Những ngày lên "ăn cơm tuyển" rồi bị loại
Ngược lại quá khứ năm 2015, trên sân tập của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội những ngày chuẩn bị cho giải U17 quốc gia luôn có một cậu bé loanh quang sắp sân nhìn động đội tập với ánh mắt thèm thuồng. Thời điểm đó, Bùi Hoàng Việt Anh dính chấn thương 8 tháng liền chỉ tập nhẹ đến nỗi bố của cầu thủ Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội - cùng lứa với Việt Anh) không chịu nổi vì thương xót.
Ông Bùi Trọng Điệp - bố của Việt Anh kể:
"Thời điểm suy sụp nhất của Việt Anh là trước giải U17 quốc gia 2015 bị chấn thương 8 tháng không thể tập. Tôi đã phải gọi cho HLV để hỏi về tình hình của con, tôi đã nghĩ nếu chấn thương nặng sẽ cho con nghỉ bóng đá".
Mẹ Việt Anh tiếp lời:
"Thời điểm ấy Việt Anh cũng giấu bố mẹ, kể cả ốm đau hay thế nào cũng ít khi nói với bố mẹ. Thật sự là cứ điện cho con là tôi khóc, Việt Anh nói sợ nhất nước mắt của mẹ. Khi bố của Tuấn Anh lên thăm và điện cho chúng tôi thấy Việt Anh chỉ đi bộ ở ngoài không được tập trông thương lắm thì bố Việt Anh mới điện cho HLV, sau khi khám không vấn đề gì Việt Anh ngay sau đó cùng đội đi đá U17 tại TP.HCM".
Việt Anh không may mắn khi thi đấu ở đội tuyển trẻ (Ảnh: Thanh Xuân)
Theo lời của ông Điệp, đội trưởng của U23 Việt Nam bắt đầu đá bóng từ lớp 4, như bao đứa trẻ ở vùng quê lúa Thái Binh, Việt Anh trưởng thành từ những trận bóng ở thôn, đá cho lớp, cho trường rồi được các HLV ở trường năng khiếu Thái Bình tuyển chọn. Cứ thế, trung vệ sinh năm 1999 bén duyên với nghiệp "quần đùi áo số".
Và ngay chính cái tên Bùi Hoàng Việt Anh cũng bắt nguồn từ một cựu tuyển thủ ghi siêu phẩm tại bán kết Tiger Cup 1998 Trương Việt Hoàng.
"Ban đầu em gái tôi đặt tên cho cháu là Việt Anh, 2 vợ chồng thống nhất là tên đầy đủ là Bùi Nguyễn Việt Anh, có đủ họ của cả bố và mẹ. Tuy nhiên khi tôi đi lấy giấy khai sinh đặt là Bùi Hoàng vì tôi thích HLV Trương Việt Hoàng. Tôi cũng đam mê bóng đá, ở trận đấu có lỗi gì hay đá chưa tốt tôi đều nhắc nhở con, còn việc 2 bố con tranh luận về bóng đá thì nhiều lắm", ông Điệp cho biết.
Việt Anh sinh năm 1999, lứa cầu thủ sinh năm lẻ có điều kiện được thi đấu nhiều hơn ở các giải trẻ. Dù vậy, với Việt Anh những năm tháng ấy lại không mấy suôn sẻ.
"Hồi nhỏ Việt Anh nhút nhát, tôi thực sự không muốn con theo bóng đá, có những hôm 11h đêm gọi điện cho mẹ, mẹ ơi con nhớ mẹ lắm. Tôi phi xe máy lên trường năng khiếu ngủ với con 1 đêm, sáng hôm sau lại về. Có hôm trời mưa 2 mẹ con nói chuyện, tôi đợi con không nói ở đầu bên kia nữa mới tắt máy. Lúc con ở trường năng khiếu, các thầy cũng có nói với gia đình, Việt Anh sẽ phát triển tốt, cao trên 1m8. Tuy nhiên, gia đình cũng không nghĩ con có thể phát triển theo chuyên nghiệp. Hồi nhỏ con đam mê, lứa U11 còn được đánh giá vượt trội hơn các bạn. Nhưng khi lên các đội trẻ ở trung tâm đào tạo con lại không gặp nhiều may mắn. Việt Anh có một cái từ U13 đến giờ thường xuyên "ăn cơm tuyển" nhưng cứ đến phút cuối cùng lại bị loại. Có lúc Việt Anh nói với tôi không biết con có trụ được hay không.
Kỷ niệm nhớ nhất, hồi U18 Việt Nam, Việt Anh được giữ lại nhưng lại bị trục trặc hộ chiếu tại sân bay không thể cùng các đồng đội tham dự giải. Cậu ấy khóc như mưa, nhưng lại không về nhà mà về CLB. Đội được nghỉ nhưng cứ ở đội, bố mẹ bảo vào chơi cùng bố mẹ ở Bình Dương nhưng con nói ở lại tập. Con không muốn gặp ai, mất niềm tin đến nỗi không biết có được đá một giải nào không", bà Thắm chia sẻ.
Gia đình luôn đồng hành cùng Việt Anh mỗi giải đấu (Ảnh: FBNV)
Sau biến cố của gia đình, bố mẹ Việt Anh phải chuyển từ Thái Bình vào Bình Dương sinh sống. Mãi đến năm 2019, khi Việt Anh được đá chính nhiều, kiếm ra tiền đã đón bố mẹ ra Hà Nội cùng đoàn tụ.
"Lẽ ra cũng tôi vẫn chưa về Hà Nội sinh sống, nhưng sợ bố mẹ ốm đau, vất vả nên Việt Anh muốn bố mẹ ở gần. Cách đây 3 năm, sự nghiệp của Việt Anh vẫn chưa có nhiều dấu ấn tuy nhiên vẫn cố gắng vay mượn bạn bè mua nhà để đón bố mẹ về ở cùng. Bố Việt Anh bị bệnh, cậu ấy đưa bố ra đi khám, rất may không việc gì nên đã dùng tiền để mua nhà cho bố mẹ luôn", bố Việt Anh tâm sự.
Chuyện tâm linh mỗi lần thi đấu và sự trưởng thành của Việt Anh
Mỗi một giải đấu, cầu thủ lại có một niềm tin riêng để thi đấu tốt hơn, còn nhớ tiền vệ Phạm Đức Huy đã từng không cạo râu cả tháng vì đội tuyển Việt Nam đang thắng. Còn với Việt Anh, anh để ý từng chút từ vuốt tóc, bố gửi lời chúc đến hát Quốc ca khi chào cờ…Bố mẹ Việt Anh vui vẻ kể:
"Việt Anh luôn muốn bố dẫn đi xuống tận xe, xuống khỏi cầu thang phải đi đúng lối. Tức là lần đầu bố dẫn đi chiến thắng nên những lần sau Việt Anh muốn như vậy. Trước trận đúng khoảng 12h trưa tôi nhắn chúc thì đội thắng, tuy nhiên trận với Philippines (SEA Games) tôi quên chúc nên đội hòa. Ngày hôm sau Việt Anh gọi nói con đã bảo bố rồi bố không chúc nên đội khó khăn.
Còn chuyện vuốt tóc, ở V.League trận đá với TP.HCM Việt Anh không vuốt tóc nên đội hòa, trận sau đá với Thanh Hóa vuốt tóc thì lại thắng. Nên từ đó mỗi lần ra sân cậu ta đều vuốt tóc.
Tôi đọc trên mạng thấy mọi người mắng Việt Anh không hát Quốc ca tôi cũng buồn, nên có hỏi con, Việt Anh nói con hát trong tim phải đến đoạn "đường vinh quang…" mới hát to, như vậy đội mới thắng được".
Việt Anh cùng U23 Việt Nam giành HCV SEA Games 31 (Ảnh: Thanh Xuân)
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Việt Anh luôn có tên trong danh sách của HLV Park Hang-seo, dù vậy trung vệ này lại ít có cơ hội ra sân khi khó cạnh tranh được với các đàn anh. Thậm chí, có trận đấu anh bị loại, rồi bỗng niềm vui lại đến những ngày cuối năm 2021.
"Việt Anh bị loại trận Việt Nam đấu với Australia, tuy nhiên ngày 28 tết, tôi với vợ đang đi mua quất thì Việt Anh điện thoại nói được lên đội tuyển tập trung đá với Trung Quốc ngày mùng 1 Tết. 2 vợ chồng mừng quýnh đi về sắp xếp cơm nước cho con lên đội. Lúc đó tôi thấy mừng và hạnh phúc. Tôi nghĩ nếu tập trung sớm chắc sẽ bị loại còn gọi muộn thế này sẽ được có cơ hội ra sân. Trận với tuyển Trung Quốc hiệp 2 Việt Anh được vào, cả nhà ra sân xem. Cái Tết rất đặc biệt với gia đình tôi", ông Điệp nhớ lại.
Bước vào SEA Games 31, Việt Anh cùng những Thanh Bình, Tuấn Tài trở thành trụ cột không thể thay thế ở hàng phòng ngự của U23 Việt Nam, góp công lớn vào thành công của HCV SEA Games 31. Đây cũng là thời điểm chàng trung vệ với nhiều trắc trở trong sự nghiệp ghi dấu ở màu áo tuyển Việt Nam.
Chiếc tủ ở nhà lưu giữ những thành tích của Việt Anh (Ảnh: Thanh Xuân)
Phía trước của U23 Việt Nam vẫn còn một thử thách lớn tại VCK U23 châu Á, đây là lúc để Việt Anh chứng minh khả năng của một thủ lĩnh, cùng U23 Việt Nam thi đấu hết mình, đem về vinh quang cho đất nước.
"Ở mỗi thời điểm, chặng đường phát triển của con tôi đều có cảm xúc riêng, ngay từ nhỏ lọt top cầu thủ xuất sắc, hay lên tuyển mỗi lần tôi đều thấy hạnh phúc. Làm mẹ thấy con ngoan, kiên định tôi đã thấy vui rồi. Tôi nghĩ Việt Anh đã sẵn sàng thì tôi tin tưởng con, tôi nghĩ các thầy và đồng đội phải có niềm tin vào Việt Anh mới giao nhiệm vụ đội trưởng ở U23 Việt Nam", mẹ Việt Anh nói.