Với mỗi sinh viên thuộc khối ngành thiết kế, mỹ thuật hay kiến trúc, thời gian thực hiện đồ án cuối kỳ luôn là những giây phút khó quên, vì đằng sau những tháng ngày thức trắng đêm, ăn uống thất thường và làm việc đến mệt nhoài lại là những thành phẩm khiến họ tự hào và sẽ nhớ mãi sau khi bước chân ra khỏi cánh cửa đại học.
Mới đây, sinh viên ngành Thiết kế thời trang thuộc khoa Mỹ thuật công nghiệp, trường Đại học Văn Lang cũng vừa hoàn thành xong những đồ án thiết kế phụ trang của mình. Để nhìn lại thành quả học tập, lao động và sáng tạo của mình, thầy cô cùng các sinh viên đã tổ chức một fashion show nho nhỏ và thu hút nhiều sự chú ý. Đặc biệt, những tác phẩm mà các sinh viên mang đến khiến ai nấy cũng đều ngỡ ngàng và thán phục vì những ý tưởng vô cùng táo bạo cùng chất lượng không thua kém gì những trang phục được biểu diễn trong các sự kiện thời trang lớn.
Tác phẩm Innervisions của sinh viên Nguyễn Quỳnh Anh được lấy ý tưởng từ bệnh đục thuỷ tinh thể với 8 loại đục thuỷ tinh thể đặc trưng.
Sinh viên Thanh Nhàn với sáng tạo của mình mang tên “SAVE THEM BEFORE ITS TOO LATE” cùng thông điệp kêu gọi sự quan tâm của con người đến động vật chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thay đổi khí hậu trên trái đất.
Được biết, người phụ trách bộ môn này và trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án là nhà thiết kế tài năng Ngô Mạnh Đông Đông, người đứng đằng sau những bộ trang phục dân tộc hút mắt của những người đẹp Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Anh chia sẻ, Đồ Án Phụ Trang là một môn học giúp các sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của phụ trang vì trong thời trang không chỉ có quần áo, mà còn có phụ trang, nghệ thuật sắp đặt, món ăn, phong cách con người,...
Với đề bài lần này là “DISEASE AND PROTECTION” tức là "Đại dịch và sự sinh tồn", những nhà thiết kế tương lai đã thỏa sức sáng tạo và lồng ghép những chi tiết tưởng chừng như chẳng có gì liên quan đến thời trang vào chính sản phẩm của mình. Những hiện tượng khoa học, hiện tượng thiên nhiên hay những yếu tố mang tính tâm linh, truyền thuyết được những sinh viên trường Đại học Văn Lang thời trang hóa một cách khéo léo và vô cùng ấn tượng.
Lấy ý tưởng từ đại dịch đang hoành hành toàn cầu Covid-19, nam sinh Tạ Đức Tuấn Kiệt muốn mang đến tinh thần chiến đấu dịch bệnh quái ác này thông qua ngôn ngữ thời trang. Sự gai góc của chiếc lồng kim loại tròn nhốt trọn những tinh thể phân tử Corona virus, tượng trưng cho cả quả địa cầu này cùng chung tay chống dịch - STOP COVID-19!
Lấy cảm hứng từ những nạn nhân chất độc màu da cam, hậu quả tàn độc của chiến tranh để lại, sinh viên Trần Công Minh đã sử dụng chất liệu chính là bông gòn, đất sét và nhựa để thông qua thời trang, giới mộ điệu hình dung rõ nét về những hậu quả mà loại chất độc này gây ra cho con người.
Bạn Nguyễn Thảo Vy lại mang đến tác phẩm gọi nhớ vẻ đẹp xanh tươi của rừng núi, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy khu rừng đang xảy ra hỏa hoạn, một trong những thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của con người, động vật,...
Lấy cảm hứng từ sự đột biến gen do các khí độc thải ra sau những cuộc chiến tranh tàn khốc, Nguyễn Vũ Thuần đã hoàn thành xuất sắc bài thi của mình.
Đặng Trần Trí là chủ nhân của tác phẩm I was abandoned . Lấy ý tưởng từ những câu chuyện tâm linh về búp bê kumathong của Thái Lan, chàng trai này đã lồng ghép thông điệp bảo vệ những đứa trẻ sơ sinh vô tội, chống lại nạn phá thai.
"The Earth does not belong to us, we belong to the Earth - Người tiên phong là người hành động tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng, một hành động nhỏ nhưng mang lại kết quả lớn. Mỗi cá nhân sẽ là một chiến binh nhưng nếu không nhanh chân thì sẽ chẳng còn cơ hội để thay đổi," đó chính là phần thông điệp mà sinh viên Nguyễn Hùng Bảo muốn truyền tải thông qua bài thi của mình.
Một số bài dự thi ấn tượng khác của các sinh viên đã thực hiện
Thời trang luôn có tiếng nói riêng của nó trong cuộc sống, do đó những nhà thiết kế luôn muốn mang đến nhiều hơn những giá trị mang tính thẩm mỹ thông thường, đó là những tuyên ngôn, những thông điệp hay tiếng nói của ngành này lên những vấn đề xảy ra hằng ngày trên thế giới. Có thể thấy, thời trang không bao giờ đứng ngoài cuộc trước những mối lo ngại chung của con người, điều đó đã được thể hiện một cách mạnh mẽ qua những đồ án siêu chất lượng của sinh viên Mỹ thuật công nghiệp, trường Đại học Văn Lang. Có lẽ đây cũng là lời khẳng định rằng trong tương lai sẽ có nhiều nhà thiết kế tài năng và có tư duy khác biệt gia nhập vào làng thời trang đang không ngừng phát triển của Việt Nam.
Ảnh: Vu Minh Phuong Nguyen, Mai Anh Thư, Văn Hùng