Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong "Em chưa 18"

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/05/2017
Chia sẻ

"Đám cưới người ta còn làm được vài lần, chứ prom cả đời chỉ có một lần thôi", câu nói này nghe qua rất tân thời, còn có chút gì đó đùa vui, nhưng thực chất nó chứa đựng cả một quãng đời áo trắng mà ai cũng đã từng sống qua.

Tôi xem Em chưa 18 với sự kì vọng gần như bằng không. Phần vì poster, teaser của phim không tạo cho tôi cái cảm giác háo hức, thậm chí nó còn khiến không chỉ tôi mà nhiều người khác nghĩ rằng "phải chăng tiếp tục là một thảm họa của phim Việt!?". Cộng với cả dàn diễn viên vào những vai chính, gần như không có một cái tên nào đủ sức bảo chứng cho chất lượng diễn xuất. Tôi không bàn đến doanh thu vì đó không phải việc của mình, tôi chỉ nghi ngờ những Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Will, Châu Bùi về việc họ sẽ làm chủ bộ phim.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 1.

Tất nhiên sau đó tôi (và cả những người từng nghi ngờ giống tôi) đều phải thừa nhận mình đã sai, rằng đánh giá của khán giả vẫn không thể bằng được con mắt của người làm phim. Hàng nghìn lời hoa mỹ đã dành cho bộ phim, khiến Em chưa 18 trở thành một cú hích mới của điện ảnh nước nhà cùng những kỉ lục doanh thu liên tục được xác lập.

Người ta khen kịch bản tốt, khen diễn viên diễn hay, khen thoại phim chất, khen nhạc phim đã, v.v.. rất nhiều những mỹ từ khiến bộ phim trở thành một tổng thể trọn vẹn. Riêng đối với tôi, có một điều đã khiến trái tim tôi không chỉ đơn thuần đập-để-sống khi xem Em chưa 18, mà là đập-vì-nhớ, với nhịp độ loạn xạ khi càng về cuối phim, trong cái không khí học đường đầy những hoài niệm.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 2.

Tuổi học trò là quãng đời mà ai cũng trải qua trước khi trở thành những người lớn. Ở đó nó có những cảm xúc rất đơn giản, nguyên sơ nhưng độc nhất. Bản thân tôi vẫn luôn nghĩ trường học chính là một xã hội thí nghiệm trước khi chúng ta bước chân ra cái xã hội dữ dội ngoài kia, là nơi để những đứa trẻ chân ướt chân ráo chạm ngõ những cảm xúc khiến cuộc đời chúng dao động. Những việc mà mỗi học sinh trải qua ở lớp, ở trường, hay ở-trong-tim-mối-tình-đầu, sẽ lẳng lặng trở thành thứ kỉ niệm được ghi tạc trong nếp nhăn của não, để bất giác sau này khi nhắc lại vẫn bung toả như một quãng đời đẹp nhất.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 3.

Tôi nhớ những buổi cả lớp sinh hoạt mà không có giáo viên chủ nhiệm, khi ai nấy cũng đang rất hào hứng cho một điều gì đó sắp diễn ra, hay chỉ đơn giản là truyền tai nhau một "sự kiện chấn động" rằng "thằng kia mới hôn nhỏ này ở sân sau kìa!". Tào lao vậy đó nhưng với bọn học trò mới lớn thì nó động trời dữ lắm, cho nên Linh Đan mới phải tức điên lên khi thấy Tony hôn người con gái khác, lại còn là cô gái vừa xinh đẹp vừa quyến rũ nhất trường. Không tức sao được khi hắn vốn là "tình yêu gà bông" của mình, là người sẽ cùng mình trở thành King và Queen trong buổi prom cuối năm mà bây giờ lại say đắm hôn một con nhỏ khác!

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 4.

Thế là cả bọn rầm rộ kéo đến sân bóng làm cho ra lẽ, một cú tát trời giáng, những lời giải thích, sự giận dỗi, nước mắt, mọi thứ cứ như thể bọn trẻ ranh đang làm quá lên một chuyện bé tí. Nhưng đối với chúng, đó là sự tước đoạt những gì chúng phấn đấu trong cái xã hội giả định thu nhỏ mang tên "học đường". Xem đến đây ai mà không chợt nhớ lại những rung cảm ngày còn cắp sách, những cái chạm tay cố tình khi lướt qua nhau ở bục cầu thang gỗ, những cái quay đầu ngượng ngùng giờ tan học. Nhớ một thế giới riêng chỉ có mình và nó cùng những suy nghĩ vụng dại nhất trên đời.

Tất nhiên, thời đi học đâu chỉ có chuyện yêu đương nhăng nhít. Phải kể luôn cả những tranh chấp, gây gổ, thậm chí là ăn hiếp nhau thì mới đủ đầy. Tôi nhớ mãi cứ mỗi năm lên một lớp, gặp thêm bạn mới là mọi người lại nháo nhào chia phe. Có nhóm thân nhau vì mê ăn, có nhóm thì mê học nên đứa nào cũng có cái đít chai trên mắt, cũng có nhóm toàn mấy tên hung hăng bắt tay nhau ăn hiếp bọn con gái.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 5.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 6.

Hồi đó, năm học lớp 9, lớp tôi có chia nhóm để làm bài thuyết trình mỗi tiết Ngữ Văn. Nhóm tôi vì mục tiêu điểm cao nhất lớp mà bày ra đủ trò nào là phải mua hết sách văn mẫu, sách giải trong nhà sách để tập hợp câu hỏi hạ bệ các nhóm khác, thậm chí là kết thân với nhóm mạnh rồi âm thầm "hạ gục" tụi nó vào tiết cuối cùng để tranh điểm. Giờ nghĩ lại thấy bọn mình kinh thật, biến cái môn học cảm xúc thành một "cuộc chiến kinh doanh" đến nỗi bạn bè phải giận nhau suốt cả tuần. Nhưng hồi đó thì có nghĩ chi sâu xa, chỉ đơn giản là mình phải thắng, mình phải điểm cao. Sống hết mình đấy chứ! Bởi vậy mà phim học đường nào chẳng hay có những phe cánh bắt nạt lẫn nhau, như một thứ đặc sản của tuổi mới lớn.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 7.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 8.

Phe hống hách của Yến chẳng hạn, họ là những cô nàng xinh đẹp trong lớp, lúc nào cũng muốn mình là tâm điểm. Mà những người như vậy về sau dễ là "ngôi sao" lắm, đừng đùa. Nhưng tôi lại đặc biệt thích hai nhân vật đồng tính do Jackie và Alex Nguyễn thủ vai. Hai nhân vật này nó có cái ngây thơ đậm chất học trò, khi mà nửa muốn theo phe "mạnh" nửa không muốn bỏ phe "yếu" mình từng gắn bó. Đoạn Lĩnh nói với Linh Đan rằng "bà cứ như vậy tụi tui biết theo phe nào" làm tôi phì cười vì thật sự trong lớp luôn có những cá nhân như vậy, vừa ba phải mà cũng vừa dễ thương.

Nhưng nói đi nói lại thì nhớ nhất vẫn là những ngày cuối năm, đặc biệt là cuối cấp, lúc cả khối vừa bận bịu thi tốt nghiệp vừa phải chuẩn bị cho lễ tổng kết với một đống tiết mục văn nghệ. Nó không khác cái cảm giác mỗi khi công ty vừa phải chạy các dự án lớn cuối năm vừa phải chuẩn bị cho tiệc year end party với hàng trăm cái báo cáo dài như sớ. Nhưng khác biệt ở chỗ học sinh không bị áp lực về doanh thu hay tiền bạc, mà chỉ cần cùng nhau tạo ra những kỉ niệm đẹp nhất cho tuổi học trò là đủ rồi.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 9.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 10.

Giây phút cả bọn ngồi bên nhau dưới sân trường trong ngày tổng kết chuyện trò rôm rả, kí tên lên những chiếc áo đồng phục để làm kỉ niệm, vỗ tay cho những "nhân tố văn nghệ" trên sân khấu chính là những khoảnh khắc giá trị mà không ai có thể bỏ tiền ra mua được. Nó phải đánh đổi bằng thời gian, bằng những sự phấn đấu, bằng cả những nỗi buồn và những xúc cảm đầu đời độc nhất. Để khi quãng đời đó qua đi, ta giữ lại cho riêng mình những kinh nghiệm và một quá khứ trong trẻo nhất thế gian. Những điều đó như được cô đọng lại trong những giây phút ngắn ngủi Linh Đan đứng trên sân khấu, đọc bài diễn văn cuối cấp trên nền đoạn video ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên và báo đạo nhất của cả lớp, tôi tin là ai cũng cảm thấy bùi ngùi. 

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 11.

Trong Em chưa 18, bối cảnh là một ngôi trường quốc tế nên nhiều thứ có phần hơi xa lạ. Không có những tà áo dài hay những bộ đồng phục truyền thống, cũng không có chiếc xe đạp cọc cạch nửa chừng sút sên hay những buổi chào cờ đầy nắng. Thay vào đó là những bộ tóc đủ màu, những bộ quần áo thời trang và những màu sắc hiện đại, một buổi prom lung linh thay cho buổi tổng kết năm học nhiều nghi thức. Nghe có vẻ hiện đại và hơi xa rời thực tế với người Việt nhỉ? Ban đầu tôi cũng có cảm giác như thế, nhưng càng xem càng thấy những điều này không quan trọng nữa.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 12.

Quan trọng là bộ phim có trét lại được lớp vỏ thời học trò đã bung tróc trong kí ức những người đã lớn hay không, và thực sự Em chưa 18 đã làm được điều đó. Nó đã khiến tôi nhận ra một điều rất đơn giản rằng dù ở bất cứ hình thức hay vỏ bọc nào, hào nhoáng hay cũ sờn cũng vậy, miễn nó thực sự là hơi thở của cái tuổi mộng mơ là quá đủ để nhớ rồi chảy vài giọt nước mắt khe khẽ rồi. 

Sự tinh ranh vì muốn tranh nhau một danh hiệu, cảm giác đố kỵ trước tình địch, những rung động muốn cả thế giới được nhìn thấy, hay những lúc ngập ngừng trước các bạn trong một bài phát biểu cuối năm, những lời cảm ơn xoá tan mọi hiềm khích. Tất thảy những điều đó đều có trong Em chưa 18, tái hiện không khí thân thương của quãng đời áo trắng trong lớp vỏ hiện đại nhưng phần lõi rất gần gũi.

Có một quãng đời áo trắng mà ta đã quên trong Em chưa 18 - Ảnh 13.

"Cảm ơn các bạn đã làm mình khôn hơn, cười nhiều hơn, khóc ít hơn", câu nói này của Linh Đan như một lời kết trọn vẹn cho 3 năm đẹp nhất trong đời, cho những vụng dại và sân si rất trẻ con mà chắc là cả quãng đời sau ta chẳng có dịp làm lại. 

Thất bại hay thành công thì quãng đời áo trắng cũng là đoạn ký ức xao động nhất khi ta còn trẻ, là "cơn mưa rào mà cho dù có bị cảm thì vẫn muốn tắm lại một lần nữa", là sự thử nghiệm trước khi ta bước qua chương mới của tuổi thanh xuân, là thứ kỉ niệm mà đôi khi ta quên mất nhưng không bao giờ biến mất. Chỉ cần điều gì đó gợi nhớ như giọt nước làm xáo động mặt hồ, như chất xúc tác cho phản ứng mang tên "hoài niệm", cả một quãng đời mộng mơ sẽ sống lại lần nữa trong trí nhớ, mạnh mẽ như thuở ban đầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày