Cuộc đua lượt xem MV của các nhóm nhạc Kpop: Khi Youtube trở thành “mặt trận” không-thể-để-thua

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 06/08/2018
Chia sẻ

Giữa thời đại các nhóm nhạc Kpop đang cạnh tranh nhau khốc liệt, lượng view MV trên Youtube gần như được xem là "bộ mặt" của nhóm ở mỗi lần comeback.

Là fan Kpop ngày nay, có quá nhiều tâm huyết cần phải đổ ra cho một lần idol comeback: chuẩn bị tài chính để mua hết tất cả các phiên bản album mà công ty phát hành; chuẩn bị tinh thần đổi card nếu không bóc đúng thần tượng của mình; chuẩn bị bàn phím để chiến đấu với anti, và chuẩn bị mọi phương tiện có thể để cày cuốc giúp tăng lượt nghe audio hay lượt xem MV trên Youtube... Và trong cuộc chạy đua giữa các nhóm nhạc đang nổi đó, không phải tự nhiên mà lượt xem MV trên Youtube lại được chú trọng nhiều như thế.

Lượt xem Youtube làm tăng cơ hội đạt cúp trên các show âm nhạc

Trong số sáu show âm nhạc hàng tuần trên các đài truyền hình Hàn Quốc, có đến 4 show tính lượt view Youtube vào hạng mục điểm tranh cúp bao gồm SBS The Show, Mnet M Countdown, MBC Music core và SBS Inkigayo. Số phần trăm điểm được tính vào kết quả chung chiếm từ 10 đến 35%, một con số view youtube cao sẽ giúp cơ hội giành No.1 trên các show âm nhạc đến gần hơn với nhóm nhạc.

Cuộc đua lượt xem MV của các nhóm nhạc Kpop: Khi Youtube trở thành “mặt trận” không-thể-để-thua - Ảnh 1.

Thực tế phần đông các hạng mục tính điểm trên show âm nhạc là dành cho khán giả nội địa, bao gồm: doanh số từ các trang âm nhạc trực tuyến, hội đồng thẩm định, người nghe nhạc ngẫu nhiên hay điểm số phát sóng. 

Chính vì vậy, fan quốc tế ngoài việc ủng hộ doanh số bán đĩa thì cách ủng hộ trực tiếp nhất là tăng view cho các sản phẩm âm nhạc trên kênh youtube chính thức của idol mình.

Lượt view cao góp phần đánh giá thành bại của một lần comeback

Một nhóm nhạc có lượt view Youtube cao đồng nghĩa với hai khả năng – hoặc họ có fandom hùng hậu, hoặc công chúng đón nhận ca khúc rất nhiệt tình. Cả hai khả năng nói trên đều là một liều thuốc tinh thần không chỉ cho idol mà còn cho cả công ty quản lý. Là người trực tiếp tham gia sản xuất một MV ca nhạc, chắc chắn idol sẽ mong mỏi một kết quả tốt nhất cho đứa con tinh thần của chính mình.

Cuộc đua lượt xem MV của các nhóm nhạc Kpop: Khi Youtube trở thành “mặt trận” không-thể-để-thua - Ảnh 2.

Bigbang – cái tên được cả công chúng lẫn fandom.

"Thua keo này bày keo khác", công thức đó không đúng với bất cứ nhóm nhạc Kpop nào. Bởi Kpop nói chính xác thì là một ngành công nghiệp khắc nghiệt, nên kết quả của mỗi lần comeback rất có thể sẽ quyết định số phận của lần comeback tiếp theo. Chính vì vậy, khi idol nỗ lực sáng tác và thể hiện, thì fandom cũng nỗ lực bằng mọi cách nâng cao vị thế của idol mình. 

Những con số dễ nhận thấy nhất là bảng xếp hạng nhạc số và lượt xem MV. Không có idol nào muốn nhìn những con số chậm rãi nhích lên từ từ trong khi những nhóm nhạc khác vùn vụt đi tới, cũng không có người hâm mộ nào muốn nhìn idol buồn bã vì kết quả thu được không xứng với công sức bỏ ra.

Việc có lượt xem Youtube ấn tượng còn giúp nhóm nhạc phủ sóng rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông. Sẽ có nhiều chủ đề để nói đến trong một đợt comeback, và thành tích trên Youtube – kênh chia sẻ video lớn nhất hành tinh cũng là một chủ đề đáng để cho idol và fadom có thể tự hào.

Momoland với MV "Bboom Bboom" đạt được lượt xem ấn tượng dù fandom khá yếu. 

Youtube đang thực sự là một cuộc đua không ai có thể nằm ngoài

Trở lại những ngày Youtube chưa thực sự phổ biến, các nhóm nhạc gạo cội như DBSK, Big Bang, Girl’s Generation, Super Junior… thực sự không để ý nhiều đến lượt người xem trên Youtube. Nhưng dần dần càng xuất hiện những cuộc đua từ thầm lặng đến công khai – những bảng xếp hạng nhóm nhạc có lượt xem cao nhất trong vòng 24h, nhóm nhạc cán mốc 100 triệu view trong thời gian nhanh nhất, nhóm nhạc có lượt thích video nhiều nhất, kênh được nhiều lượt theo dõi nhất – những con số đó đủ sức làm cho những người hâm mộ bàn quang nhất cũng bị cuốn vào cuộc đua tăng view cho MV.

Cuộc đua lượt xem MV của các nhóm nhạc Kpop: Khi Youtube trở thành “mặt trận” không-thể-để-thua - Ảnh 4.

Lượng view tăng được tính bằng ngày.

Bí quyết để tính view được các fandom thuộc nằm lòng, nhắc nhau kĩ càng vào trước và trong thời gian comeback. Việc xem đi xem lại một MV của idol chưa bao giờ kì công đến thế: chất lượng hình ảnh phải là HD, âm lượng đủ lớn, không bỏ qua quảng cáo, xem xong đi xóa lịch sử và bộ nhớ đệm của trình duyệt…, tất cả đều vì một mục tiêu tăng view cho idol. Áp lực tăng view này có thể không khác gì áp lực điểm số trong một trường học quy tụ đầy học sinh giỏi, nhưng có lẽ bởi vì fan Kpop đã vốn quen chịu áp lực cao và "sóng sau dồn sóng trước", số lượt view ngày càng cao, thời gian phá kỉ lục càng ngày càng được rút lại.

Kỉ lục sinh ra là để bị xô đổ, nhưng sau khi bị xô đổ thì nhà cựu vô địch phải làm gì? Đương nhiên là lại tiếp tục chuẩn bị tinh thần xô đổ kỉ lục của nhà bên!

Cuộc đua lượt xem MV của các nhóm nhạc Kpop: Khi Youtube trở thành “mặt trận” không-thể-để-thua - Ảnh 5.

BTS và Black Pink – hai nhóm nhạc thi nhau xô đổ các kỉ lục về lượt xem MV trên youtube trong thời điểm hiện tại.

Dù không nói thẳng nhưng chắc chắn ARMY sẽ nóng lòng muốn chiếm lại "ngôi vương" trên đường đua lượt xem Youtube trong lần comeback sắp tới của BTS, còn Blink cũng quyết tâm lật đổ nốt kỉ lục nhóm nhạc đạt 250 triệu lượt xem nhanh nhất mà BTS đang nắm giữ với "Fake Love" làm mưa làm gió hồi tháng 5.

Cuộc đua lượt xem MV của các nhóm nhạc Kpop: Khi Youtube trở thành “mặt trận” không-thể-để-thua - Ảnh 6.

Kỉ lục của PSY rất khó để xô đổ, nhưng cuộc đua ở "chiếu dưới" lại kèn cựa nhau khá gay cấn.

Tạm kết

Thành công của một nhóm nhạc Kpop luôn được đánh giá từ hai phía: fandom và độ nhận diện của công chúng. Fandom mạnh mang về nhiều lợi ích: doanh số đĩa cứng tốt, dễ dàng tổ chức concert hay thậm chí là tour thế giới, các mặt hàng do idol làm đại diện sẽ có lượng tiêu thụ khả quan. Lợi ích kinh tế do fandom mang lại là điều không thể bàn cãi.

Tuy nhiên mức độ nhận diện của công chúng cũng có ý nghĩa rất lớn, bởi vì không một người làm nhạc nào lại có suy nghĩ "chỉ cần fan không cần công chúng". Âm nhạc chỉ thực sự có sức mạnh lan tỏa khi nó làm lay động được công chúng bằng giá trị nội dung thuần túy, không bởi vì ngoại hình được chăm chút bóng bẩy cao sang. 

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua lượt xem cũng đặt ra câu hỏi về ý nghĩa thực sự của một sản phẩm âm nhạc đối với người hâm mộ. Kỉ lục hay doanh số là cần thiết, nhưng việc sử dụng tất cả các phương tiện có thể để "cày" nhằm mục đích tăng view và kèm cựa nhau bằng từng con số một, thì liệu có phải fan Kpop đã đặt số lượt view quan trọng hơn việc thưởng thức âm nhạc? 

Có bao nhiêu lượt view trong con số hàng trăm triệu đó là những người nhận ra được những giá trị được idol gửi gắm qua âm nhạc; bao nhiêu lượt view chỉ là người hâm mộ điên cuồng "cày cuốc"?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày