Điện ảnh Việt học được gì từ Ký Sinh Trùng, Trò Chơi Con Mực?

Ngọc Ánh, Gia Linh, Theo Tiền Phong 16:33 12/11/2022

Điện ảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng để vươn xa hơn song vẫn còn nhiều nút thắt. Nhìn sang điện ảnh Hàn Quốc, nền điện ảnh nước nhà có thể học hỏi và tìm thấy cơ hội hợp tác sâu rộng trong tương lai.

Lý giải sức hút điện ảnh Hàn Quốc

Hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc là hoạt động bên lề quan trọng của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6, diễn ra sáng 9/11 tại Hà Nội. Đây cũng là dịp các nhà điện ảnh nhìn nhận và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Hàn Quốc, đưa điện ảnh xứ sở kim chi đạt được nhiều thành công rực rỡ những năm qua.

Điện ảnh Việt học được gì từ Ký Sinh Trùng, Trò Chơi Con Mực? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC Liên hoan phim quốc tế Hà Nội - khẳng định: "Đây là cơ hội để khán giả Hà Nội và đại biểu tham dự LHP được thưởng thức những tác phẩm góp phần làm nên vị trí hàng đầu của Điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế cũng là 'quyền lực mềm' quảng bá văn hóa, kết nối các giá trị văn hóa, tạo nên những kỳ tích của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc qua nhiều năm".

Ông Park Ki Yong - Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc - chia sẻ điện ảnh Hàn Quốc có phim Ký Sinh Trùng đạt nhiều giải thưởng quốc tế, mang về thành công ngoài sức tưởng tượng. Bộ phim Squid Game (Trò Chơi Con Mực) cũng nổi tiếng trên thế giới.

"Sự thành công của các bộ phim Hàn đều mang phong cách Hàn, phim kiểu Hàn nói về xã hội Hàn. Ví dụ Trò Chơi Con Mực được người xem khắp thế giới khen ngợi so với những bộ phim sinh tồn khác", ông Park Ki Yong nêu.

Điện ảnh Việt học được gì từ Ký Sinh Trùng, Trò Chơi Con Mực? - Ảnh 2.

Ký Sinh Trùng mang về thành công lớn cho điện ảnh Hàn Quốc

Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng khẳng định phim Hàn thành công không phải do nội dung đặc biệt mà do chất lượng vượt trội. Những bộ phim Hàn phản ánh chân thật xã hội Hàn Quốc dữ dội và đầy nhiệt huyết, cũng như người Hàn sống trong xã hội đó.

Một kinh nghiệm đáng học hỏi còn ở chỗ Quỹ phát triển điện ảnh Hàn Quốc đưa những bộ phim đến phục vụ những vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và Hiệp hội điện ảnh góp phần phát triển điện ảnh nước nhà.

Học được gì từ những Ký Sinh Trùng, Trò Chơi Con Mực?

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông nhắc lại Luật Điện ảnh sửa đổi của Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2022. Theo sự đánh giá của quốc tế và những người làm nghề, Luật điện ảnh sửa đổi có bước tiến xa, khá cập nhật với tình hình chung của ngành điện ảnh. Luật Điện ảnh Việt Nam đã chú trọng những vấn đề như kiểm duyệt, thành lập các cơ sở đào tạo, mở rộng quyền hạn của người làm nghề.

"Hai năm qua, chúng tôi đã gửi đi 20 học sinh của Đại học Sân khấu & Điện ảnh, thêm 10 em đi Trung Quốc trong chương trình giữa Đại học Sân khấu & điện ảnh và Đại học Trung Quốc. Trong 3 năm qua, có khoảng 30 sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài về ngành điện ảnh. Trong đó hơn chục người quay trở lại Việt Nam bắt đầu làm việc ở các cơ sở đào tạo hoặc tổ chức sản xuất phim. Với chúng tôi, việc đào tạo nhân lực là công việc hàng đầu để thúc đẩy điện ảnh phát triển", Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.

Diễn viên, đạo diễn Nguyễn Công Hậu - Ủy viên BCH Hội điện ảnh Việt Nam - khẳng định với Tiền Phong điện ảnh Việt chịu nhiều ảnh hưởng từ điện ảnh Hàn Quốc, từ kịch bản đến cách truyền tải câu chuyện. "Điện ảnh Hàn Quốc tác động rất lớn đến thị hiếu của khán giả Việt Nam. Sự ảnh hưởng đó thể hiện ở quần áo, trang sức, vật dụng…", ông cho biết

Đồng tình với chia sẻ của lãnh đạo Bộ VHTTDL, đạo diễn Nguyễn Công Hậu nhấn mạnh tầm quan trọng của sức trẻ trong nghệ thuật. Ông kiến nghị nên tiếp tục đào tạo lớp diễn viên, biên kịch, đạo diễn, kỹ thuật viên trẻ. "Chúng ta không nên tự ái mà ngược lại tích cực cử các nhân tố trẻ sang nước ngoài học hỏi cái hay, cái lạ mà Việt Nam chưa có", anh nói. Đó là nền móng để đưa điện ảnh nước nhà phát triển.

Trả lời câu hỏi của Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Duy Anh về quỹ phát triển điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Park Ki Yong chia sẻ: Từ 2007, KOFIC thu 3,3% trên 1 vé xem phim. Năm 2019, KOFIC thu nhiều nhất là 54,5 tỷ won. Nhưng đến 2020, khi có đại dịch COVID-19, số thu giảm 5 lần còn 11 tỷ won; 2021 là 17 tỷ won; 2022 dự kiến là 21 tỷ won.

Tuy nhiên, để làm được điều này, KOFIC phải duy trì được mối quan hệ hai chiều, các bên đều có sự đóng góp, hy sinh, hướng tới hiệu quả. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định Bộ đang xúc tiến triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh.

Ảnh: HANIFF