dường như tương đương nhau, hay giải thưởng "Nghệ sĩ xuất sắc nhất" là tên gọi được rút gọn của giải thưởng "Nghệ sĩ xuất sắc nhất trong số những người đạt giải nghệ sĩ của năm"?
Không có người công bố giải thưởng
Thường thì những lễ trao giải âm nhạc sẽ có khách mời là diễn viên, ca sĩ hoặc những nhân vật có sức ảnh hưởng lên công bố giải thưởng, điều này đem đến cảm giác trang trọng và đôi khi sẽ tạo được điểm nhấn bởi cách dẫn dắt thú vị từ các khách mời. Tuy nhiên, "người" trao giải của AAA lại là… phần thu âm sẵn chiếu trên màn hình led. Không có cả danh sách đề cử, cứ mỗi khi được xướng tên thì nghệ sĩ lại cầm sẵn cúp trong tay và bước lên sân khấu phát biểu cảm ơn.
Sự thiếu thốn người công bố giải thưởng này khiến cho giải thưởng trở nên thiếu chuyên nghiệp hẳn đi. Hai MC là diễn viên Lee Sungkyung cùng Lee Teuk (Super Junior) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ gồng gánh hết chương trình, nhưng sự có mặt từ đầu đến cuối của bộ đôi MC này lại mang cảm giác nhàm chán cho rất nhiều khán giả đã quen với những màn tung hứng của những khách mời khác nhau.
MC Lee Sungkyung và Lee Teuk
Màn công bố giải thưởng Daesang cao quý nhất trở nên kém hấp dẫn khi BTC nảy ra ý tưởng để tên BTS (Bangtan Sonyeon dan) xuất hiện từng tiếng một
Những màn trình diễn nhàm chán
Không có sự dàn dựng công phu, những màn trình diễn tại AAA năm nay dường như chỉ là một màn tổng hợp các sân khấu âm nhạc cuối tuần không hơn không kém. Mỗi một giải thưởng cuối năm đều là nơi để lại những sân khấu huyền thoại, ví dụ như vệt lóe sáng cuối cùng của cả 4 thành viên 2NE1 tại MAMA 2015, sân khấu kết tình hữu nghị Big Bang và EXO cũng tại MAMA năm đó hay là màn "thả mic" chứng tỏ hát live rất ngạo nghễ của Suga (BTS) trong màn trình diễn MIC DROP vô cùng ấn tượng tại SBS Gayo Daejeon 2017.
Sân khấu công phu nhất của AAA năm nay có lẽ thuộc về nhóm nhạc toàn cầu BTS, nhưng cũng không thể so sánh được với những gì BTS đã thể hiện trong thời gian qua. Các nhóm nhạc còn lại cũng chỉ trình diễn ở mức "trả bài", không có thay đổi gì đặc biệt khiến cho màn trình diễn được bàn tán xôn xao trong những ngày tiếp theo.
Bí ẩn lớn nhất AAA: màn biểu diễn "tiếng được tiếng mất" của BTS là lỗi âm thanh hay lỗi đường truyền?
BTS dường như là nhóm nhạc… khổ sở nhất trong suốt hai đêm trao giải mở đầu cho mùa giải thưởng 2018 là GMA và AAA. Được coi là ngôi sao toàn cầu với những sân khấu ở tận trời Tây hay loạt concert cháy vé kéo dài khắp thế giới, người hâm mộ và khán giả luôn trông đợi vào những màn trình diễn chất lượng và BTS cũng dường như chưa bao giờ biết hát nhép là gì.
Hơn 15 triệu khán giả theo dõi AAA qua livestream ngày hôm qua là nhân chứng rõ ràng nhất cho việc BTS không hề hát nhép, lí do là vì trong cả hai ca khúc "Fake love" và "IDOL" mà BTS mang đến sân khấu AAA, khán giả đã không nghe rõ 3 thành viên thuộc rapline rap câu gì còn… nhạc nền thì vẫn vang lên đều đặn.
Màn trình diễn "tiếng được tiếng mất" của BTS tại AAA
Giữa sự im lặng khi chỉ có nhạc nền vang lên, các thành viên BTS vẫn nhảy hết sức lực trên sân khấu, loáng thoáng có tiếng rap của trưởng nhóm RM mà không qua bất cứ bộ phận khuếch tán âm thanh nào. Chính điều đó đã khiến cho ai nấy đều chắc mẩm rằng bộ phận âm thanh của AAA đã có vấn đề khi điều chỉnh âm lượng cho micro của BTS mà nhất là RM.
Tuy nhiên, ngay sau khi lễ trao giải kết thúc, các ARMY đi xem trực tiếp lại khẳng định rằng âm thanh tại nơi diễn ra sự kiện hoàn toàn không có vấn đề gì, các fancam cũng đã chứng minh rằng dù giọng rap của rapline có nhỏ đi nhưng cũng không hề biến mất như khi xem trực tuyến.
Fancam lại cho thấy âm lượng khá đồng đều giữa các thành viên
Dù là lỗi đường truyền hay lỗi âm thanh, màn trình diễn của BTS ngày hôm qua lại một lần nữa không được như kì vọng. Các thành viên BTS vẫn cố gắng hết sức mình trên sân khấu, tuy nhiên với 15 triệu người xem trực tuyến và với cả những fan Kpop xem video phát lại của màn trình diễn này, đây vẫn là một sân khấu không hoàn hảo và rất đáng tiếc cho nhân vật chính của đêm trao giải AAA.
Điều kì lạ là không có màn trình diễn nào trước đó gặp phải sự cố âm thanh hoặc đường truyền như BTS, mà nhất là như trưởng nhóm RM gặp phải.