Trong thời buổi công nghệ lên ngôi, người người, nhà nhà dùng mạng xã hội thì chuyện giao tiếp, trò chuyện cũng phải thay đổi. Chúng ta không thể sử dụng những ngôn ngữ viết thông thường để tán gẫu với bạn bè vì tính nghiêm túc của nó, khi "chém gió" thì cách nói và cách viết của chúng ta cũng phải thích ứng với hoàn cảnh để tạo ra sự thoải mái cho đối phương.
Minh chứng cho điều trên là kết quả cuộc khảo sát của các nhà ngôn ngữ cho thấy, nếu bạn dùng dấu chấm để kết thúc câu nói thì đối phương sẽ cảm thấy bạn hơi thô lỗ và thiếu tinh tế. Mặc dù câu chữ và cách sử dụng dấu câu của bạn vô cùng chuẩn xác và hoàn hảo, nhưng người nhận tin sẽ có cảm giác đây là một hành vi gây hấn thụ động (passive-aggressive, một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng).
Dấu chấm đã xuất hiện từ cách đây hơn 2.300 năm, và nó là một phần rất quan trọng trong tiếng anh cũng như mọi ngôn ngữ khác trên thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ Internet Gretchen McCulloch lại cho rằng giới trẻ lại có quan niệm khác về ".".
"Thông thường, khi nhắn tin cho người khác mà phải nói nhiều câu, nhiều chữ thì người trẻ hay tách từng câu thành một tin nhắn mới. Ngày nay, thông điệp mà bạn muốn gửi gắm đến người khác đã có trong từng câu chữ, và bất cứ thứ gì "thêm thắt" vào có thể khiến người nhận hiểu rằng đây là một ẩn ý gì đó."
Phát biểu của Gretchen rất đúng: một nghiên cứu của đại học Binghamton hồi năm 2015 cho thấy sinh viên đại học coi tin nhắn có dấu chấm câu xa cách, ít gần gũi hơn. Theo Gretchen, một phần nguyên nhân đến từ việc "." là để biểu hiện sự kết thúc của một câu, tạo nên cảm giác trang trọng và nghiêm túc.
"Nếu tin nhắn của bạn vốn đã nghiêm túc thì điều này không ảnh hưởng lắm. Vấn đề nằm ở chỗ bạn nhắn tin vui vẻ nhưng lại thể hiện sự nghiêm túc bằng dấu chấm câu. Điều này khiến người nghe nghĩ rằng bạn là một người có xu hướng gây hấn thụ động."
Một trở ngại rất lớn là khi bạn rất khó để giải thích qua mạng xem ý mình thực sự là như thế. Cách tốt nhất để nhận biết là phải xem xét hoàn cảnh, theo lời Erika Darics - giáo sư ngôn ngữ học ở đại học Aston.
"Nếu bạn và bạn bè của mình không hay dùng chấm câu khi nhắn tin, rồi bỗng nhiên một người lại dùng nó thì có vẻ như anh ấy/cô ấy đang muốn nói điều gì đó," Erika cho biết.
Bà cũng nhấn mạnh rằng giới trẻ ngày nay thường gửi những tin nhắn ngắn và không có dấu chấm câu. Điều này khiến việc truyền tải tâm trạng, cảm xúc trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì không có ngôn ngữ cơ thể hay giọng điệu.
Thêm nữa, thay vì phụ thuộc vào tính năng sửa lỗi chính tả hoặc tiên đoán chữ viết, thanh thiếu niên sẽ dùng sai ngữ pháp, lược bỏ những từ không quá quan trọng và dùng tiếng lóng để thay tiếng lòng.
"Từ những năm 1.500, đã có đề xuất cho những dấu câu thể hiện sự châm biếm, nhưng chúng lại không được hiện hành cho lắm. Ấy vậy mà chỉ vài thập kỷ được "lên mạng", chúng ta đã nghĩ ra đủ cách để cho đối phương biết mình đang mỉa mai, và vô cùng nhiều ẩn ý khác."
Theo TheSun