Đa số mọi người trong chúng ta đều có một niềm tin mãnh liệt rằng, chất béo có nguồn gốc động vật đều không hề có lợi cho sức khỏe.
Và chúng làm tăng nguy cơ gây bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mỡ máu, béo phì... cho chúng ta.
Vì thế, nhiều người thường chỉ chọn ăn thịt nạc, không ăn nội tạng... để tránh tuyệt đối không ăn bất cứ loại chất béo nào có nguồn gốc từ động vật.
Thế nhưng, ít ai ngờ có 1 loại chất béo còn nguy hiểm hơn loại chất béo động vật.
Hay nói đúng hơn - nó là loại chất béo nguy hiểm nhất trong các loại chất béo - mang tên Trans fat (chất béo chuyển hóa).
Trans fat là gì, chúng có hại như thế nào?
Trans fat có cả trong thực phẩm chế biến và thực phẩm tự nhiên. Giáo sư Gary Fraser đến từ Trường Y tế cộng đồng Loma Linda là một người đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để nghiên cứu chất béo. Ông cho biết các bằng chứng rõ ràng đã chỉ ra trans fat rất có hại.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu 20, một số nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm hydro hóa các loại axit béo không bão hòa có trong các loại dầu thực vật nhằm biến chúng từ dạng lỏng sang dạng rắn ở nhiệt độ thông thường. Và đó chính là quá trình tạo ra chất béo dạng chuyển hóa (Trans fat).
Trans fat được tạo ra bằng cách chuyển vị trí nguyên tử Hydro từ bên này sang bên kia, nhưng nó lại làm thay đổi hoàn toàn tính chất của axít béo.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, chất béo chuyển hóa Trans fat này có trong thực phẩm chế biến và cả thực phẩm tự nhiên. Thế nhưng, nguồn trans fat góp mặt trong một số sản phẩm tự nhiên như thịt, sữa... chỉ với tỷ lệ cực nhỏ, không đáng kể, do đó người ta coi trans fat là chất béo nhân tạo.
Nhờ đặc tính hỗ trợ bảo quản thực phẩm, duy trì màu sắc, hương vị cho đồ ăn lâu hỏng nên không sai khi nói Trans fat được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm.
Chúng được sử dụng nhiều trong các loại thực phẩm ăn liền như bánh quy, snacks, mì ăn liền, xúc xích, thịt nguội... Thế nhưng nhiều nghiên cứu khoa học sau đó đã chỉ ra 1 sự thật bàng hoàng - dù sử dụng 1 lượng cực nhỏ nhưng trans fat cực kỳ gây hại cho sức khỏe.
Được biết, chất béo này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín thành mạch khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Thống kê tại New York (Mỹ) cho thấy, mỗi năm có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến Trans fat.
Vì sự độc hại của chất béo này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, mỗi người không nên tiêu thụ trans fat quá 2gr/ngày.
Mới đây, vào ngày 18/6/2018, Trans fat đã bị cấm sử dụng tại Mỹ để chế biến thực phẩm cho người như một nỗ lực giúp hạn chế tối đa lượng trans fat mọi người tiêu thụ.
Làm sao để biết thực phẩm ta dùng chứa trans fat?
Tiếc là khá khó khi có thể khẳng định thực phẩm ăn liền nào chứa trans fat. Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện ở các thực phẩm như snack, khoai tây chiên, bỏng ngô, xúc xích, đồ nguội, mì ăn liền...
Vì thế, bạn nên có thói quen xem nhãn thực phẩm để có thể biết được thực phẩm mình tiêu thụ có chứa trans fat hay không.
Tuy nhiên, một số loại thực phẩm dù có ghi 0 gram trans fat hay "zero trans", "no trans fat"... thực chất vẫn chứa một lượng nhỏ trans fat bên trong.
Bao bì ghi Trans fat 0g, nhưng thực tế vẫn có thể có Trans fat trong thành phần
Vì theo FDA (Food and Drug Administration - Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) quy định, nếu có dưới 0,2gr trans fat trong mỗi khẩu phần thì được phép ghi là 0 gram trans fat, nhưng FDA lại không nói rõ mỗi khẩu phần là bao nhiêu.
Nhiều nước còn quy định rõ phải ghi rõ lượng trans fat trên bao bì nhãn mác, như tại Canada, nhà sản xuất chỉ được quyền ghi zero trans (không có trans) trong trường hợp sản phẩm chứa ít hơn 0,2gr.
Thực phẩm nhiều Trans fat.
Ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể hay luật bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi rõ lượng trans fat trên bao bì sản phẩm.
Vì thế để hạn chế tuyệt đối lượng chất béo nguy hiểm này, tốt nhất là bạn nên tránh xa không dùng thực phẩm ăn liền. Thay vào đó, bạn dùng thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên rồi tự chế biến.