Mỗi năm, ngành công nghiệp phim ảnh đã đóng góp khoảng 3 tỷ đô la cho nền kinh tế của Úc và tạo ra hơn 25.000 việc làm. Nhưng trước cơn bão toàn cầu hóa, đặc biệt là dự thảo nới lỏng các quy định nhập khẩu và bảo hộ của chính quyền thủ tướng Malcolm Turnbull, nền phim ảnh xứ sở chuột túi đang phải đối diện với viễn cảnh trở về thời kỳ của những năm 1960 – khi mà các phim nội địa chỉ chiếm khoảng 1% thời lượng phát sóng.
"Make it Australia" – chiến dịch thuyết phục các chính trị gia Australia thực hiện chính sách bảo vệ phim nội địa của các nghệ sỹ, nhà làm phim xứ chuột túi.
Năm ngoái, khi các bom tấn đến từ Mỹ càn quét khắp các rạp chiếu Australia (chiếm khoảng 84% doanh thu phòng vé), một cuộc chiến dữ dội đã nổ ra bên ngoài màn ảnh. Chính quyền Úc đã phải đưa ra ba đánh giá riêng biệt về khả năng tồn tại của ngành phim ảnh nước này. Còn các ngôi sao như Cate Blanchett, Joel Edgerton, Rose Byrne và Chris Hemsworth thì thực hiện chiến dịch "Make it Australian" (với sự tham gia của 215 cá nhân Australia hoạt động trong ngành phim ảnh) để thuyết phục các chính trị gia bảo vệ các giá trị văn hóa, kinh tế mà phim ảnh đem lại cho đất nước.
Cate Blanchett và Chris Hemsworth là 2 trong số 215 cá nhân ký tên trong đơn kiến nghị gửi đến chính phủ.
Đây là một cuộc chiến đa phương với tổn thất có thể lên tới hàng tỷ đô la xoay quanh những câu hỏi chính: Liệu các sản phẩm nước ngoài nên được giảm nhiều thuế hơn? Mức hạn ngạch ưu đãi dành cho các chương trình của Australia nên bị xóa bỏ? Và nên chăng việc cắt bỏ tài trợ cho các đài truyền hình công cộng?
Mọi con mắt đang đổ dồn vào văn phòng bộ trưởng với lời cam kết rằng sự xem xét nội bộ của chính quyền là nhằm "tìm ra cách tốt nhất để hỗ trợ và sản xuất những tác phẩm phim ảnh chất lượng cao cho người dân Australia trong bối cảnh truyền thông đương đại". Các biện pháp mới dành cho ngành công nghiệp này dự kiến sẽ được công bố cùng ngân sách liên bang vào tháng 5.
Jan Sardi, giám đốc của Hiệp hội Biên kịch Australia cho biết: "Chúng ta đang ở thời điểm bùng nổ. Đây là cơ hội tuyệt vời để các quan chức nói rằng họ tôn trọng các giá trị của ngành phim ảnh Australia và sẽ tìm cách bảo vệ chúng mãi mãi."
"Chúng ta có rất nhiều tiềm năng to lớn trên toàn cầu. Nhưng nếu chính quyền không có chính sách đúng đắn, thì sớm muộn gì nền công nghiệp phim ảnh độc lập của Australia cũng tan tành theo mây khói."
Đóng góp kinh tế của từng bang cho ngành công nghiệp phim ảnh trị giá 3 tỉ USD của Australia.
Cùng tham gia với Hiệp hội Biên kịch còn có Hiệp hội Đạo diễn, Liên minh Truyền thông, Giải trí và Nghệ Thuật, tất cả họ đã cùng hợp sức kêu gọi chính quyền "không" được phá bỏ các chính sách đã giúp cho nền công nghiệp Australia từ địa vị nhỏ bé đã vươn tầm quốc tế trong suốt 4 thập kỷ. Trong hai giai đoạn từ năm 2011 – 2012 đến 2015 – 2016, phim ảnh nước này đã tăng trưởng thêm 15,5 % để đạt mức 3,4 tỷ đô la.
Điều mà 215 gương mặt đại diện cho nền phim ảnh Australia mong muốn chính là: bớt cắt giảm kinh phí dành cho các đài SBS, ABC và Screen Australia; tăng mức thuế ưu đãi dành cho phim truyền hình Australia; giữ nguyên hạn ngạch miễn phí 55% thời lượng phát sóng dành cho các chương trình phim của Australia, đặt ra quy định mới cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông nhằm giúp cho các bộ phim Australia được mở rộng qua mọi hình thức kỹ thuật số.
Các kênh như Channel Seven, Nine và Ten thì muốn thay thế 55% nội dung đó bằng một chương trình "điểm" linh hoạt hơn và xóa hết mọi chương trình dành cho trẻ em. Với việc doanh thu quảng cáo giảm sút vì khán giả đã chuyển qua xem trực tuyến, các kênh này lí giải rằng mức hạn ngạch trên là điều không phù hợp: một giờ chiếu phim truyền hình Australia có thể tiêu tốn tới 1 triệu đô để sản xuất trong khi những series phim làm sẵn, lại có tên tuổi như Game of Thrones có thể được mua với giá rẻ hơn nhiều.
Tuy nhiên, tâm điểm trong cuộc chiến này là chính quyền bang Queensland – nơi từng là địa điểm ghi hình của nhiều bom tấn Hollywood như Thor: Ragnarok, Aquaman qua đó tạo ra nhiều việc làm, đóng góp và thúc đẩy nền kinh tế nhờ vào chính sách giảm thuế đầy ưu đãi. Giờ đây, thủ hiến bang này là bà Annastacia muốn tăng mức giảm thuế từ 16,5% lên 30%, đặc biệt là sau thất bại trong việc lôi kéo phần mới trong loạt phim Fast and Furious dừng chân ghé thăm.
Một số bom tấn Hollywood được ghi hình ở Village Roadshow Studios – một phim trường ở Queensland, Australia nhờ chính sách ưu đãi về thuế.
Những ý kiến ủng hộ cho rằng việc mời gọi các nhà làm phim Hollywood đến Australia sẽ giúp các nhà làm phim địa phương có thêm kinh nghiệm làm phim cũng như đóng góp một nguồn tiền mặt đáng kể (tương tự như những hiệu ứng kinh tế, văn hóa, du lịch mà bộ phim Kong: Skull Island đã tạo ra khi chọn ghi hình ở Việt Nam).
Giám đốc điều hành Hiệp hội Biên kịch là Jasqueline Elaine nói: "Các cuộc thăm dò ý kiến đều đứng về phía Robert Downey Jr. Ai cũng thích những tên tuổi lớn. Nhưng nếu tất cả những gì chúng ta làm tạo ra các ưu đãi thuế để thu hút các công ty nước ngoài đến và làm bất cứ thứ gì họ muốn, có lẽ chúng ta sẽ sớm đi theo mấy chiếc ô tô." (Năm 2017, ngành công nghiệp ô tô của Australia chính thức bị khai tử khi không thể cạnh tranh với các xe nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan do không có sự bảo hộ từ chính phủ).
Sự tăng trưởng của Netflix tại Australia trong năm 2015.
Nhiều quốc gia luôn sẵn lòng bảo vệ ngành phim ảnh của mình khỏi sự bủa vây của các phim ngoại nhập. Hàn Quốc và Pháp có hệ thống trợ giá cho phim nội và hạn ngạch nhập khẩu khắt khe dành cho phim ngoại, trong khi EU thì yêu cầu các dịch vụ trực tuyến phải cam kết có mức 30% phim nội trong hệ thống – điều này đã khiến Netflix chi ra 1,75 tỉ đô để sản xuất The Crown (Anh), Dark (Đức) và Cable Girls (Tây Ban Nha) chỉ riêng trong năm 2017. Năm 2018, ngân sách này sẽ tăng lên 8 tỷ đô la Mỹ nhưng Australia lại không hề có hệ thống để đảm bảo cho việc các dịch vụ này sẽ đầu tư hoặc trình chiếu bất kỳ sản phẩm bản địa.
Hiệp hội Sản xuất Australia muốn Netflix phải có 10% dung lượng dành riêng cho các phim Australia, tương đồng với quy định mà đài truyền hình trả tiền Foxtel đã tuân theo và sản xuất ra hai series nổi tiếng Wentworth và A Place to call Home. Nếu đồng ý với luật 10% này, Netflix có thể bơm tới 80 triệu đô Australia - tương đương với 8 phim truyền hình mới – cho ngành công nghiệp điện ảnh xứ chuột túi mỗi năm. Nhưng CEO của Netflix, Reed Hastings, đã thông báo dịch vụ trực tuyến trị giá 130 tỉ đô có thể sẽ không chấp thuận hạn ngạch này vì cho rằng "các quy định thường hay phản tác dụng"
"A Place to Call Home" – một series truyền hình rất thành công do Australia sản xuất nhờ vào chính sách bảo hộ đang áp dụng. Phim đã được 123 quốc gia mua bản quyền.
Chiến dịch kêu gọi bảo vệ nền phim ảnh Australia cũng vấp phải nhiều phản hồi tiêu cực trên các trang mạng xã hội vì khán giả cho rằng, phim Australia không đủ tốt và các ngôi sao như Blanchett không cần hỗ trợ về thuế. Nhưng đại diện của ngành phim ảnh nước này khẳng định, đây là việc cần làm để bảo vệ toàn bộ nền công nghiệp.
Trước khi áp dụng các quy định bảo hộ hiện tại, phim ảnh Australia đã từng sống trong những ngày u ám mà theo mô tả của một nhân chứng sống, Jan Sardi (Chủ tịch Hiệp hội Biên kịch Australia: "Lớn lên trong những năm 1960 trong cảnh tivi chẳng có phim nào của Australia. Tất cả những gì bạn nghe thấy là chất giọng của người Mỹ. Nếu họ phá vỡ sự bảo hộ, tất cả chúng tôi sẽ mất đi nhân dạng của mình."
"Make it Australian" từng xảy ra trong quá khứ.
Năm 1953, chính quyền của cố thủ tướng Robert Menzies đã thành lập một cuộc điều tra để đánh giá lại những quy định trong chính sách bảo hộ phim ảnh. Các công ty thương mại đã lập luận rằng không nên áp dụng mức hạn ngạch và nên trao quyền tự do để phát sóng bất cứ thứ gì họ thích.
Các biên kịch đã lên tiếng phản đối, khẳng định nếu không có quy định, các đài truyền hình sẽ chọn các chương trình nước ngoài với chi phí rẻ hơn để phát sóng, không đầu tư cho phim nội và Australia sẽ sớm trở thành "một bãi rác văn hóa". Menzie chọn không điều chỉnh và 8 năm sau, 99% phim truyền hình trên sóng Australia đều là phim ngoại.
Các đài truyền hình thương mại luôn là kẻ thao túng chính quyền. Screen Australia nói rằng Liên bang đã cắt giảm 51,5 triệu đô từ năm 2013 còn chính phủ thì nhắm mắt làm ngơ cho các đài như Nine, Seven, Ten sử dụng lỗ hổng pháp lí để nhập các phim làm ở New Zealand và xem nó như phim Australia. Ba năm qua, chỉ tiêu của các đài Australia đã giảm 30%, các phim truyền hình nội đã bị thay thế bởi các chương trình hẹn hò và thi thố nấu ăn.
Phim điện ảnh Australia chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường rạp chiếu bóng nội địa, doanh thu bị áp đảo bởi phim Mỹ (số liệu năm 2012).
Nếu tháng năm tới, các chính sách mới chọn cắt giảm thời lượng phim nội, giảm thuế 30% cho phim ngoại và cho phép các công ty đa quốc gia như Netflix hoạt động mà không có quy định, thì màn ảnh Australia sẽ sớm "bị đóng cửa" - theo lời của Kingston Anderson, CEO của Hiệp hội Đạo diễn Australia.
"Cả ngành công nghiệp sẽ bị rút ruột. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, tất cả sẽ biến mất."
Nếu thời lượng dành cho phim Australia bị giảm 40%, sẽ có khoảng 120 triệu USA và 3.500 người mất đi kế sinh nhai. Lúc đó, các đài thương mại sẽ ưu tiên mua phim ngoại, không có việc làm, nhiều người đang hoạt động trong ngành công nghiệp này sẽ phải lựa chọn giữa hai con đường: bỏ việc hoặc ra nước ngoài tìm cơ hội khác.
Trường hợp về nền công nghiệp điện ảnh nước Úc cũng đồng thời đưa ra những bài học cho các nhà làm phim và hoạch định chính sách tại Việt Nam trong việc bảo hộ ngành phim ảnh nội địa và tạo cơ hội cho các phim nội phát triển trước sự cạnh tranh ngày càng lớn của phim nước ngoài.
(Nguồn: The Guardian)