Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra, những người trưởng thành có thói quen uống ít nhất một loại đồ uống có đường dễ có nguy cơ mắc chứng rối loạn lipid máu và nồng độ cholesterol LDL cao. Rối loạn mỡ máu xảy ra khi lượng cholesterol vượt quá ngưỡng bình thường. Mark Peterman, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tim mạch tại Viện Texas Health Plano cho biết, nồng độ cholesterol càng cao thì bạn càng có nguy cơ mắc bệnh tim .
Dư thừa cholesterol sẽ thúc đẩy phát triển bệnh tim và đột quỵ, hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
Nghiên cứu được công bố gần đây đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, tiêu thụ các loại đồ uống khác nhau có thể góp phần làm thay đổi nồng độ lipid trong máu. Theo David Danielle Haslam, tác giả của nghiên cứu này, đồ uống có đường liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
Các chuyên gia tiến hành nghiên cứu những yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol, chất béo trong cơ thể như chế độ ăn uống hàng ngày, hoạt động thể chất, thói quen uống rượu và sử dụng thuốc.
Người tham gia thử nghiệm cần cho biết họ thích dùng loại đồ uống nào và tần suất sử dụng. Các chuyên gia phân đồ uống thành hai loại bao gồm đồ uống có đường (SSBs) như nước ngọt có ga, nước trái cây và đồ uống có hàm lượng calo thấp (LCSB) như soda không đường.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, những người tham gia thử nghiệm đều hấp thụ một lượng calo giống nhau, dù họ lựa chọn uống các loại nước ngọt khác biệt.
Nhìn chung, những phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên. Theo Nicola McKeown, tiến sĩ, nhà dịch tễ học kiêm chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Tufts ở Boston, mức độ ảnh hưởng của đồ uống có đường tới lipid máu trong cơ thể sẽ tăng theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, người ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi dùng nước ngọt hàng ngày có nguy cơ tăng nồng độ chất béo trung bình và cholesterol lên cao một cách bất thường so với những người hiếm khi uống đồ uống này.
Từ kết quả của nghiên cứu trên, chuyên gia McKeown cho biết, SSBs cũng liên quan đến nguy cơ mắc chứng rối loạn lipid máu và những thay đổi tiêu cực về nồng độ lipoprotein, hợp chất có tác động tới triglyceride và cholesterol HDL.
Theo nghiên cứu, những người uống đồ uống có đường làm giảm khả năng tăng cholesterol HDL (tốt) hơn 98% và thúc đẩy tăng triglyceride hơn 53%.
Cholesterol là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn tới chứng xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Do đó kiểm soát vấn đề này là điều vô cùng quan trọng. Mọi người nên kiểm tra cholesterol trong cơ thể ít nhất mỗi năm một lần để phòng ngừa bệnh tật.
Các phát hiện gần đây đã chỉ ra, lượng đường hấp thụ mỗi ngày và bệnh tiểu đường có thể đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới nồng độ cholesterol. Hội chứng chuyển hóa là một thuật ngữ dùng để chỉ một loạt các vấn đề bất thường liên quan tới cholesterol, trọng lượng cơ thể và bệnh tiểu đường. Ăn quá nhiều đường cũng có tác động tiêu cực đến nồng độ cholesterol trong cơ thể.
Chuyên gia Peterman nhấn mạnh, giảm cholesterol cần dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, kiểm soát trọng lượng cơ thể và vận động thường xuyên là hai biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Nồng độ cholesterol HDL có mối liên hệ mật thiết với việc tập thể dục và cải thiện lối sống.
Hơn nữa, những thay đổi trong chế độ ăn uống như tiêu thụ nhiều cá, giảm ăn thịt đỏ, tránh hấp thụ nhiều carb và sử dụng dầu ô liu thay cho mỡ động vật có thể mang lại lợi ích to lớn. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng đường vẫn là một yếu tố quan trọng cần ưu tiên hàng đầu.
(Nguồn: Healthline)