Khoai tây là thực phẩm quen thuộc, giá rẻ và dễ chế biến, giàu dinh dưỡng nhưng không phải củ khoai nào cũng an toàn để ăn. Đầu bếp chuyên nghiệp, đồng thời là chuyên gia dinh dưỡng Papuchan (Nhật Bản) đưa ra cảnh báo về 4 kiểu khoai tây tuyệt đối không nên ăn - dù có được tặng miễn phí vì gây hại cho sức khỏe:
Theo đầu bếp Papuchan, khoai tây chuyển màu xanh là do tiếp xúc với ánh sáng không phù hợp, từ nắng đến đèn huỳnh quang. Quá trình này không chỉ sản sinh diệp lục (vô hại) mà còn kích hoạt solanine - một chất độc tự nhiên. Khi ăn vào với liều lượng lớn, solanine có thể gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí rối loạn thần kinh.
Ảnh minh họa
Điều nguy hiểm là chất độc này không bị phân hủy kể cả sau khi nấu chín. Hay nhiều người lầm tưởng chỉ cần cắt bỏ phần xanh là an toàn, nhưng Papuchan cảnh báo rằng ánh sáng vàng trong nhà bếp có thể khiến vùng nhiễm độc khó nhận biết. Vì thế, cách an toàn nhất là vứt bỏ toàn bộ củ bị xanh, dù chỉ bị xanh một phần.
Đây là dấu hiệu khoai đã bị biến chất do bảo quản quá lâu. Khi khoai mất nước, lớp vỏ nhăn lại, củ trở nên mềm và dễ bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập. Nếu có thêm mùi hôi, chua hoặc lạ, thì khoai đã bị hỏng, có thể sinh ra độc tố như aflatoxin - một chất có khả năng gây ung thư nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Không ít người tiếc của, cố gắng chế biến phần còn tốt, nhưng nên nhớ rằng vi khuẩn không luôn thấy rõ bằng mắt thường. Ăn khoai đã hư hỏng không chỉ ảnh hưởng đến tiêu hóa mà còn có thể gây ra các vấn đề gan mật nghiêm trọng.
Papuchan cảnh báo, đây là loại khoai tây “cực độc”. Mầm khoai tây đã được chứng minh là chứa lượng solanine rất cao, đặc biệt là tại chân mầm và phần xung quanh. Càng mọc dài, mầm càng tích tụ độc tố, dễ gây ngộ độc nếu ăn phải. Không chỉ vậy, quá trình mọc mầm còn làm thay đổi thành phần dinh dưỡng trong khoai, khiến chất lượng giảm mạnh và tiềm ẩn nguy cơ cho gan, thận nếu ăn lâu dài.
Dù nhiều người có thói quen cắt bỏ phần mầm rồi nấu tiếp, nhưng nếu khoai đã mọc mầm tốt nhất là không nên ăn. Bởi chất độc lan ra toàn bộ củ khoai và không thể biến mất hoàn toàn ngay cả khi nấu chín. Trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu càng nên tránh vì nguy cơ ngộ độc cao hơn người lớn khỏe mạnh. Tốt nhất nên vứt bỏ ngay hoặc tận dụng đem trồng thành cây khoai tây.
Ảnh minh họa
Những đốm đen, vết thâm tím trên khoai có thể là hậu quả của va đập cơ học, nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu khoai đã bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Dù không phải lúc nào vết thâm cũng gây hại, nhưng khi các vết này lan rộng hoặc ăn sâu vào phần thịt khoai, chúng có thể kèm theo nấm mốc, tạo ra độc tố.
Thay vì cố gắng gọt bỏ các vết đen, Papuchan khuyên bạn nên quan sát kỹ: Nếu vết lan quá nhiều hoặc khoai có thêm dấu hiệu bất thường như mềm, có mùi, thì nên loại bỏ ngay. Ăn khoai bị thối âm ỉ hoặc nhiễm khuẩn là hành vi tiềm ẩn rủi ro cho gan, thận và hệ miễn dịch. Còn để an toàn, cứ thấy khoai nhiều đốm đen và thâm tím thì nên vứt bỏ.
Lưu ý khi bảo quản khoai tây
Với kinh nghiệm phong phú của mình, đầu bếp Papuchan cũng đưa ra lời khuyên về cách bảo quản khoai tây. Để tránh khoai bị xanh hoặc mọc mầm, Papuchan khuyên nên bảo quản khoai tây ở nơi thoáng, mát, tối. Cách tốt nhất là bọc khoai bằng khăn bếp hoặc giấy báo, đặt trong túi giấy, tránh ánh sáng trực tiếp từ đèn hoặc cửa sổ. Không nên để khoai gần bếp nóng hoặc trong tủ lạnh, vì nhiệt độ thấp cũng khiến khoai mọc mầm nhanh hơn.
Ngoài ra, khoai tây mới mua nên dùng hết trong 7 ngày. Vì loại này chứa nhiều nước, dễ hỏng nếu để lâu. Khi mua, nên chọn củ chắc tay, không nhăn, không có đốm hoặc mầm nhỏ nhú ra.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Eating Well