Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp?

Rosé, Theo Trí Thức Trẻ 15:16 01/04/2020
Chia sẻ

Lệnh đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim lần thứ hai trên cả nước của Cục Điện ảnh Trung Quốc kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát, đã khiến các đơn vị kinh doanh phải gánh chịu không ít tổn thất thế nhưng họ cũng có những phương pháp cụ thể cũng như nhận được sự hỗ trợ để "giảm đau kinh tế".

Theo thông tin từ SCMP vào sáng ngày 27/3, Cục Điện ảnh Trung Quốc bất ngờ ra thông báo yêu cầu tất cả các rạp chiếu phim trên cả nước tiếp tục đóng cửa mà không giải thích rõ lý do cũng như chưa ấn định kế hoạch sẽ cho hoạt động trở lại. Đây thực sự giống như “gáo nước lạnh” dội thẳng vào nền điện ảnh tại đất nước tỷ dân khi trước đó, nhiều nhà sản xuất và đơn vị phát hành đã rục rịch chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim vào ngày 28/3. Nhìn lại hành trình 3 tháng đầu năm có thể thấy các nhà làm phim, chủ rạp chiếu xứ Trung đang phải đối diện với một cơn khủng hoảng cực lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đáng mừng là họ vẫn có những phương pháp để cầm cự và "giảm đau kinh tế".

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 1.

Trung Quốc tiếp tục đóng cửa hơn 600 cụm rạp sau thông báo mở cửa trở lại vào ngày 28/3.

2. Các rạp chiếu phim tại Trung Quốc tiếp tục “đóng băng” mọi hoạt động 

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã cho đóng cửa toàn hệ thống rạp chiếu phim ở tất cả các địa phương lần thứ nhất vào hồi cuối tháng 1/2020 nhằm nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, có khá nhiều tác phẩm Tết đã phải phát hành qua nền tảng xem phim trực tuyến. Thậm chí, hàng loạt nhà sản xuất phim cùng nhiều tác phẩm khác gần như “mắc kẹt” khi toàn bộ hệ thống rạp chiếu phim đã “đóng băng” mọi hoạt động.

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 2.

Bộ phim Lạc Lối Ở Nga của đạo diễn Từ Tranh phải phát sóng trên mạng sau khi lỡ hẹn với khán giả ở rạp chiếu.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận đẩy lùi được dịch bệnh và mọi hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, giải trí cũng sẽ sớm trở lại bình thường. Tất nhiên, trong đó có cả ngành công nghiệp phim ảnh. Đã có 205 rạp chiếu phim ở Thượng Hải được cấp phép mở lại từ ngày 28/3, thậm chí, nhà chức trách cũng đã “bật đèn xanh” cho 507 cụm rạp ở nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc sau thời gian “đắp chiếu”. Theo đó, hàng loạt bom tấn màn ảnh rộng cũng đã được lên kế hoạch tái phát hành.

Thế nhưng, ngọn lửa hi vọng về tín hiệu hồi phục của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc còn chưa kịp thắp lên thì lệnh đóng cửa rạp chiếu phim lần hai đã được ban ra. Hiện tại, tổng số gần 70.000 rạp chiếu phim ở quốc gia này vẫn ngừng đón khách mà chưa ấn định thời gian hoạt động trở lại. Theo đó, những tác phẩm đã “đắp chiếu” suốt thời gian dài để chờ lên sóng trở lại cũng tiếp tục nằm kho.

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 3.

Những bom tấn màn ảnh đáng mong chờ tiếp tục nằm kho.

2. Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc phải gánh chịu những tổn thất đáng kể

Việc Trung Quốc tiếp tục đóng cửa toàn rạp đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh tại quốc gia này nói chung và hệ thống rạp chiếu phim nói riêng phải chịu tổn thất, đặc biệt là về lợi ích kinh tế. Theo lời cảnh báo từ các chuyên gia thì ngành công nghiệp điện ảnh xứ tỷ dân sẽ phải mất một thời gian dài nữa, mới bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong suốt thời gian qua.

Lệnh đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim vẫn tiếp tục được thi hành và chưa có kế hoạch cụ thể cho việc hoạt động trở lại, khiến các nhà sản xuất cũng như đầu tư phải đau đầu khi tìm ra đáp án để ứng phó cơn khủng hoảng hiện tại. Bởi nếu tình trạng này kéo dài, những tổn thất mà điện ảnh Trung Quốc phải gánh chịu chắc chắn sẽ không chỉ là vấn đề kinh tế.

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 4.

Hàng ngàn rạp chiếu của Trung Quốc lao đao vì dịch bệnh.

3. Điện ảnh Trung Quốc lên kế hoạch ứng phó cho những tình huống xấu nhất 

Hiện tại, tất cả các hãng sản xuất và phát hành phim ảnh tại Trung Quốc được yêu cầu không bán những tác phẩm tồn kho của mình cho các dịch vụ xem trực tuyến, nhằm đảm bảo nguồn phim mới phục vụ cho việc khởi động trở lại hệ thống rạp trên toàn quốc. Đồng thời, việc bảo mật những bộ phim chưa được phát hành cũng là yếu tố đảm bảo nỗ lực tái thiết nền điện ảnh được thực hiện nhanh chóng hơn.

Cùng với đó, các đơn vị phát hành phim cũng đang lên kế hoạch để chùm bom tấn cũ sẽ trở lại màn ảnh rộng trong thời gian tới dưới định dạng mới nhằm thu hút khách đến rạp nhiều hơn. Hàng loạt các siêu phẩm được gọi tên như: Sheep Without a Shepherd, Capernaum, Wolf Warrior, American Dreams in China,… đặc biệt là Harry Potter and the Philosopher's Stone cũng đang chờ để lên sóng.

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 5.

Các nhà sản xuất phim đang nỗ lực hết mình cho mọi phương án nhằm thúc đẩy sự hoạt động trở lại của nền điện ảnh.

Ở một diễn biến khác, các tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc cũng đã có động thái hỗ trợ cho nhiều rạp chiếu phim để giúp ngành công nghiệp điện ảnh vượt qua sự trì trệ này. Trước mắt, họ tuyên bố sẽ giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng cùng phí quản lý cho các đơn vị kinh doanh và cả hệ thống rạp ở một số địa phương như Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Đông, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Hải Nam,…

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 6.

Các rạp chiếu phim đang phải gánh khoản chi phí phát sinh dù không hoạt động.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Cục Điện ảnh Trung Quốc đã phát lệnh đóng cửa rạp chiếu phim hai lần, gây nhiều tổn thất cho nền điện ảnh tại đất nước tỷ dân. Trước diễn biến phức tạp hiện tại, các đơn vị phát hành cùng nhiều nhà xuất và đầu tư đang chủ động lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, để những tác phẩm điện ảnh được mong chờ không lỡ hẹn với khán giả lâu hơn nữa. 

Điện ảnh Trung Quốc ứng phó như thế nào trước tình trạng đóng cửa toàn rạp? - Ảnh 7.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày