Cô gái trẻ bỏ 2,5 tỷ mở quán trà sữa, sau 6 tháng lỗ nặng, nhượng quyền chẳng ai mua, phải bán tống bán tháo đồ đạc

Ứng Hà Chi, Theo Nhịp sống thị trường 11:00 20/05/2023
Chia sẻ

Vợ chồng cô làm lụng vất vả hơn nửa năm, không kiếm được một xu, gần như mất trắng tiền vốn, cay đắng không thể tả.

Li Chunhua đến từ Hồ Bắc (Trung Quốc). Năm 2008, vợ chồng cô đến Thâm Quyến làm việc. Chồng Li Chunhua làm khuân vác trong nhà kho của một nhà máy, còn cô làm công nhân lắp ráp linh kiện. Thu nhập 2 người không cao, chỉ bằng một nhân viên văn phòng bình thường.

Mặc dù tiền lương thấp nhưng Li Chunhua có 1 khát vọng lớn là 2 vợ chồng cô sẽ mua được nhà, sống tại Thâm Quyến. Bởi đây là thành phố phát triển, khí hậu ôn hoà hơn ở quê rất nhiều.

Sau 6 năm vật lộn ở Thâm Quyến, cuối cùng 2 vợ chồng cũng tiết kiệm được 150.000 NDT (khoảng 500 triệu đồng). Lúc đó, Li Chunhua định mua nhà. Nhưng sau khi khảo sát thấy giá bất động sản ở Thâm Quyến khá cao, số tiền đặt cọc lại lên đến 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng), vượt xa khả năng chi trả của vợ chồng cô.

Cuối cùng, dưới sự giới thiệu của người bạn, vợ chồng Li Chunhua đã ra vùng ngoại ô mua căn nhà 3 phòng ngủ, rộng 100m2 với tổng số tiền là 500.000 NDT (khoảng 1,67 tỷ đồng). Cô phải trả trước 150.000 NDT (khoảng 502 triệu đồng), khoản vay là 350.000 NDT (1,17 tỷ đồng) và khoản trả góp hàng tháng là 2000 NDT (6,7 triệu đồng). Năm 2016, gia đình Li Chunhua nhận nhà, cải tạo lại.

Cô gái trẻ bỏ 2,5 tỷ mở quán trà sữa, sau 6 tháng lỗ nặng, nhượng quyền chẳng ai mua, phải bán tống bán tháo đồ đạc - Ảnh 1.

Lúc đầu, 2 vợ chồng cô, các con cùng bố mẹ chồng chuyển về căn nhà sinh sống. Nhưng chỉ sau một thời gian, do việc di chuyển quá xa Thâm Quyến, tiện ích xã hội hạn chế nên gia đình Li Chunhua lại chuyển về thành phố sinh sống. Căn nhà ở ngoại ô chỉ có thể kiếm được số tiền ít ỏi từ việc cho thuê.

Thấy vậy, Li Chunhua bàn với chồng sẽ kinh doanh ngay chính tại căn nhà. Trong nhiều năm qua, chồng cô làm việc ở nhà máy cũng rất vất vả, áp lực nên giờ muốn ra ngoài làm riêng.

Quyết định bán nhà để có vốn khởi nghiệp....

Li Chunhua dự định mở một cửa hàng tạp hoá. Nhưng khi vừa chia sẻ ý tưởng với bạn, người bạn liền khuyên can: “Giờ có rất nhiều quán tạp hoá, cửa hàng tiện ích mọc lên. Kinh doanh lĩnh vực này không hiệu quả, khó kiếm lợi nhuận cao, hơn nữa cũng cần số vốn lớn.

Một người bạn cũ của tôi cũng đầu tư hơn 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) để mở tạp hoá nhưng phải đóng cửa sau nửa năm hoạt động. Số vốn đầu tư gần như mất trắng. Tôi khuyên bạn thử mở quán trà sữa. Rất nhiều người trẻ thích uống trà sữa. Hơn nữa, mở quán đồ uống không cần đầu tư nhiều, nên dù không bán được hàng cũng không thua lỗ nặng”.

Li Chunhua nghe thấy hợp lý. Bởi địa phương nơi cô sinh sống có nhiều quán trà sữa vận hành tốt, khách ra khách vào nườm nượp. Nhưng cô không am hiểu về công nghệ và cách vận hành nên khá lo lắng. Cô chia sẻ vấn đề này với bạn, và người bạn ấy đã giới thiệu cho cô một thương hiệu trà sữa có tiếng. Cô sẽ kinh doanh theo hình thức nhượng quyền, được thương hiệu hỗ trợ mọi thứ như: Nguồn nguyên liệu, cách vận hành, phương thức quản lý, kế hoạch marketing,…

Ngay sau buổi gặp gỡ người bạn, Li Chunhua ra về và liên lạc ngay với quản lý chuỗi trà sữa. Cô nhận được câu trả lời: “Bạn gọi tới tôi là đúng người rồi. Thương hiệu của chúng tôi rất nổi tiếng. Nhiều người muốn mua thương hiệu để kinh doanh mà không được. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ để bạn thành công.

Những người đã hợp tác với chúng tôi đang kinh doanh rất tốt, có thể kiếm ít nhất 2 triệu NDT/năm (khoảng 6,7 tỷ đồng). Đối với họ, việc mua nhà, mua xe chẳng có gì to tát”.

Nghe vậy, Li Chunhua càng quyết tâm khởi nghiệp. Cô nôn nóng và thấy mình lãng phí thời gian khi làm việc trong nhà máy. Cô tự trách bản thân sao không kinh doanh sớm hơn. Sau đó, vợ chồng cô nghỉ việc, tới trụ sở thương hiệu trà sữa ở Thượng Hải. Người quản lý đón tiếp niềm nở, mời nếm thử đủ các loại trà sữa.

Người quản lý đó còn chia sẻ: “Dịp này, chúng tôi đang ra mắt thị trường một số vị trà sữa mới. Và chỉ có những cửa hàng nhượng quyền trong thời gian gần đây mới được bàn giao công thức mới. Bạn sẽ là một trong những cửa hàng ấy, được chúng tôi dồn hết tiền và tâm huyết hỗ trợ”.

Cô gái trẻ bỏ 2,5 tỷ mở quán trà sữa, sau 6 tháng lỗ nặng, nhượng quyền chẳng ai mua, phải bán tống bán tháo đồ đạc - Ảnh 2.

Phí nhượng quyền thương hiệu sau giảm giá là 200.000 NDT (khoảng 670 triệu đồng). Thương hiệu sẽ hỗ trợ toàn bộ việc set-up cửa hàng như: Trang trí, đào tạo nhân viên, cung cấp nguyên liệu và thiết bị, cung cấp đầy đủ dịch vụ, hỗ trợ truyền thông,…

“Bạn sẽ có lợi nhuận lên đến 70% cho mỗi cốc trà sữa. Nếu hoạt động tốt, bạn có thể bán 1000 cốc trà sữa/ngày, doanh thu mỗi ngày lên đến 15.000 NDT (khoảng 50,2 triệu đồng) và doanh thu hàng tháng là 450.000 NDT (khoảng 1,5 tỷ đồng). Sau khi trừ mọi chi phí thì mỗi tháng lãi 250.000 NDT (khoảng 838 triệu đồng) không thành vấn đề. Chỉ sau khoảng 2 tháng là có thể hoàn vốn nên không có gì phải lo lắng”, người quản lý thương hiệu chia sẻ.

Những lời quảng cáo hấp dẫn khiến vợ chồng Li Chunhua phấn khích và tin rằng sẽ sớm trở nên giàu có.

Ngay lập tức, Li Chunhua vay mượn khắp nơi 200.000 NDT để mở cửa trà sữa nhượng quyền. Bên phía thương hiệu liên tục giục vợ chồng cô phải nhanh tay đặt cọc tiền, nếu không giá nhượng quyền sẽ tăng.

Trong bước đường cùng, Li Chunhua đề xuất bán căn nhà mua ở vùng ngoại ô để hùn tiền mua thương hiệu. Sau đó sẽ chuyển về Thâm Quyến kinh doanh.

Li Chunhua động viên chồng: “Khi chúng ta kiếm được nhiều tiền, chúng ta sẽ mua căn nhà khác. Theo lợi nhuận của cửa hàng trà sữa thì chỉ sau 2 năm, chúng ta có thể mua nhà”.

Chồng cô không phản đối mà còn rất ủng hộ. 2 vợ chồng cô nhanh chóng rao bán căn nhà ở Huệ Châu. Do vị trí căn nhà đẹp, ánh sáng tốt, nằm ở hướng mát nên có nhiều người đến xem nhà. Chỉ sau nửa tháng, Li Chunhua đã bán được ngôi nhà với giá 1,05 triệu NDT. Trả hết các khoản vay nợ, Li Chunhua giữ lại được 700.000 NDT.

Làm việc nôn nóng có nguy cơ trả giá đắt

Sau khi có đủ tiền vốn, vợ chồng cô lập tức bay đến Thượng Hải và trả khoản phí nhượng quyền thương hiệu. Về Thâm Quyến, 2 vợ chồng hào hứng, nghĩ cuộc đời mình sẽ phất lên từ bây giờ.

Vì căn nhà cũ đã bán nên Li Chunhua buộc phải tìm mặt bằng kinh doanh. Ý tưởng của cô là sẽ tìm 1 mặt bằng lớn, cơ sở vật chất khang trang, tiện ích. Sau 1 tháng, vợ chồng cô tìm thấy một cửa hàng gần lối vào tàu điện ngầm Longhua. Cửa hàng có diện tích tương đối lớn, dĩ nhiên là giá thuê không hề thấp.

Vào thời điểm đó, chủ nhà đưa ra những điều kiện rất khắt khe. Họ yêu cầu vợ chồng cô đặt cọc 120.000 NDT (khoảng 402 triệu đồng), tiền thuê nhà mỗi tháng là 3000 NDT (10 triệu đồng). Hợp đồng kéo dài ít nhất trong 3 năm, họ mới trả lại tiền cọc. Li Chunhua cho rằng những điều kiện này không thành vấn đề vì cô muốn kinh doanh lâu dài.

Khi đã có mặt bằng, Li Chunhua mời người quản lý thương hiệu đến khảo sát. Sau khi hạch toán, người quản lý thấy cửa hàng có diện tích lớn nên chi phí set-up sẽ bị “đội” lên cao hơn con số dự tính ban đầu.

Li Chunhua đàm phán muốn giảm chi phí set-up nhưng người quản lý không đồng ý. Cô lại đề nghị sẽ tự set-up theo phong cách, bảng biển, màu sắc giống với công ty. Nhưng câu trả lời mà cô nhận được là: “Nếu bạn tự trang trí, bạn sẽ không thể sử dụng thương hiệu trà sữa này từ công ty".

Cô gái trẻ bỏ 2,5 tỷ mở quán trà sữa, sau 6 tháng lỗ nặng, nhượng quyền chẳng ai mua, phải bán tống bán tháo đồ đạc - Ảnh 3.

Mặc dù rất tức giận, bức xúc nhưng vợ chồng Li Chunhua đành chấp nhận vì không có lựa chọn nào khác. Vào lúc này, cô cũng nhận ra mình đang bị “chặt chém” từng chút một, rơi dần vào cái bẫy chết người.

Sau nửa tháng, cuối cùng việc set-up quán cũng hoàn thiện. Li Chunhua tuyển 4 nhân viên, chuẩn bị khai trương quán. Trước khi khai trương, cô cũng đưa 4 nhân viên tới trụ sở thương hiệu trà sữa ở Thượng Hải để học việc. Thời gian đào tạo là 1 tuần. Nếu quá 1 tuần sẽ tính thêm phí. Bên cạnh đó, chi phí ăn ở, di chuyển cũng tốn một khoản không nhỏ.

Tổng chi phí vợ chồng Li Chunhua đã bỏ ra lên đến 750.000 NDT (khoảng 2,5 tỷ đồng), chứ không phải con số 200.000 NDT (khoảng 670 triệu đồng) như ban đầu.

Phá sản, mất trắng tiền vốn, ngậm ngùi cay đắng

Thời gian đầu, công việc kinh doanh rất tốt, doanh thu hàng ngày lên tới vài nghìn NDT. Nhưng sau một thời gian, lượng khách giảm rõ rệt, công việc kinh doanh lập tức sa sút. Doanh số bán hàng một ngày chưa bằng 1/3 so với khi mới khai trương.

Khi những vị chuyên gia pha chế do thương hiệu cử đến rời đi, nhân viên của Li Chunhua bắt buộc phải tự pha. Vì thế, hương vị cũng không còn nguyên vẹn như ban đầu. Càng về sau, tình hình kinh doanh càng sa sút. Thậm chí lương cơ bản của nhân viên cũng không còn được đảm bảo.

Chi phí nguyên liệu cho thương hiệu rất đắt, không đạt lợi nhuận 70% như thỏa thuận ban đầu. Một ly trà sữa chỉ có thể kiếm được lợi nhuận 50%. Hơn nữa, nguyên liệu đã bóc bao bì không sử dụng hết trong ngày sẽ phải bỏ đi, không dùng được cho ngày hôm sau.

Cô gái trẻ bỏ 2,5 tỷ mở quán trà sữa, sau 6 tháng lỗ nặng, nhượng quyền chẳng ai mua, phải bán tống bán tháo đồ đạc - Ảnh 4.

Hiện tại, doanh thu của cửa hàng là vài trăm nhân dân tệ. Với doanh thu như vậy, Li Chunhua thậm chí không trả đủ tiền thuê nhà, chứ chưa nói đến trả lương cho nhân viên. Cô cố gắng cầm cự qua ngày, hy vọng thời gian tới sẽ cải thiện tình hình. Nhưng càng ngày, tình hình kinh doanh càng tồi tệ.

Sau khi kiên trì bám trụ khoảng 6 tháng, cuối cùng Li Chunhua đành tuyên bố đóng cửa, sang nhượng cho người khác. Nhưng cũng chẳng ai tìm đến thương thảo với cô. Số tiền cọc 120.000 NDT với chủ nhà cũng mất trắng bởi theo đúng hợp đồng, sau 3 năm cô mới được hoàn lại. Bàn ghế, thiết bị pha chế phải bán tống bán tháo với giá rẻ.

Giờ nghĩ lại, Li Chunhua thật sự rất hối hận. Cô cảm thấy mình đã hoàn toàn rơi vào cái bẫy của thương hiệu. Vợ chồng cô làm lụng vất vả hơn nửa năm, không kiếm được một xu, gần như mất trắng tiền vốn, cay đắng không thể tả.

Cuối cùng, vợ chồng cô quay lại nhà máy ban đầu làm việc.

Theo: Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày