Mười năm trước đây, Marvel đã mở ra kỉ nguyên của các siêu anh hùng ăn mặc chất lừ bằng bom tấn Iron Man, thủ vai bởi Robert Downey Jr. Nếu như chỉ có mỗi một bộ phim lẻ về Bàn Là không thì chẳng nói làm gì, chúng ta vẫn có rất nhiều những bộ phim theo kiểu tiểu sử như thế. Trên thực tế, khán giả đã có cơ hội để chiêm ngưỡng bộ giáp Mark II của Tony thêm nhiều lần nữa, nhưng ở bên ngoài một nhân vật khác, James Rhode với câu nói lúc cuối phim Iron Man 2008:"Lần sau nhé baby". Đó chính là tiền đề đầu tiên cho một vũ trụ siêu anh hùng rộng lớn hơn sau này, khi mà việc cứu Trái Đất không còn chỉ là nhiệm vụ của mỗi mấy anh da trắng cơ bắp. Một thập kỉ sau đó, trong Avengers: Infinity War và cả vô số phim trước đó nữa, khán giả ngày càng có thể thấy trong MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) một thứ gì đó đặc trưng, mà chỉ ở phim của Marvel điều này mới được thể hiện rõ nét nhất: sự đa dạng, một vũ trụ mà ở đó chủ nghĩa anh hùng thuộc về tất cả mọi chủng tộc, mọi giới tính.
Bộ phim xứng đáng với tất cả những lời khen ngợi và thành công mà nó gặt hái được. Đạo diễn Joe và Anthony Russo đã mang vào trong nó hầu hết những siêu anh hùng được giới thiệu mười năm qua, với một sự cân bằng đến khó tin. Tuy nhiên, với những người theo dõi tất cả các tác phẩm điện ảnh của Marvel từ Iron Man (2008), sẽ không khó để nhận ra rằng trọng tâm của chúng chỉ xoay quanh câu chuyện của những anh chàng da trắng, về cả cốt truyện lẫn tạo hình trên màn ảnh. Họ cuốn hút, quyến rũ, diễn xuất tốt và được yêu quí bởi khán giả, nhưng họ không thể nào đại diện cho một xưởng phim vốn được cấu thành nên từ sự đa dạng trong các sản phẩm. À thì đương nhiên, các vai phụ vẫn phần nào được ưu ái: War Machine và Wong vẫn được trao cho vài cảnh quay tương đối ngầu. Kể cả người ngoài hành tinh như Mantis, Drax hay Groot đôi khi cũng tỏa đủ sáng để chứng minh sức hút của bản thân, trong đó nổi trội nhất vẫn là Gamora. Bên cạnh đó, Góa Phụ Đen và Scarlet Witch cũng có những màn thể hiện xuất sắc không kém, hẳn hai cô nàng đã đốn tim không biết bao nhiêu là fan hâm mộ nam giới. Mặc dù vậy, họ vẫn không thể vượt lên ánh hào quang của những Captain America, Tony Stark hay Thor. Những nhân vật ấy chỉ sáng lên tức thời rồi lại quay về đúng vị trí của mình và phải đợi đến Black Panther, chuẩn mực ấy mới được xây lại và người xem mới thực sự chú ý đến những anh hùng "hạng hai" ấy.
Trước Black Panther, thường thì tuyến cốt truyện của những nhân vật như vậy chỉ là lí do cho sự xuất hiện của những siêu anh hùng chủ chốt. Họ xuất hiện cứ như thể là cho có vậy. Siêu phẩm của Ryan Coolger đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng, nó cho thấy những nhân vật của Marvel đều có chiều sâu tâm lí mặc cho màu da hay giới tính của họ, và họ sẽ còn làm được những gì ngoài lên màn ảnh sao cho ngầu. Sau Infinity War khi mà tất cả đều đã biến mất và sắp tới là ba bộ phim Captain Marvel, Avenger 4 và Ant-Man, Marvel ắt hẳn đang có rất nhiều dự tính để biến kế hoạch về một MCU đa dạng hơn thành hiện thực.
Một trong những nhân vật ngoài hành tinh có sức ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến trong Avengers: Infinity War có lẽ chính là Gamora. Cô nàng bị buộc phải quay về với cha nuôi Thanos và đã cho thấy mối quan hệ cực kì phức tạp của cô đối với ông trùm vũ trụ này. Mặc cho cô chẳng đại diện cho bất cứ một chủng tộc nào trên Trái Đất cả, Gamora vẫn cứ là một người phụ nữ khó hiểu bậc nhất trong MCU. Hành trình của Gamora trên thực tế không tập trung quá nhiều vào đánh đấm mà khía cạnh nó khai thác là về mặt cảm xúc: Gamora từng cố gắng cứu mạng Nebula dù cho cô em nửa người nửa máy từng muốn giết mình, từng yêu cầu Quill giết mình vì tình yêu với cô, và cũng từng hận Thanos đến thấu xương không phải vì sự thù ghét, mà chủ yếu là do tình cảm và sự ngưỡng mộ quá lớn cô dành cho người cha nuôi.
Chủ nghĩa anh hùng trong phim cũng không hề bỏ sót Scarlet Witch, "bảo mẫu" và người tình của Vision, đúng ra thì phải nói sự anh hùng của cô được thể hiện chủ yếu qua mối quan hệ của cô và đứa trẻ lên ba của Marvel khi Phù Thủy Đỏ đã từng là nhân tố cuối cùng cản bước Thanos. Mặc dù nữ quyền không phải là chủ đề chính của Avenger: Infinity War, chắc hẳn cảnh ba người phụ nữ Scarlet Witch, Natasha Romanoff và Okoye tụ họp đập cho Proxima Midnight một trận cũng khá là sướng mắt, và nó hứa hẹn một tương lai phụ nữ sẽ nắm nhiều quyền hành hơn. Tréo ngoe thay, bộ phim vẫn chủ yếu là sân chơi của phái mạnh (ngoại trừ Gamora đã chết), nhưng với siêu phẩm Ant-Man and the Wasp sắp ra mắt vào tháng 6 và Captain Marvel 2019, khán giả hoàn toàn có thể hi vọng trong thời gian tới vai trò của phụ nữ cũng sẽ "nặng" không kém gì đàn ông. Tiếp bước theo sự thay đổi này, Marvel cũng đang đi tìm một đạo diễn nữ để làm phim solo về Romanoff, người tình trong mộng của biết bao cánh mày râu.
Về mặt nữ quyền, có thấy Marvel đang có những bước đi khá đúng đắn nhưng trong vấn đề với người da đen, xưởng phim siêu anh hùng vẫn còn rất nhiều thứ phải làm. Phải thừa nhận là người châu Phi có vai trò rất quan trọng trong Infinity War: Wankada là chiến trường chính đồng thời người Wankada cũng là đội quân tiên phong chủ lực, nhưng Wankada lại là một quốc gia không hề có thực và mang đậm màu sắc viễn tưởng, điều đó có nghĩa là người da màu Wankada không thể hoàn toàn đại diện cho cộng đồng của họ. Trong khi đó, hai nhân vật có "thâm niên" cộng với đó là lai lịch rõ ràng như James Rhode và Sam Wilson lại hầu như chả được chú ý mấy. Thôi thì họ không tỏa sáng về mặt chiến đấu cũng không sao, đằng này các nhà làm phim cũng chẳng hề giải thích tại sao họ lại trung thành tuyệt đối với các ông chủ da trắng như thế, hay họ cảm nhận thế nào về một thế giới vẫn còn đầy bất công như hiện tại, khác hẳn với T’Challa, Killmonger, Nakia và M’Baku vốn được giới thiệu rất kĩ càng. Đã thế, khi đến Wankada, hai nhân vật này cũng chỉ được biết đến như là vai phụ trong trận chiến cuối cùng; đất diễn của họ ít ỏi đến mức ngay cả một lời nhận xét về sự tiến bộ của người da đen vương quốc Wankada cũng không hề được lên hình.
Có lẽ trong tương lai các phim của Marvel cũng sẽ chưa thể giải quyết được hoàn toàn những vấn đề này, một phần là do xuất phát điểm quá chậm của họ trong việc đa dạng hóa MCU. Tuy nhiên, ít nhất thì với độ hot của mình, Black Panther cũng đã cho thấy rằng những cộng đồng xưa nay chịu ít nhiều phân biệt như phụ nữ, người da đen và LGBT cũng có thể vươn lên khẳng định giá trị của mình, không chỉ về mặt bên ngoài mà còn cả chiều sâu tính cách vốn được định hình bởi thế giới xung quanh họ. Marvel nên cho thấy chuẩn mực của họ cũng "vô cực" như là cách họ làm phim.