Phòng ngủ là nơi để chúng ta nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, vì vậy việc tạo ra một môi trường thoải mái là vô cùng cần thiết. Có thể bạn không ngờ rằng, một số vật dụng tưởng chừng rất bình thường khi đặt trong phòng ngủ lại có thể âm thầm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tâm trạng của bạn. Điều này không phải là mê tín mà đã được khoa học chứng minh rõ ràng.
1. Thiết bị điện tử
Nhiều người có thói quen sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, như lướt mạng xã hội, xem video hay chơi game. Tuy nhiên, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này sẽ ức chế quá trình tiết melatonin, một loại hormone điều hòa chu kỳ ngủ - thức của cơ thể. Khi melatonin bị ức chế, đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ bị rối loạn, gây khó ngủ và giấc ngủ cũng trở nên chập chờn, không sâu.
Nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng thiết bị điện tử hơn 2 tiếng trước khi ngủ có mức melatonin thấp hơn khoảng 22% so với những người không dùng. Do đó, để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, nên đặt thiết bị điện tử ra ngoài phòng ngủ ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ hoặc chuyển sang chế độ máy bay để giảm thiểu tác động của ánh sáng xanh. Bạn cũng có thể thay thế bằng các hoạt động thư giãn như đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ để dễ ngủ hơn.
2. Cây xanh
Cây xanh vào ban ngày giúp hấp thụ CO2 và thải ra oxy, có lợi cho việc cải thiện chất lượng không khí. Nhưng vào ban đêm, khi không có ánh sáng, cây sẽ chuyển sang hô hấp, hấp thụ oxy và thải ra CO2. Nếu trong phòng ngủ đặt quá nhiều cây, đặc biệt là cây có kích thước lớn, nồng độ CO2 sẽ tăng cao vào ban đêm, dẫn đến giảm hàm lượng oxy, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Một số loại cây như trầu bà, lô hội tuy có khả năng lọc không khí nhưng ban đêm vẫn tiêu thụ oxy. Đối với những phòng ngủ nhỏ, thiếu thông gió, điều này có thể gây ra tác động rõ rệt. Ngoài ra, một số cây có thể gây dị ứng do phấn hoa, bào tử hoặc lông tơ trên lá, gây ngứa mũi, hắt hơi, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuy vậy, một vài loại cây mọng nước như xương rồng hoặc sen đá ít gây ảnh hưởng vì hấp thụ CO2 rất ít vào ban đêm, bạn vẫn có thể trưng bày với số lượng vừa phải.
3. Gương
Từ góc độ tâm lý học, trong trạng thái mơ màng nửa tỉnh nửa mê, nếu vô tình nhìn thấy hình ảnh phản chiếu trong gương có thể khiến người ta giật mình, hoảng hốt, từ đó phá vỡ nhịp ngủ. Ngay cả khi tỉnh táo, việc gương phản chiếu liên tục hình ảnh cũng có thể gây xao nhãng về thị giác, tạo cảm giác bất an trong tiềm thức, gây áp lực tinh thần và khó thư giãn hoàn toàn.
Để tránh điều này, không nên đặt gương đối diện giường hoặc hai bên giường. Nếu phòng ngủ đã có sẵn gương không thể di dời, bạn có thể dùng rèm che hoặc vải phủ gương vào ban đêm để giảm tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
4. Gấu bông và thú nhồi bông
Gấu bông có hình dáng đáng yêu, cảm giác mềm mại nên được nhiều người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ ưa chuộng, thường để trên giường ngủ. Tuy nhiên, chúng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ vệ sinh. Lông gấu bông rất dễ bám bụi, tế bào chết và các hạt nhỏ li ti. Theo thống kê, một con gấu bông sử dụng hơn 6 tháng có thể chứa hàng ngàn con mạt bụi trên mỗi cm2.
Ngoài ra, một số gấu bông còn có chất liệu nhồi bên trong kém chất lượng, có thể chứa các chất độc hại như formaldehyde hay hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Vì vậy, nên hạn chế để gấu bông trong phòng ngủ, đặc biệt là trên giường. Nếu sử dụng, cần giặt giũ, vệ sinh định kỳ và ưu tiên chọn sản phẩm có kiểm định an toàn, rõ nguồn gốc. Trẻ nhỏ cũng không nên phụ thuộc vào gấu bông quá mức khi ngủ.
5. Nước hoa hoặc hương liệu quá nồng
Để phòng ngủ thơm tho, nhiều người có thói quen xịt nước hoa hoặc dùng máy xông tinh dầu. Tuy nhiên, nếu sử dụng các loại hương quá nồng, chúng có thể gây kích thích thần kinh, khiến cơ thể khó thư giãn và khó đi vào giấc ngủ.
Để cải thiện mùi hương phòng ngủ một cách an toàn và hiệu quả, bạn nên lựa chọn các loại tinh dầu thiên nhiên dịu nhẹ như oải hương (lavender) hoặc cúc La Mã (chamomile), vốn đã được chứng minh là có tác dụng thư giãn và hỗ trợ giấc ngủ. Hãy dùng với lượng vừa đủ qua máy khuếch tán hoặc đèn xông tinh dầu, đồng thời giữ phòng ngủ thông thoáng để đảm bảo không khí trong lành.
Nguồn và ảnh: Healthline