Drama quá đà trong các chương trình dành cho trẻ em: "Nhà sản xuất phải cân nhắc việc ai là người đảm nhận những vị trí quan trọng!"

QuangMT, Theo Trí Thức Trẻ 11:06 02/04/2020

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A đã có những chia sẻ về các chương trình giải trí dành cho trẻ em nói chung, sau khi "Model Kid Vietnam" gây nên những tranh cãi về drama giữa các HLV.

Những ngày qua, thị trường show thực tế dường như đóng băng cùng các hoạt động giải trí. Việc ghi hình các TV Show cũng gặp khá nhiều khó khăn, khán giả cũng không có nhiều sản phẩm mới để theo dõi. "Model Kid Vietnam" - chương trình được ghi hình từ khá lâu, nay chính thức lên sóng sau nhiều rắc rối về vấn đề bản quyền, bỗng trở thành một điểm sáng và được đặc biệt chú ý. Sự đáng yêu và tài năng của các bé cộng với sự cạnh tranh và làm việc hết mình của dàn HLV, giám khảo đã mang lại cho nhiều khán giả sự hứng thú cũng như tranh luận.

Bên cạnh yếu tố thời trang và sự chỉn chu trong sản xuất một show thực tế, "Model Kid Vietnam" lại mang đến một chủ đề khiến khán giả không ngừng tranh cãi. Đó là yếu tố drama có quá nhiều không giữa một chương trình dành cho trẻ em? Các tập phát sóng vừa qua đã cho thấy mức độ tranh cãi giữa các HLV khá đậm đặc, khiến không ít người bất ngờ, thậm chí còn hơn một số chương trình người lớn. Có lẽ đây là bài toán khó cho nhà sản xuất khi mong muốn show có sức hút nhất định khi lên sóng.

Drama quá đà trong các chương trình dành cho trẻ em: Nhà sản xuất phải cân nhắc việc ai là người đảm nhận những vị trí quan trọng! - Ảnh 1.

"Model Kid Vietnam" ra mắt giúp thỏa cơn khát của khán giả nhưng lại kéo theo những tranh cãi về việc lạm dụng yếu tố drama trong một chương trình dành cho trẻ con

Việc người lớn to tiếng trước mặt trẻ con luôn là vấn đề trăn trở của nhiều người khi nhắc đến các sản phẩm giải trí. Điều đó không ít lần đã được đưa ra bàn luận trên những chương trình truyền hình quen thuộc, những talkshow với sự tham gia của nhiều khách mời có kinh nghiệm. Trao đổi với Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, đồng thời là Giảng viên của nhiều trường Đại học nổi tiếng tại TP.HCM về vấn đề này, cô cho hay: "Đối với trẻ em, các diễn biến thuộc về hoàn cảnh xã hội xung quanh luôn có tác động nhất định. Với những người có sự ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ , trong 1 hoạt động cụ thể, sự tác động sẽ chắc chắn có diễn ra, sự khác nhau chỉ là mức độ tiếp nhận của trẻ.

Nếu những điều trẻ chứng kiến trong môi trường xã hội đó là tiêu cực, hậu quả sẽ rất khó lường. Hậu quả dễ thấy nhất là trẻ có xu hướng bắt chước hành vi đó và nuôi dưỡng thành một tính cách ổn định. Một kiểu hậu quả khác là trẻ trở nên yếu thế vì chấp nhận việc bị người khác quát nạt do chứng kiến và thấy việc quát nạt là đương nhiên. Bên cạnh đó, hậu quả còn có thể là việc trẻ trở nên xem thường người lớn – những người mà đáng ra trẻ phải tôn trọng, tin tưởng để được nhận sự giáo dục đúng đắn".

Drama quá đà trong các chương trình dành cho trẻ em: Nhà sản xuất phải cân nhắc việc ai là người đảm nhận những vị trí quan trọng! - Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A

Nhiều người cho rằng, nếu các bé còn quá nhỏ thì những mâu thuẫn của người lớn có khi trẻ vẫn chưa kịp thấu hiểu và để bị ảnh hưởng. Đáp lại quan điểm này, nữ Thạc sĩ tâm lý nói thêm: "Việc hiểu của trẻ sẽ có nhiều mức độ khác nhau, khó để kết luận là trẻ “hiểu hết hay không”. Tuy nhiên, với những trẻ có sự phát triển bình thường về nhận thức, tình cảm thì chắc chắn các bé đều hiểu chuyện gì đang diễn ra trước mắt mình, vấn đề chỉ là trẻ hiểu đến mức nào và theo kiểu nào. Vì thế, những ảnh hưởng xấu hoàn toàn có thể diễn ra và để lại những hậu quả như đã kể trên. Lúc này, sự điều chỉnh và đồng hành từ phụ huynh để định hình lại các giá trị tích cực cho trẻ là rất cần thiết".

Để tránh những vấn đề đang gây tranh cãi đang nổ ra, Thạc sĩ Tô Nhi A chia sẻ quan điểm của mình: "Trong trường hợp này, trước hết phải đề cập đến vai trò của đơn vị sản xuất. Khi thực hiện các chương trình dành riêng cho trẻ em và đối tượng tham gia chính là trẻ em, cần phải hết sức cân nhắc việc chỉ định ai là người đảm nhận những vị trí quan trọng đồng hành cùng các em. Song song đó, là sự cẩn trọng của phụ huynh khi cho con tham gia các chương trình giải trí. Phụ huynh cần sát sao và can thiệp kịp thời để hạn chế những tác động tiêu cực đến trẻ. Sự chặt chẽ trong việc kiểm duyệt của cơ quan quản lý truyền thông được coi là vô cùng quan trọng, là màng lọc cuối cùng để những hình ảnh tiêu cực có đến với số đông trẻ em là khán giả hay không.

Trẻ em, bên cạnh hoạt động học tập luôn cần đến những hoạt động khác để thỏa mãn sự đa dạng của nhu cầu và được phát triển toàn diện, trong đó, có các chương trình văn hóa giải trí. Thế nên, hãy lưu ý đến tính giáo dục của các chương trình để trẻ được trưởng thành theo hướng tích cực nhất, cho chính trẻ và cho cộng đồng".

Drama quá đà trong các chương trình dành cho trẻ em: Nhà sản xuất phải cân nhắc việc ai là người đảm nhận những vị trí quan trọng! - Ảnh 3.

Quả thật, hiện nay các sản phẩm giải trí được khai thác và phát triển vô cùng đa dạng và trên nhiều môi trường, nền tảng khác nhau. Việc phối hợp giữa nhà sản xuất cùng gia đình để làm sao các bé có sân chơi lành mạnh, tích cực, góp phần giúp phát triển nhân cách, cá tính và tài năng là điều vô cùng quan trọng. Hi vọng rằng, với những ý kiến đóng góp này, các chương trình giải trí sẽ có sự điều chỉnh phù hợp về liều lượng của các phần nội dung nhằm thỏa mãn đại đa số khán giả luôn mong chờ, tin tưởng.