Nếu không gặp áp lực tài chính, có lẽ, chúng ta sẽ không thể nào hình dung được cảm giác bế tắc đến tuyệt vọng vì thiếu tiền. Những thứ tưởng chừng là cơ bản nhất cũng trở nên quá đỗi xa vời.
Đó chính là điều mà cộng đồng mạng phải thốt lên khi đọc bài tâm sự của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây.
Trong bài tâm sự của mình, cô vợ trải lòng: "Em thấy tuyệt vọng quá các chị ạ! Vợ chồng em lúc nào cũng áp lực vì nợ nần. Trời nắng nóng hơn 30 độ mà không sắm nổi cho con cái điều hoà, đêm nào con ngủ cũng bứt rứt khó chịu vì rôm sảy. Em nghĩ thương con, cũng thương chồng vì anh đi chạy xe ôm đêm mà vẫn không đủ cho gia đình 4 người sinh hoạt, rồi trả nợ. Em phải làm gì bây giờ ạ?
Em mới sinh 2 tháng, bé lớn 4 tuổi. Nhà neo người không có ai trông nên em chưa đi làm được. Nhà em nợ vì phải trả nợ hộ mẹ chồng, mẹ vay tiền hộ người ta xong bị người ta bùng, tính mẹ chồng em cũng hiền, bà hay bị lợi dụng lắm ạ. Tụi em thương mẹ bị người ta đòi hoài, nên vay nóng trả cho bà, cũng 82 triệu ạ".
Đoạn chat của cô với chồng...
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều động viên cặp vợ chồng này cố gắng. Cũng không ít người bày tỏ sự xót thương cho hoàn cảnh hiện tại của gia đình, vì mình lớn rồi, có thể cố gắng chịu khó khăn, chứ con nhỏ quá mà mùa hè không có điều hòa thì thực sự rất tội...
"Nếu là mình thì mình sẽ vay tiền mua điều hòa, hoặc không thì mua trả góp. Có phải vay mượn cũng cố mua lấy chứ, vì trẻ con thân nhiệt cao hơn người lớn, hè nóng mà không có điều hòa thì khó chịu lắm. Rồi lại ốm đau xong đi viện thì cũng quá tội, nên cố gắng mua cái điều hòa bạn ạ..." - Một người khuyên.
"Bạn cứ mua đi, đến lúc nóng quá phát bệnh, tiền thuốc có khi còn quá tiền điều hòa với tiền điện. Thời tiết bây giờ khắc nghiệt hơn ngày xưa rồi, không có tiền mua loại đắt thì mua loại rẻ vừa với sức của mình. Có sức khoẻ mới làm ra của cải được bạn nhé!
Mới sinh con 2 tháng thì có thể sức khỏe bạn cũng chưa hồi phục hoàn toàn, đợi 1-2 tháng nữa, nếu được thì gửi con nhờ bà nội trông giúp rồi kiếm việc làm, kiếm thêm thu nhập" - Một người chia sẻ quan điểm.
"Tính ra cũng nan giải thật... Mua điều hòa mới thì không đủ tiền, mà mua cũ thì lại lo hỏng với tốn điện... Thì đành cố chịu thôi vậy, hoặc giờ nhờ bà trông con, hoặc có vay được người thân thì cố vay, để trả đứt tiền nợ vay ngoài đi, vay nóng thì lãi kinh lắm" - Một người khác gợi ý.
"Vay nóng", "vay ngoài" là những từ mọi người thường dùng để nói về hình thức vay tín dụng đen. Những người đang trong tình thế bí bách, phải gấp gáp chuẩn bị tiền trả nợ giúp mẹ giống như cặp vợ chồng trong câu chuyện phía trên, tín dụng đen có lẽ "là cứu cánh" cho họ. Vì vay tín dụng đen, tiền về tài khoản trong phút mốt mà chẳng cần nhiều thủ tục, giấy tờ.
Đó là ưu điểm duy nhất, còn nhược điểm thì vô vàn.
Ảnh minh họa
Lãi suất cắt cổ: Đây là đặc điểm nổi bật và nguy hiểm nhất của tín dụng đen. Mức lãi suất thường cao gấp nhiều lần so với quy định của pháp luật, có thể tính theo ngày, theo tuần, hoặc theo tháng với các điều khoản mập mờ. Việc này dẫn đến tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con", khiến người vay nhanh chóng rơi vào vòng xoáy nợ nần không có lối thoát.
Thủ đoạn đòi không hợp pháp: Các đối tượng cho vay tín dụng đen thường sử dụng các biện pháp đòi nợ trái pháp luật, mang tính chất đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí dùng vũ lực để uy hiếp người vay và người thân của người vay. Điều này gây ra tâm lý hoảng loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sự an toàn của người vay.
Không có sự bảo vệ của pháp luật: Vì là hình thức vay không chính thống, người vay tín dụng đen sẽ không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp hoặc bị các đối tượng cho vay xâm phạm.
Vì những lý do đó, dù có bí bách đến đâu, cũng hãy tránh xa tín dụng đen, vì sự an toàn của bản thân và gia đình.
Chuẩn bị tài chính cho việc nuôi con là điều quan trọng và vô cùng cần thiết. Bởi chẳng ai muốn sinh con ra mà để con phải chịu khổ, như vậy thì bản thân bố mẹ cũng khó mà vui vẻ, khó mà có tinh thần lẫn tâm trí để tập trung làm việc, vun vén, tận hưởng cuộc sống.
Vậy phải chuẩn bị tài chính ra sao để sẵn sàng có con?
1 - Mua bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe kèm theo bảo hiểm thai sản
Nhắc tới bảo hiểm thai sản, nhiều người vẫn thường lầm tưởng rằng đây là một loại bảo hiểm độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm thai sản chỉ là một quyền lợi bổ sung của bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm sức khỏe.
Ảnh minh họa
Trong trường hợp bản thân đang có dự định "thả bầu", bạn nên mua bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe kèm theo bảo hiểm thai sản để được chi trả chi phí thăm khám trong quá trình mang thai và sinh con.
Để được chi trả và nhận quyền lợi ở mức tối đa khi mua bảo hiểm thai sản, bạn cần tìm hiểu và nắm rõ khái niệm "thời gian chờ". Phần lớn các sản phẩm bảo hiểm thai sản hiện nay đều áp dụng mức thời gian chờ là 270 ngày.
Điều này có nghĩa là nếu bạn sinh con trong vòng 270 ngày sau khi mua bảo hiểm thai sản, bạn có thể sẽ không được tối đa quyền lợi của bảo hiểm thai sản.
2 - Lên kế hoạch tiết kiệm một khoản riêng phục vụ công cuộc bỉm sữa
Cần nhấn mạnh rằng đây là khoản tiết kiệm độc lập, chỉ dùng để phục vụ việc nuôi con chứ hoàn toàn không còn mục đích nào khác ở đây. Chính bởi thế, bạn cần tự mình làm rõ 3 vấn đề dưới đây:
- Mình sẽ nuôi con bằng sữa mẹ 100% hay kết hợp sữa mẹ và sữa công thức?
- Khi hết 6 tháng nghỉ thai sản, có thể nhờ ông bà hỗ trợ trông cháu để mình đi làm lại không, hay sẽ phải thuê giúp việc?
- Mình muốn nuôi con theo kiểu "tiết kiệm tối đa" hay "chi mạnh hết mức"?
Tự làm rõ được những vấn đề này rồi, tự khắc bạn sẽ tìm ra được mức ngân sách cho việc nuôi con hàng tháng, từ đó chuẩn bị được tài chính nuôi con.