Cô Trương (tên họ nhân vật đã được thay đổi) sống tại Thượng Hải, Trung Quốc. Công việc của cô phải đi lại nhiều, rất bận rộn nhưng cũng nhờ vậy mà có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon, khám phá thêm nhiều cảnh đẹp. Khi kể lại câu chuyện của mình trên một mạng xã hội Trung Quốc, cô cho biết khi phát hiện ung thư dạ dày ở tuổi 33 khiến cô rất hối hận bởi lối sống trong quá khứ. Hóa ra, vì chủ quan và ỷ lại vào tuổi trẻ mà cô đã xem nhẹ những yếu tố nguy cơ cao cùng dấu hiệu sớm của bệnh ung thư dạ dày.
Xem nhẹ nhiễm vi khuẩn HP nhiều năm, cô gái hối hận khi biết mình mắc ung thư dạ dày (Ảnh nhân vật đăng tải)
Cụ thể, từ năm 2015 cô được phát hiện nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori). Nội soi cho thấy dạ dày bị xói mòn nhẹ, bị viêm dạ dày, phải dùng kháng sinh. Nhưng khi ấy cô còn quá trẻ, chỉ cho rằng đó là bệnh rất phổ biến, cũng không quá nghiêm trọng, uống thuốc theo đơn của bác sĩ là xong. Hơn nữa, sau đó cô gái trẻ hoàn toàn không cảm thấy có gì bất thường hay khó chịu khi ăn uống nên cũng không tuân thủ quy trình tái khám định kỳ.
Vài năm sau đó, cô Trương phát hiện ra mình có vài vấn đề nhỏ. Như là hay trướng bụng, đầy hơi, nấc cụt sau khi ăn, bị trào ngược axit dạ dày dẫn tới buồn nôn khi đánh răng buổi sáng. Nhưng khi hỏi thăm người quen thì rất nhiều người có tình trạng giống mình, triệu chứng đau bụng cũng không rõ ràng nên cô cho rằng vi khuẩn HP tái lại, cứ thế đi mua thuốc như đơn trước đây về uống mà không cần thăm khám.
Năm 2022, cô Trương - một người rất “sợ” bệnh viện đã phải nhập viện để phẫu thuật cắt bỏ túi mật do sỏi mật. Lúc này, các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn HP dạ dày, kê đơn kháng sinh và hướng dẫn điều chỉnh ăn uống, lên lịch tái khám. Thế nhưng, cô Trương vẫn rất chủ quan, cô cho rằng mình cần ăn uống cẩn trọng hơn bởi đã cắt túi mật chứ chưa nhìn nhận đúng mực về mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HP, uống hết một đợt thuốc thấy không có vấn đề gì nên cũng không quay lại bệnh viện.
Trên trang mạng xã hội Trung Quốc, cô viết: “Tôi đã bỏ uống rượu bia kể từ sau khi phẫu thuật túi mật, nhưng thật khó để ăn uống lành mạnh khi về đón Tết Nguyên đán cùng gia đình. Tôi có uống vài ngụm nhỏ rượu vang, ăn thịt nướng và nhiều đồ dầu mỡ khác. Đêm đó và sáng ngày hôm sau mọi việc đều ổn nhưng tới buổi chiều thì cảm giác không ổn. Lúc đầu, tôi nghĩ mình say nhưng tôi bị tiêu chảy và nôn trong khi đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Sáng hôm sau nữa, khi tôi nôn ra chất nhầy màu nâu thì cả gia đình tôi đều hoảng hốt, vội vã đưa tôi đến bệnh viện. Những tưởng bị ngộ độc hay viêm dạ dày tái phát, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị ung thư”.
Theo bác sĩ điều trị của cô Trương, chủ quan, không điều trị kịp thời và đúng cách khi nhiễm vi khuẩn HP chính là nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày cho cô. Ông cũng nhấn mạnh rằng, hầu hết mọi người không biết về mức độ phổ biến của vi khuẩn HP. Trên thực tế, chúng chỉ kém phổ biến hơn nhiễm khuẩn sâu răng, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể nhiễm phải. Đặc biệt là chúng rất dễ lây nhiễm qua các đường như: đường miệng, đường phân hay khi sử dụng chung các thiết bị y tế (ống nội soi, dụng cụ nha khoa…).
Đau bụng âm ỉ, đầy hơi, trào ngược dạ dày là những dấu hiệu phổ biến khi nhiễm vi khuẩn HP (Ảnh minh họa)
Loại vi khuẩn này sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Chúng có cơ chế tiết enzym urease đặc biệt giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày. Sự phát triển và hoạt động của chúng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm - loét dạ dày, tá tràng, thậm chí không điều trị kịp sẽ gây ung thư dạ dày.
Vì vậy, việc ngăn ngừa và điều trị sớm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng trong bảo vệ dạ dày, ngăn ngừa ung thư. Và muốn làm được điều này, ông nhắc nhở chúng ta chú ý tới 7 triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn HP sau đây:
- Đau bụng âm ỉ, rõ ràng hơn mỗi khi đói bụng hoặc ăn quá no.
- Trướng bụng, đầy hơi dai dẳng không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên ợ hơi, trào ngược dạ dày.
- Chán ăn, buồn nôn hoặc/và ói mửa.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Hôi miệng, mệt mỏi, khó thở hoặc có thể nôn ra máu.
- Xì hơi nhiều, rối loạn tiêu hóa dai dẳng hoặc đi ngoài có phân đen.
Khi phát hiện ra các dấu hiệu trên, tuyệt đối không được chủ quan, hãy đi thăm khám sớm và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để không rơi vào trường hợp “hối không kịp” như cô Trương. Còn về phần cô Trương, may mắn là bệnh ung thư dạ dày của cô mới ở giai đoạn đầu, tuổi còn trẻ, không có bệnh nền nên tiên lượng cũng tốt hơn trong điều trị.
Cô ngay lập tức được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày và đang dần hồi phục rất tốt. Sau khi tự mình suy ngẫm lại và thảo luận cùng bác sĩ, cô cũng nhận ra chính những thói quen xấu trong quá khứ đã khiến vi khuẩn HP, bệnh ung thư dạ dày “tấn công” mình.
Cô nói: “Nếu phải chọn ra 3 nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư của mình, tôi nghĩ đó là: thói quen ăn uống xấu, sinh hoạt kém và trạng thái tinh thần tiêu cực. Tôi vốn là người mê khám phá ẩm thực, thích ăn uống theo sở thích, nhất là các món có nhiều gia vị, cay nóng và nhiều dầu mỡ. Tôi cũng thích các món muối chua, ăn đồ cay và uống đồ lạnh khi ăn món cay nóng. Công việc của tôi thường xuyên căng thẳng và tôi coi ăn uống là cách giải tỏa tâm trạng.
Chưa kể, bản thân tôi là một người bên ngoài nhìn hoạt bát, hay cười nhưng thường giữ kín những tâm sự và suy nghĩ rất nhiều khi ở một mình. Tôi thức khuya nhiều năm, ngủ nghỉ theo sự linh hoạt từ công việc hoặc sở thích vì ỷ lại mình còn trẻ. Giờ đây, tôi rất hối hận và quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình”.
Cô Trương đang tích cực thay đổi lối sống và hy vọng người trẻ rút kinh nghiệm từ trường hợp của mình (Ảnh nhân vật đăng tải)
Cô Trương cũng mong rằng việc chia sẻ câu chuyện của mình sẽ giúp những người khác, nhất là người trẻ quan tâm hơn tới sức khỏe của mình. Lấy cô làm bài học để không chủ quan, thay đổi lối sống và đừng ỷ lại tuổi trẻ để rồi khi đổ bệnh mới hối hận muộn màng.
Nguồn và ảnh: Skypost, Xiaohongshu, Daily Mail