Cô gái bỗng “được" tăng thêm gần chục triệu để tiêu xài nhưng sợ nhiều hơn vui vì 1 lý do

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 21:40 04/04/2025
Chia sẻ

Không phải lúc nào có tiền để chi tiêu cũng là điều đáng mừng.

Thử nghĩ xem, trong hoàn cảnh nào thì chúng ta có tiền để tiêu nhưng lại chẳng dám tiêu, thậm chí còn cảm thấy sợ được nhỉ? Nếu đã từng hoặc đang sử dụng thẻ tín dụng, chắc hẳn bạn sẽ biết câu trả lời không là gì khoác, ngoài: Thẻ tín dụng tự động tăng hạn mức!

Tiền để tiêu thì rõ là có đấy, nhưng cứ nơm nớp lo sợ, vì không khéo 1 cái là nợ nần ngay!

Thu Trang (29 tuổi) cũng vừa mới rơi vào tình cảnh bàng hoàng vì thẻ tín dụng “tự động” tăng hạn mức, trong khi dư nợ vẫn còn chưa trả được hết.

Cảm giác như bị “mắc bẫy”

Thu Trang cho biết bản thân đã dùng thẻ tín dụng được khoảng 5 năm. Cô thừa nhận bản thân từng rơi vào tình cảnh chi tiêu không kiểm soát vì “ảo tưởng dư dả” mà thẻ tín dụng mang lại. Đến khi cảm thấy bản thân cần phải dùng thẻ tín dụng có chiến thuật hơn thì cũng đã muộn, vì cô đã tiêu sạch 28 triệu đồng - là hạn mức thẻ nhưng tháng nào cũng chỉ trả được dư nợ tối thiểu.

Dẫu vậy, gần đây, ngân hàng vẫn tự động tăng hạn mức thẻ tín dụng của Thu Trang, từ 28 triệu đồng lên thành 37,8 triệu đồng.

“Mình khá bàng hoàng khi nhận mail thông báo của ngân hàng về việc thẻ tín dụng tăng 9,8 triệu đồng hạn mức. Ban đầu còn tưởng đó là mail lừa đảo. Mình lập tức gọi điện theo số hotline của ngân hàng để hỏi, thì mới biết là có tin nhắn sms về điện thoại, thông báo thẻ sẽ được tăng hạn mức. Nếu mình không muốn tăng, thì phải soạn tin nhắn từ chối. Mình không để ý tin nhắn đó nên thẻ cứ tự động tăng hạn mức thôi”.

Cô gái bỗng “được" tăng thêm gần chục triệu để tiêu xài nhưng sợ nhiều hơn vui vì 1 lý do- Ảnh 1.

Vì không chú ý tin nhắn này...(Ảnh: NVCC)

Cô gái bỗng “được" tăng thêm gần chục triệu để tiêu xài nhưng sợ nhiều hơn vui vì 1 lý do- Ảnh 2.

Nên Thu Trang đã bỏ qua cơ hội từ chối việc tăng hạn mức thẻ tín dụng (Ảnh: NVCC)

Thu Trang bày tỏ thắc mắc rằng chẳng hiểu tại sao dư nợ thẻ còn chưa trả hết, mà ngân hàng vẫn tăng hạn mức. Điều này khiến cô vừa lo “nợ càng thêm nợ”, vừa cảm thấy như mình đang mắc bẫy. 

Dù thừa nhận nếu so với mức thu nhập hiện tại, khoản nợ 28 triệu thẻ tín dụng không phải là con số quá lớn, vượt khả năng chi trả. Nhưng vì không tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, nên cô cũng không thể không lo lắng vì khoản tiền “9,8 triệu đồng bị dí vào tay”.

Hiện tại, kế hoạch thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của Thu Trang gói gọn trong 1 câu: Mỗi tháng trả thẻ 5 triệu, đồng thời, không tiêu dù chỉ 1 đồng vào số tiền đã trả thẻ.

“Mình mới làm được 1 tháng, thì thẻ đã tự động tăng hạn mức rồi. Quyết tâm thì vẫn là không tiêu tiền trong thẻ, và trả đều 5 triệu mỗi tháng cho đến khi trả được hết dư nợ, nhưng quả thực là mình cũng không tự tin bản thân sẽ làm được” - Thu Trang chia sẻ.

3 điều cần nhớ để không ngập trong nợ nần khi sử dụng thẻ tín dụng

Nếu biết cách sử dụng, thẻ tín dụng hoàn toàn có thể giúp chúng ta tiết kiệm 1 phần chi phí cơ bản, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, trước khi bàn tới chuyện “sinh lời” nhờ thẻ tín dụng, tránh nợ vẫn là điều quan trọng, cấp thiết hơn.

Để không mắc nợ vì quẹt thẻ tín dụng vô tội vạ, bạn cần lưu ý 3 điều dưới đây.

1 - Ghi chép lại từng khoản chi từ thẻ tín dụng

Việc này giúp bạn đảm bảo bản thân không tiêu quá số tiền trong khả năng chi trả.

Cô gái bỗng “được" tăng thêm gần chục triệu để tiêu xài nhưng sợ nhiều hơn vui vì 1 lý do- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ví dụ: Hôm nay mua 1 đôi giày trị giá 1 triệu đồng và thanh toán bằng thẻ tín dụng, hãy ghi chép lại khoản này.

Mỗi tuần nhìn lại danh sách chi tiêu từ thẻ tín dụng 1 lần, để nắm được con số tổng chi, từ đó, đối chiếu với số tiền mình đang có, để hoạch định việc thanh toán dư nợ trước kỳ sao kê, tránh phát sinh lãi suất và tránh luôn cả việc mang nợ.

2 - Thanh toán toàn bộ dư nợ thay vì thanh toán dư nợ tối thiểu

Thay vì thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép bạn thanh toán một phần - gọi là dư nợ tối thiểu, thường là 5% tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ.

Ví dụ: Trong kỳ sao kê vừa qua, bạn chi tiêu hết 20 triệu từ thẻ tín dụng, nhưng bạn lại chẳng có đủ 20 triệu để thanh toán toàn bộ dư nợ. Và thế là bạn lựa chọn thanh toán dư nợ tối thiểu.

Thoạt nghe, việc thanh toán dư nợ tối thiểu tưởng chừng rất có lợi cho những chủ thẻ đã “lỡ tiêu quá nhiều nhưng chẳng trả được bao nhiêu”. Thực hiện thanh toán mức tối thiểu đó, bạn sẽ không bị liệt vào nhóm nợ xấu, không bị khóa thẻ tín dụng. Tháng sau, nếu thẻ của bạn còn hạn mức, bạn vẫn có thể chi tiêu.

Tuy nhiên, “thanh toán dư nợ tối thiểu” vẫn là 1 cái bẫy, vì khi đó, ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ, mức lãi suất có thể lên tới 25-40% toàn bộ dư nợ - chính là tổng số tiền bạn đã chi tiêu và chưa trả được trong kỳ sao kê đó.

3 - Tránh xa các lời mời “sang ngang” hạn mức thẻ tín dụng

Nếu đang sử dụng 1 thẻ tín dụng và thanh toán dư nợ đúng hạn, dù chỉ là thanh toán dư nợ tối thiểu, không ít thì nhiều, cũng có sẽ các đơn vị phát hành thẻ tín dụng “mời” bạn mở thêm thẻ tín dụng mới, với hình thức “sang ngang hạn mức” từ thẻ đang sử dụng.

Hiểu nôm na rằng bạn sẽ chẳng mất công sức làm thủ tục gì nhiều, thẻ hiện tại hạn mức bao nhiêu thì thẻ mới cũng sẽ có hạn mức như vậy.

Nghe qua thì thấy tiện quá, nhưng đừng vội gật đầu, vì như vậy chẳng khác nào tự đưa mình đến gần với hố đen nợ nần. Dùng 1 thẻ còn chưa thanh toán được toàn bộ dư nợ, chắc chắn, không nên mở thêm thẻ mới!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày