Chu kỳ kinh nguyệt phản ánh rất nhiều tới sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng ở con gái. Để tính chu kỳ kinh nguyệt thì bạn đếm từ ngày đầu tiên kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện trong tháng này đến ngày kinh nguyệt đầu tiên của tháng kế tiếp. Ví dụ tháng trước bạn có kinh từ ngày 20 và tháng này bắt đầu từ ngày 18 tức là chu kỳ kinh nguyệt của bạn là 28 ngày.
Mỗi cơ thể con gái sẽ có chu kỳ thường không giống nhau và cũng biến đổi theo từng giai đoạn. Vào những năm đầu khi mới bắt đầu có kinh nguyệt thì chu kỳ này thường dài nhưng sau vài năm thì chu kỳ này bắt đầu ngắn lại một chút và ổn định hơn. Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào thì chu kỳ kinh nguyệt của một người khỏe mạnh sẽ nằm trong khoảng 21 đến 35 ngày.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt bất thường như căng thẳng quá mức, tăng giảm cân đột ngột, dùng thuốc đặc trị... hoặc trường hợp nặng hơn là bị hội chứng buồng trứng đa nang, viêm vùng chậu, u xơ tử cung... Do đó, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn lệch khỏi khung thời gian 21 đến 35 ngày thì cần quan tâm và đi khám ngay để có phương pháp điều chỉnh kịp thời. Bởi chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn hoặc quá dài đều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản về sau.
Ngoài chu kỳ kinh nguyệt thì số ngày hành kinh cũng được con gái quan tâm. Nhiều bạn trải qua ngày kinh quá ngắn (khoảng 3 ngày) tuy rất khỏe khoắn nhưng vẫn lo lắng rằng sức khỏe sinh sản có vấn đề. Hoặc có bạn lại có ngày kinh quá dài (hơn 7 ngày) gây nhiều mệt mỏi, bất tiện và cũng có nỗi lo không kém. Vậy ngày hành kinh bao nhiêu là bình thường?
Cũng giống chu kỳ kinh nguyên thì ngày hành kinh có thể thay đổi theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, ngày hành kinh bình thường bao giờ cũng nằm trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Do đó, nếu ngày kinh của bạn chỉ có 3 ngày thì không có gì phải lo lắng bởi từ 3 - 5 ngày là số ngày hành kinh phổ biến của nhiều bạn gái.
Tuy nhiên, nếu ngày kinh của bạn chỉ có 1 ngày hoặc kéo dài hơn cả tuần, thậm chí 2 tuần thì đây là dấu hiệu không bình thường của cơ thể. Đặc biệt, nếu ngày kinh của bạn thay đổi quá thường xuyên, tức là tháng vừa rồi là 2 ngày nhưng tháng sau lại 7 ngày và tháng sau nữa lại giảm còn 3 ngày thì đây cũng là dấu hiệu cần lưu ý.
Nguyên nhân khiến ngày kinh quá ngắn hoặc quá dài có thể do thiếu máu, bệnh gan, tiểu đường, thiếu dinh dưỡng, rối loạn nội tiết tố, rong kinh, u nang... Do đó, nếu ngày kinh của bạn lệch khỏi khung 2 - 7 ngày thì bạn cũng không nên chủ quan mà phải đi khám để điều trị bệnh kịp thời và không gây hại sức khỏe về sau.
Nguồn: Mayoclinic