Cũng từng có thời điểm kiếm bao nhiêu tiêu từng ấy, cố mãi vẫn không cắt giảm để tiết kiệm được, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, Thu Hằng (28 tuổi) và Thanh Ngọc (26 tuổi) cho biết việc tiết kiệm tiền với họ giờ “dễ như ăn kẹo”.
Mà để biết được điều đó, cả 2 cô gái này đều cho biết không thể bỏ qua bước ghi chép cụ thể từng khoản chi, dù là nhỏ nhất. Điều này có vẻ là lời khuyên quá quen thuộc đến mức kiểu mẫu, làm nhiều người nghe mà thấy phát chán cả lên, chẳng muốn làm nữa.
Thanh Ngọc và Thu Hằng cũng vậy nhưng cuối cùng, họ nhận ra chẳng có cách nào khác để quản lý chi tiêu hiệu quả.
Ảnh minh họa
“Sau khoảng 3 tháng ghi chép chi tiêu cụ thể, mình mới ngã ngửa khi phát hiện ra là mình tốn quá nhiều tiền ăn và tiền đặt xe công nghệ. Tiền ăn tốn là do mình hay ăn ngoài và hay đặt trà sữa. Còn tiền đặt xe công nghệ thì đơn giản là do mình cứ hay lười, có xe máy nhưng mà chẳng chịu tự đi ấy.
Con gái có 1 thân 1 mình thôi mà tiền ăn 8-9 triệu/tháng, có tháng còn hơn 10 triệu luôn, bằng tiền ăn của cả 1 gia đình rồi. Nhà mình thuê cách công ty 5km, nếu tính tiền xăng cả tháng thì cùng lắm cũng chỉ 600k, nhưng vì hay lười, nên tiền đi lại toàn 2-3 triệu…
Trước khi ghi chép chi tiêu, mình cứ nghĩ ăn ngoài một bữa có 100-200k, một cuốc xe có 40-50k, chẳng thấm vào đâu. Nhưng đúng là tích tiểu thành đại…” - Thanh Ngọc bộc bạch.
Còn với Thu Hằng, khoản chi khiến cô tốn nhiều tiền nhất lại là mua sắm online. Thu Hằng cũng chỉ nhận ra điều đó sau khi ghi chép chi tiêu cụ thể.
“Chắc mình bị FOMO, cứ thấy ai review cái gì hay là mình đều đặt về hết, nên thành ra tốn tiền. Lương mình chưa đến 20 triệu/tháng nhưng tài khoản mua sắm online của mình lên hạng kim cương rồi, nói thế chắc cũng đủ hiểu mình mua sắm nhiều cỡ nào” - Thu Hằng bộc bạch.
Sau khi tìm ra được khoản chi “ngốn hết sạch tiền lương” của mình, Thu Hằng và Thanh Ngọc cho biết họ không còn ghi chép chi tiêu cụ thể nữa, nhưng cũng chưa bao giờ tiêu lố tiền.
Đơn giản là vì họ đã biết mình sai ở đâu rồi, thì chỉ cần tập trung “sửa cái sai” đó thôi, còn những khía cạnh khác và các khoản chi khác thì vốn đã vào guồng, cũng không quá lãng phí hay vô lý nên không cần bận tâm, ghi chép làm gì cho tốn thời gian.
Ảnh minh họa
Dù mỗi người tốn tiền vì 1 thứ khác nhau, nhưng Thu Hằng và Thanh Ngọc đều có chung 1 cách “sửa sai”: Giảm ngân sách chi tiêu từ từ.
“Đầu tiên là với khoản tiền đặt xe công nghệ, ban đầu nó đang tốn 2-3 triệu/tháng, thì tháng đầu tiên mình giảm còn 1 triệu, tiêu hết 1 triệu ấy cho việc đặt xe rồi thì còn tiền, cũng phải vác xe máy ra tự đi. Tháng tiếp theo, mình giảm còn 500k. Cứ như vậy, giờ có khi cả tháng mình mới đặt 1-2 cuốc xe công nghệ.
Tương tự với khoản tiền ăn ngoài, mình cũng giảm từ từ như vậy” - Thanh Ngọc chia sẻ và tiết lộ khoảng 2 năm gần đây, mỗi tháng cô tiết kiệm được ít nhất 8 triệu sau khi kiểm soát được chi tiêu.
Thu Hằng cũng có chia sẻ tương tự, số tiền mà cô để dành được hàng tháng có phần “nhỉnh” hơn 1 chút, dao động trong khoảng 9-10 triệu. Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể hàng tháng, nhưng Thu Hằng cho biết do tính chất công việc nên thu nhập của cô không cố định nên tiền tiết kiệm hàng tháng cũng có sự thay đổi.
“Giờ mình cố định tiền mua sắm hàng tháng chỉ 1,5 triệu quay đầu thôi. Mua gì thì mua cũng không được quá 1,5 triệu. Còn lại thì tiền thuê nhà, tiền ăn hay đi lại, mình đều thấy ổn và hợp lý rồi, nên không cắt giảm nữa. Chỉ cần cố định được khoản mua sắm là việc tiết kiệm tự nhiên vào guồng, không cần nặng đầu suy nghĩ gì nữa” - Thu Hằng khẳng định.