Khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện, chúng ta cũng trở nên ngày càng "khó tính" hơn trong việc lựa chọn thực phẩm, trang phục hay các vật dụng hàng ngày, luôn hướng đến chất lượng cao hơn. Lấy món tôm thường xuất hiện trên bàn ăn làm ví dụ: trước đây, tôm là nguyên liệu “cao cấp”, cả năm mới có dịp ăn vài lần, nên chẳng mấy ai quan tâm đến việc tôm có được lấy chỉ đen (ruột) hay không, ăn vào cũng chẳng cảm thấy vấn đề gì.
Nhưng hiện tại thì khác, khi đời sống đã khấm khá hơn, chúng ta không chỉ yêu cầu hương vị ngon miệng mà còn phải đảm bảo an toàn sức khỏe. Nhiều người cho rằng nếu không loại bỏ đường chỉ đen của tôm thì không những ảnh hưởng đến vị ngon mà còn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe. Vậy, chỉ đen của tôm có thực sự cần loại bỏ không? Nó có ảnh hưởng đến hương vị và sức khỏe không?
Chỉ đen của tôm là gì?
Khi bạn cầm một con tôm lên và quan sát kỹ phần lưng, sẽ thấy một sợi chỉ màu đen kéo dài từ đầu đến đuôi, đó chính là "chỉ tôm". Sau khi nấu chín, sợi chỉ này càng trở nên rõ ràng hơn. Thực chất, đó chính là đường tiêu hóa của tôm, tương tự như ruột của con người, bên trong chứa thức ăn chưa tiêu hóa hết, vi khuẩn và các chất thải trao đổi chất.
Nếu không loại bỏ chỉ tôm mà ăn luôn cả phần này, nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu về mặt tâm lý, chưa kể nếu con tôm sống trong môi trường nước bị ô nhiễm thì rất có thể chỉ tôm còn chứa các chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có nhất thiết phải loại bỏ chỉ đen của tôm không?
Sau khi biết được bản chất của chỉ tôm, nhiều người nghĩ rằng nhất định phải loại bỏ. Nhưng thực tế, việc này còn tùy trường hợp. Nếu tôm được nuôi trong môi trường nước sạch, tươi sống và được chế biến bằng nhiệt độ cao như chiên hoặc kho, thì vi khuẩn trong chỉ tôm đã bị tiêu diệt, không gây nguy hại đến sức khỏe.
Hiện nay, phần lớn tôm được bán trên thị trường là tôm nuôi công nghiệp, với điều kiện vệ sinh và môi trường được kiểm soát khá nghiêm ngặt, nên nhìn chung khá sạch. Trong những trường hợp này, dù không lấy chỉ tôm thì sau khi nấu cũng không thấy mùi lạ hay cảm giác lợn cợn khi ăn.
Tuy nhiên, nếu là tôm sống trong môi trường tự nhiên (tôm sông, tôm biển đánh bắt) thì lại khác, vì môi trường sống của chúng không thể đảm bảo, dễ tồn đọng nhiều chất bẩn trong chỉ tôm. Lúc này, nên loại bỏ để đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nếu bạn ăn tôm sống hoặc tái (ví dụ sashimi tôm), việc lấy chỉ là điều bắt buộc, vì vi khuẩn trong chỉ tôm chưa bị tiêu diệt bằng nhiệt, rất dễ gây đau bụng, tiêu chảy nếu ăn phải.
Cách lấy chỉ đen của tôm đơn giản mà hiệu quả
Thông thường, nhiều người dùng tăm hoặc que nhọn để lôi chỉ tôm, nhưng dễ làm đứt chỉ khiến việc làm sạch không triệt để. Có một mẹo cực kỳ đơn giản giúp bạn lấy chỉ tôm hoàn toàn chỉ bằng tay, không cần bất kỳ dụng cụ nào.
Đầu tiên, cầm con tôm trong tay sao cho phần lưng hướng lên trên, một tay giữ đầu tôm, tay còn lại giữ thân tôm. Dùng lực nhẹ bẻ gập phần kết nối giữa đầu và thân để tạo một khe hở, lúc này bạn sẽ thấy phần "túi tôm" (nội tạng tôm) bên trong đầu.
Tiếp theo, bóp nhẹ đầu tôm để đẩy túi tôm ra ngoài. Đây là phần chứa nội tạng và nhiều chất thải, nên cũng rất bẩn. Khi đã lộ phần túi này, bạn cầm túi tôm và từ từ kéo ra, sợi chỉ ở lưng tôm cũng sẽ đi theo ra ngoài do nó nối liền với phần nội tạng. Chỉ cần thao tác vài giây là bạn đã làm sạch hoàn toàn một con tôm, vừa nhanh, vừa sạch, lại không cần dụng cụ hỗ trợ.
Tóm lại, việc loại bỏ chỉ đen của tôm có nên hay không còn phụ thuộc vào cách chế biến và nguồn gốc tôm. Nếu là tôm sạch, nấu chín kỹ thì không quá cần thiết. Nhưng nếu ăn sống, nửa sống hoặc tôm có nguồn gốc không rõ ràng, tốt nhất nên làm sạch để bảo vệ sức khỏe. Hy vọng mẹo nhỏ trên sẽ giúp bạn xử lý tôm dễ dàng hơn trong căn bếp của mình!
Nguồn và ảnh: The Paper