Cô gái 18 tuổi Việt Nam giành suất thực tập Google trước cả trăm nghìn đối thủ: "Em không thông minh, chỉ là em cố gắng rất nhiều"

CN, Theo Trí Thức Trẻ 15:25 20/12/2019

Vị trí thực tập sinh Google dù có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng hàng năm nhưng vẫn chưa đủ để khiến cô gái đầy nghị lực này chùn bước.

Trong số những công ty công nghệ, chắc hẳn những cái tên như Facebook, Google, Microsoft… hoặc bất kỳ một thương hiệu lớn mang tầm vóc đa quốc gia nào cũng là điểm đến mơ ước của hàng triệu người. Chưa nói đến chuyện được nhận làm chính thức, công cuộc tìm kiếm một suất thực tập tại đây đã là cả một hành trình gian nan chỉ một phần thiểu số đạt được. Mới đây, câu chuyện về Scarlet Nguyen - một cô gái sinh năm 2001 hiện đang sống và học tập tại Canada được 4 năm - đã khiến rất nhiều người bất ngờ khi ghi danh vào phần thiểu số đó của thế giới.

Quyết định ngược dòng và động lực sáng giá

Nếu không vượt qua và bỏ ngoài tai những định kiến chung, có lẽ câu chuyện của Scarlet đã chẳng có chút xác suất phần trăm nào xảy ra để kể lại tới giờ này. Dù vẫn đang là sinh viên năm nhất tại Đại học British Columbia và chưa được chọn chuyên ngành, cộng thêm tỷ lệ chọi ngất ngưởng cho một suất thực tập sinh tại Google, Scarlet vẫn quyết tâm gửi đơn ứng tuyển. Thừa nhận mình không có tài năng và thành tích nổi bật về cả CV lẫn trường lớp, nhưng bấy nhiêu đó lại phần nào giúp Scarlet có thêm động lực để tìm ra những điểm mạnh khác cho bản thân ghi dấu một năm 2019 đầy tự hào.

Trước hết, cẩn tắc vô áy náy, công cuộc tìm hiểu về quy trình tuyển chọn thực tập sinh của Google được Scarlet tìm hiểu rất kỹ, từ đó nhận ra những yếu tố quan trọng như gửi hồ sơ sớm và đầu tư chăm chút cho CV nổi bật hơn đám đông chính là chìa khóa quan trọng giúp mình có được lợi thế hơn bình thường.

Cô gái 18 tuổi Việt Nam giành suất thực tập Google trước cả trăm nghìn đối thủ: Em không thông minh, chỉ là em cố gắng rất nhiều - Ảnh 1.

Bản CV mà Scarlet dùng để nộp cho Google trong đợt tuyển dụng thực tập sinh.

Kết quả vượt xa cả dự tính khi Google gửi mail báo trúng tuyển chỉ sau 3 ngày - siêu vui nhưng cũng kèm theo một tin sét đánh: Scarlet chỉ có 4 ngày tiếp theo để chuẩn bị mọi kiến thức sẵn sàng cho buổi phỏng vấn online, trong khi thời gian thông thường đối với những công ty lớn có thể lên tới cả tháng cũng là chuyện dễ hiểu.

Dù vậy, một diễn biến phi thường đã xảy ra: Lượng kiến thức đại cương cần thiết để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thường phải được dàn trải trong vài năm đại học sắp tới, vậy mà Scarlet vẫn tìm ra cách nắm vững được một phần đủ để giữ vững phong độ. Ngoài ra, trong khi phỏng vấn, một câu hỏi với khái niệm hoàn toàn lạ lẫm cũng được Google cài vào để thử thách ứng viên, tưởng kẹt nhưng Scarlet lại bình tĩnh "hỏi ngược" cả người phỏng vấn và ứng biến tài tình để tìm ra lời giải.

Mọi chi tiết về quá trình chuẩn bị trước, trong và sau khi phỏng vấn cũng như trúng tuyển làm thực tập sinh Google đã được Scarlet chia sẻ toàn bộ ở bài viết này. Sau đây là một số tâm sự sâu sắc của Scarlet về câu chuyện vừa qua, chắc chắn sẽ ít nhiều giúp ích cho nhiều bạn trẻ còn đang vướng mắc trên con đường thực hiện ước mơ của mình. Hãy cùng gặp gỡ Scarlet và nghe em ấy chia sẻ thêm về trải nghiệm của bản thân nhé.

1. Vì sao em lại quyết định theo đuổi đam mê học tập để trở thành một lập trình viên để rồi đến quyết định chọn trường/ngành đại học - một trong những dấu mốc quan trọng nhất cuộc đời - tạo tiền đề cho việc giành được vị trí thực tập sinh hiếm hoi ở Google?

Nếu như câu trả lời thường gặp là vì đã đam mê lâu hay được định hướng ngay từ nhỏ thì trường hợp của em hoàn toàn ngược lại, em chỉ vừa bắt đầu chập chững đi trên con đường lập trình vào tuổi 16 và hoàn toàn thua kém so với những bạn nam cùng lứa. Có lẽ vì tính hiếu chiến của tuổi trẻ, cũng có thể do bị nặng tư duy "năng lực con người khác nhau chỉ ở hành động" nên em mới quyết tâm sẽ là đứa con gái giành được suất thực tập làm lập trình viên tại Hootsuite (nơi thực tập lớp 11-12) sau khi bị từ chối 1 năm trước đó.

Ban đầu, em chỉ cơ bản học vì muốn chứng minh, nhưng không biết từ bao giờ đã bị cuốn vào thế giới lập trình, dần dần có thể dành ra ngày đêm để code, càng làm càng phấn khích và không bao giờ thấy chán, cảm giác thật sự rất thú vị. Nhưng làm những dự án cá nhân vào thời gian rảnh vẫn chưa nói lên được rằng em có thật sự đam mê hay lập trình chỉ đơn thuần là một sở thích ngẫu hứng, nên em mới cần trải nghiệm làm việc nhóm và công việc full-time của ngành này để thực sự đánh giá xem bản thân có phù hợp hay không. Sau 6 tháng thực tập tại Hootsuite và tham dự 17 cái hackathons, em vẫn rất thích những gì bản thân đang thực hiện (mặc dù đôi khi cảm thấy nản vì quá nhiều thứ mới mà em chưa biết hoặc chưa đủ trình độ để học) và quyết định sẽ nghiêm túc theo đuổi con đường này.

Cô gái 18 tuổi Việt Nam giành suất thực tập Google trước cả trăm nghìn đối thủ: Em không thông minh, chỉ là em cố gắng rất nhiều - Ảnh 2.

Động lực cuối cùng khiến em muốn theo đuổi đam mê của mình đến vậy là do khi qua Canada, em cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với mọi người xung quanh và muốn tự trang trải những chi phí cá nhân, bao gồm học phí đại học và những chi tiêu lặt vặt khác, nhằm giúp đỡ gia đình vì em thương bố mẹ cực quá. Ngành lập trình lại trả lương khá ổn, giúp em đạt được những mục tiêu mà mình đã đặt ra sau vài tháng làm việc.

2. Bí quyết gì khiến em có thể học và chuẩn bị đủ tự tin cho lượng kiến thức dự trù cho bài phỏng vấn của Google, mà theo lời em đó là "những thứ được học trong 4 năm tới" ở Đại học? Đây có phải yếu tố tương tự đã giúp em hiểu được kiến thức mới về một câu hỏi chưa nghe bao giờ chỉ trong vòng 3 phút ngay giữa buổi phỏng vấn?

Em không có tự tin đâu (cười), trước khi phỏng vấn em run quá trời. Em nghĩ CV của em khá bình thường so với những bạn em từng gặp, và thành thật thì có thể nói ai cũng làm được những gì em đã thực hiện, vì chẳng có gì cao siêu trong những cái em làm cả. Quan trọng là phải lì và biết chủ động. Khi gặp một khái niệm khó hay kiến thức mới, em sẽ đặt một "timebox" (VD: 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng,...), thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau trong thời gian đó để xem cách nào em học nhanh nhất. Một khi đã hết hạn mà vẫn chưa hiểu, em bắt buộc sẽ phải tìm ai đó để giải thích, hoặc đổi một hướng học hoàn toàn khác, sau đó lặp lại quá trình cho tới khi hiểu thấu đáo thì thôi.

Đồng thời, em học tốt nhất khi có một nền tảng lý thuyết cơ bản thật vững và bổ trợ thêm kinh nghiệm thực tế để nâng cao những gì mình biết từ sách vở, vì em nghĩ thiếu cân bằng một trong hai thứ sẽ gây ra nhiều lỗ hổng kiến thức trong tương lai. Em cũng cực kỳ thích học hỏi từ những người xung quanh và trân trọng những bài học mình nhận được, vì chắc đây là cách học nhanh và dễ vào đầu nhất. Có nhiều người chỉ coi trọng kiến thức chuyên môn khi nộp đơn xin việc, nhưng còn một yếu tố em cho cũng không kém phần thiết yếu: Tính cách và kỹ năng mềm (làm việc nhóm, giao tiếp, và khả năng tự thân vận động). Em không phải là người thông minh nhất, những gì em đạt được là nhờ sự ủng hộ từ mọi người xung quanh, và có lẽ do các anh chị phỏng vấn cũng quý em qua những lần trò chuyện nữa.

Cô gái 18 tuổi Việt Nam giành suất thực tập Google trước cả trăm nghìn đối thủ: Em không thông minh, chỉ là em cố gắng rất nhiều - Ảnh 3.

Một vài trang note của Scarlet về kiến thức cần chuẩn bị trước khi phỏng vấn. (Ảnh: NVCC)

Thường nhiều chương trình thực tập yêu cầu một trình độ nhất định, nhưng họ cũng rất quan trọng khả năng tự học và tốc độ tiến bộ của một ứng cử viên nên đây cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển chọn. Trong 4 ngày học cho buổi phỏng vấn, em đã dành vài tiếng đầu để tổng hợp tài liệu trên mạng và lên kế hoạch để học hiệu quả nhất cho khoảng thời gian ít ỏi. Đầu tiên, em ôn những kiến thức căn bản mà một sinh viên năm nhất phải biết, rồi bắt đầu nâng cao lên và nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Có lẽ một phần do may mắn và một phần nhờ những kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy không ngừng trong 2 năm qua đã giúp em có thể thành công trong buổi phỏng vấn của mình.

3. Từ quan điểm cá nhân em, các bạn theo học ngành lập trình nói chung thường có ưu điểm/nhược điểm gì cần phát huy/khắc phục? Môi trường học tập ở nước ngoài em theo học có thực sự tỏ ra khác biệt so với Việt Nam ở điểm nào gây ảnh hưởng tốt/xấu tới việc lĩnh hội kiến thức không? Nếu có, những tố chất nào em nghĩ là quan trọng nhất để những bạn trẻ theo đuổi đam mê học IT chuẩn bị từ sớm cho bớt bỡ ngỡ, cũng như thuận lợi hơn trên con đường phát triển đam mê?

Như mọi người cũng thường nghe nói, ngành lập trình đang hot nên được trả lương rất ổn và được nhiều ưu đãi từ công ty, đồng thời không sợ thất nghiệp vì đi đâu cũng có vị trí thuê tuyển và cơ hội làm việc tại những công ty nước ngoài cũng cao hơn. Đặc biệt những công ty lớn lại đang theo phong trào đa dạng hoá nhân lực, ban tuyển dụng của họ thường có xu hướng mở nhiều cơ hội hơn cho nữ cũng như nhiều sắc tộc khác nhau.

Nhược điểm thì cũng nhiều không kém vì ngành này có thể rất cực và với những công ty không có sự cân bằng tốt, như Amazon và Tesla thì làm thêm ngoài giờ có thể nói là chuyện bình thường ở huyện. Ngoài ra, những công ty công nghệ có thể phất lên rất nhanh và thất bại cũng lẹ chẳng kém (Uber và WeWork là một ví dụ) hoặc thường xuyên dính scandal như Facebook và Google, khiến tốc độ tăng trưởng lẫn đào thải của ngành này nhanh hơn nhiều so với những ngành khác. Đối với nữ giới thì phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn như xâm phạm tình dục, lương không tốt bằng nam,... - những vấn đề thường xuyên được truyền tải bởi báo chí qua phong trào nữ quyền gần đây.

Cô gái 18 tuổi Việt Nam giành suất thực tập Google trước cả trăm nghìn đối thủ: Em không thông minh, chỉ là em cố gắng rất nhiều - Ảnh 4.

Em chưa học đại học và làm việc ở Việt Nam nên không rõ môi trường sẽ khác nhau thế nào, nhưng em nghĩ ở nước ngoài họ chịu khó đầu tư một số tiền lớn vào những thế hệ trẻ để nuôi dưỡng tài năng, nên những chương trình và cơ hội cho học sinh/sinh viên cũng nhiều hơn so với Việt Nam. Để bắt kịp với bạn bè trên thế giới, em nghĩ những bạn trẻ Việt Nam muốn theo đuổi ngành này nên học cả tiếng Anh tốt vì có rất nhiều nguồn tài liệu online chất lượng chỉ bằng tiếng Anh như EdX, Udemy, Coursera, Github, StackOverflow,... Có kiến thức lập trình được tích hợp bằng tiếng Anh và khả năng giao tiếp tốt sẽ là hai yếu tố quan trọng khiến một ứng cử viên có được đánh giá cao hay không.

Và việc chăm chút cho resume và LinkedIn/Github cũng quan trọng không kém, vì những thứ này tựa như tiêu đề của một tờ báo vậy: Sẽ không ai đọc nội dung nếu bạn không khiến người đọc quan tâm tựa đề, tương tự như việc sẽ chẳng ai muốn phỏng vấn bạn nếu họ chẳng có hứng thú nhìn hồ sơ tuyển dụng ngay từ đầu. Đồng thời, em nghĩ các bạn nên bắt đầu xây dựng một mạng lưới với những người cùng ngành từ bây giờ, càng sớm các bạn sẽ thấy càng nhiều lợi ích sau này. Lời khuyên cuối cùng của em cho các bạn là: hãy trải nghiệm nhiều thứ khác nhau để xem bản thân thực sự thích và muốn gì, và hy vọng các bạn theo đuổi không phải chỉ đơn thuần vì lương cao hoặc kỳ vọng từ bố mẹ. Em biết và rất ngưỡng mộ nhiều bạn trẻ Việt thông minh và tài giỏi, nên nếu nói về yếu tố con người thì em sẽ tự tin nói rằng người Việt ta chẳng thua kém ai cả. Em mong là các bạn sẽ đạt được ước mơ của mình.


Đối với một cô gái ở độ tuổi 18, "dễ dàng" hay "tầm thường" không phải là từ ngữ đáng dùng để gán cho những gì mà Scarlet đã làm được. Tuy nhiên, Scarlet luôn giữ cho mình một thái độ khiêm nhường, sẵn sàng phủ nhận thành tích của mình và cho rằng đó chỉ là nỗ lực cần cù, không phải tài năng xuất chúng hơn người. "Thực sự em không thông minh, chỉ là em cố gắng rất nhiều," đó là lời đáp vào 4h sáng của một cô sinh viên còn thức vì mải tìm tòi khám phá thêm nhiều thứ mới mẻ, hẳn cũng đủ để nhiều người trong chúng ta tự cảm thấy khâm phục để tự phấn đấu thêm nhiều phần.