Có thể thấy Marvel và "vũ trụ điện ảnh" mà nó sản sinh đang trở thành một trong những mô hình kinh doanh sinh lời nhất trong nền công nghiệp điện ảnh đương đại. Theo lời đạo diễn của Infinity War thì đây không phải là chiếc bánh ngọt mà ai muốn tranh phần cũng được và ông không muốn các studio đâm đầu vào bắt chước mô hình này.
Ngày 4/5 trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Variety, khi được đề cập đến những lời khuyên nào dành cho các hãng phim trong việc xây dựng vũ trụ điện ảnh của riêng họ, anh em nhà Russo đã trả lời ngay: "Đừng làm theo vậy, không phải vũ trụ điện ảnh nào cũng thành công với những điều đó".
Đạo diễn Joe Russo
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng công thức thành công của Marvel rất khó để có thể "đạo" được. Tuy nhiên, các thương hiệu điện ảnh vẫn có thể thành công theo phong cách riêng của mình bởi khán giả thường hứng thú với những sự mới mẻ. Rõ ràng nhất là sự thành công của Netflix với dịch vụ truyền hình trực tuyến, thay vì chiếu mỗi tuần một tập họ đã chiếu trọn bộ của chương trình truyền hình khiến khán giả khỏi phải chờ đợi.
Chỉ tính riêng trong năm nay, khi cơn sốt của Black Panther vừa mới kịp nguội, Marvel đã tung ra bom tấn mang tên Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực) đã mang về hơn 900 triệu USD sau chưa đầy một tuần công chiếu. Qua đó, Infinity War đã đóng góp ngót nghét gần một tỉ bạc thêm vào tổng doanh thu ấn tượng gần 16 tỉ đô mà 19 phim của MCU đã đem lại. Đó chính là hình mẫu kinh doanh mà bất cứ studio Hollywood nào cũng thèm khát.
Chính vì vậy, không ngoa khi nói rằng mô hình Vũ trụ điện ảnh đang được rất nhiều thương hiệu khác ăn theo một cách "vô tội vạ". Điển hình là Universal từng có khởi đầu bết bát với các tác phẩm được kỳ vọng như Dracula hay The Mummy. Đặc biệt "gã hàng xóm" DC cũng từng thu về lợi nhuận rất cao từ lĩnh vực này khi mở ra DC Extended Universe (Vũ trụ mở rộng của DC), nhưng thường xuyên bị chỉ trích với chất lượng nội dung và đôi khi là hình ảnh không tương xứng với kinh phí đắt đỏ (chúng ta chắc chưa quên sự kiện bộ ria mép). Rõ ràng, để trở thành bản sao của Marvel là một điều không hề dễ dàng.
DC đã từng chật vật với Justice League (Liên Minh Công Lý)
Marvel vốn là một hãng truyện tranh về thể loại siêu anh hùng nổi tiếng, do đó cũng không quá khó khăn để Marvel chuyển thể những nhân vật đó thành tác phẩm điện ảnh. Thậm chí Marvel còn khôn ngoan khi quyết định mở rộng và liên kết các thế giới siêu anh hùng lại với nhau bằng một kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn tận hàng chục năm. Đó là một phần lý do vì sao họ thành công so với các bước đi "ăn xổi" của hàng xóm.
Bên cạnh đó, Russo còn cho biết thêm về chiến lược hiện tại của Marvel là cố gắng "đánh lừa" khán giả về các tình tiết trong phim thông qua các đoạn trailer, hình ảnh quảng bá. Đây chính là lý do tại sao quá trình quảng bá Avengers: Infinity War đã có nhiều thông tin sai lệch khiến khán giả phải vắt tay lên trán nghĩ ngày nghĩ đêm.
Người hâm mộ từng được "tung hoả mù" rằng "Avengers: Infinity War" có tới 60 anh hùng
"Chúng tôi đã thấy rất nhiều viễn cảnh mà người hâm mộ đã vẽ ra sau khi xem trailer bộ phim, đó là lý do tại sao tôi và Anthony đã dành phần lớn thời gian để che giấu những bí mật của Avengers: Infinity War hay làm sai lệch nội dung bộ phim gây nhầm lẫn với các thông tin với nhau. Thật dễ dàng để họ đoán chuyện gì sẽ xảy ra." – ông Russo chia sẻ.
Hiện tại, anh em nhà Russo vẫn đang tiếp tục xây dựng kịch bản của Avengers 4, và sẽ không loại trừ khả năng họ sẽ "lừa đảo" người hâm mộ Marvel một lần nữa. Trong khi đó, thay vì bắt chước theo thành công của Marvel thì các studio khác nên lấy đó làm cảm hứng để sáng tạo ra ý tưởng mang một phong cách mới mẻ cho thương hiệu của mình.
(Nguồn: Screenrant)