2015 là một năm vô cùng đáng nhớ với dòng phim điệp viên, khi có ít nhất năm phim nói về đề tài này. Từ đó hiện lên chân dung của hàng loạt người hùng trên màn ảnh rộng. Có khi đó là những quý ông lịch lãm như Harry Hart hay James Bond, có khi gây ấn tượng nhờ sự hài hước như Susan Cooper, nhưng cũng có khi đơn giản chỉ là một gã người Nga không lùi bước. Hãy cùng điểm lại mười một hình mẫu điệp viên ấn tượng nhất trong năm nay.
Điệp viên phong cách nhất: Harry Hart (Kingsman: The Secret Service)
Tài tử kỳ cựu người Anh Colin Firth là minh chứng cho chân lý chỉ cần có thực tài, người diễn viên có thể hóa thân vào bất kỳ dạng vai nào. Dù chưa từng đóng phim hành động, ông vẫn hoàn thành xuất sắc vai diễn trong Kingsman: The Secret Service, thậm chí còn mang đến một trong những cảnh hành động hay nhất trong năm nay (đoạn trong nhà thờ). Trái với một Ethan Hunt thực dụng hay một James Bond đang ngày càng bị hiện đại hóa, Harry Hart vẫn duy trì hình mẫu của một đặc vụ cổ điển, như chính câu châm ngôn của ông: "Cách cư xử làm nên một người đàn ông".
Không chỉ hướng dẫn Eggsy trở thành một điệp viên, nhân vật của Harry Hart còn dạy dỗ cậu trở thành một quý ông qua chính phong cách của mình. Những bộ vét Harry mặc luôn là hàng may đo, vừa khít với cơ thể, với đặc trưng là hai hàng cúc đúng chất Anh và không bao giờ cài cúc cuối cùng. Đi kèm với bộ vét luôn là chiếc caravat, chiếc đồng hồ quý phái, cùng sợi dây nịt sẫm màu. Chiếc khăn cũng luôn thường trực trên túi áo, sẵn sàng “cứu nguy” cho phái đẹp bất kỳ lúc nào. Sự tinh tế của một quý ông Kingsman còn thể hiện qua cách chọn giày, tỉ mỉ đến mức các nhân vật trong phim biến hai mẫu Oxford và Brogues thành câu mật mã.
Điệp viên “trẻ trâu” nhất: Eggsy Unwin (Kingsman: The Secret Service)
Nhân vật Eggsy do Taron Egerton thủ vai lại là một cá tính tương phản, sự kết hợp giữa cái phớt đời của Bond và chất hoang dã của một kẻ lớn lên từ đường phố. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Eggsy từ nhỏ đã ghét bỏ giới quý tộc, thậm chí còn nhiều lần nghi ngờ cả người thầy của mình là Harry. Khi tham gia khóa huấn luyện, chàng trai trẻ nhận không ít ánh mắt khinh thường từ những đồng môn vì không cùng đẳng cấp.
Thế nhưng, chính chất “lêu lổng” của Eggsy mới làm nên sự thú vị cho bộ phim. Trong những tình huống ngặt nghèo, cậu luôn đưa ra những giải pháp táo bạo mà những kẻ đã quen sống sung sướng khó nghĩ tới. Nhiều chi tiết của Eggsy bắt chước James Bond, nhưng lại khiến khán giả bật cười vì chúng được thực hiện bởi một gã trai mới lớn. Khác với loạt phim 007 hay Bourne với nhân vật chính đã là sát thủ ngay từ đầu, Kingsman: The Secret Service là quá trình trưởng thành của chàng trai đường phố Eggsy, và hai cảnh quay lặp lại trong quán bar ở đầu và cuối phim là minh chứng cho điều đó.
Điệp viên đẹp trai nhất: Napoleon Solo (The Man from U.N.C.L.E.)
The Man from U.N.C.L.E vốn là một series truyền hình ở thập niên 60 về đề tài điệp viên. Ở phiên bản điện ảnh năm 2015, đạo diễn Guy Ritchie gây bất ngờ khi không đẩy câu chuyện lên thời hiện đại mà vẫn giữ nguyên bối cảnh Chiến tranh lạnh. Diễn viên yêu thích của hãng Warner Bros. là Henry Cavill được “đo ni đóng giày” trao cho vai chính Napoleon Solo. Được chính nhà văn Ian Fleming lên ý tưởng nên không ngạc nhiên gì khi nhân vật này mang nhiều nét hao hao Bond, dù anh ta là người Mỹ.
Đã quá quen thuộc với vai Superman trong Man of Steel, Henry Cavill phải thêm vào một chút phóng túng khi hóa thân thành chàng điệp viên Solo. Dù diễn xuất còn đôi chỗ hạn chế, nam tài tử sinh năm 1983 vẫn thu hút mọi người nhờ ngoại hình. Khuôn mặt của Cavill đẹp cân đối với ánh mắt đa tình, bên cạnh đó anh còn sở hữu thân thể vô cùng rắn chắc. Phong cách ăn mặc cổ điển của Henry Cavill cũng làm gợi nhớ đến Sean Connery khi còn trẻ. Hoàn toàn không quá lời khi phong tặng chàng diễn viên này danh hiệu “điệp viên đẹp trai nhất năm”.
Điệp viên "chân chất" nhất: Illya Kuryakin (The Man from U.N.C.L.E.)
Ý tưởng độc đáo nhất của The Man from U.N.C.L.E. có lẽ là sự hợp tác giữa hai điệp viên Nga và Mỹ, những kẻ thù không đội trời chung trong Chiến tranh lạnh. Không những vậy, chàng điệp viên Illya Kuryakin còn là một người vô cùng thẳng tính, đối lập với sự ranh mãnh của Napoleon Solo. Mâu thuẫn giữa hai gã trai này diễn ra hầu như suốt phim, nhưng cuối cùng họ phải đoàn kết với nhau để chống lại kẻ thù chung.
Nhân vật của Armie Hammer quả thật là một chàng “thanh niên nghiêm túc”, thậm chí còn có phần hơi… gia trưởng. Anh ta nhất mực yêu cầu nhân vật nữ Gaby Teller (Alicia Vikander thủ vai) không được diện quần áo lòe loẹt hay bật nhạc ầm ĩ, nhưng cũng vô cùng tử tế khi bế cô nàng vào giường mà chẳng hề có ý định lợi dụng. Napoleon Solo có thể khiến phụ nữ choáng ngợp, nhưng Illya Kuryakin mới thật sự là mẫu đàn ông khiến các chị em cảm thấy ấm áp và thật sự tin tưởng.
Điệp viên liều mạng nhất: Ethan Hunt (Mission: Impossible - Rogue Nation)
Series Mission: Impossible vốn nổi tiếng vì sự mạo hiểm, và phần mới nhất Rogue Nation cũng không là ngoại lệ. Phim tràn ngập những cảnh chiến đấu và truy đuổi không tưởng theo đúng phong cách “bất khả thi”. Ở tuổi ngoài 50, không ít ngôi sao như Bruce Willis hay Nicolas Cage đã có dấu hiệu xuống sức, thế nhưng ngôi sao chính của Mission: Impossible là Tom Cruise vẫn thể hiện được sự dẻo dai của mình qua từng tập phim.
Còn ấn tượng hơn nữa khi nam tài tử này không cần người đóng thế trong hầu hết các pha hành động. Ngay trong cảnh đầu tiên, khán giả được chứng kiến anh treo mình bên ngoài chiếc máy bay Airbus đang cất cánh, chỉ vài phút này đã khiến Tom Cruise mất đến 8 lần quay. Anh cũng trực tiếp thực hiện cảnh đua xe mô tô hoành tráng ở Morocco. Với phong độ này, không ngạc nhiên gì khi hãng Paramount nhanh chóng bật đèn xanh cho nam tài tử làm tiếp phần sáu.
Nữ điệp viên giỏi võ nhất: Ilsa Faust (Mission: Impossible - Rogue Nation)
Những người đẹp trong loạt Mission: Impossible khó có thể sánh với các Bond girl về độ kiều diễm, thế nhưng họ phần lớn đều là những “đả nữ” với tính cách mạnh mẽ. Năm nay, Paula Patton không quay trở lại, song các nhà làm phim đã nhanh chóng tìm được một người thay thế không hề kém cạnh, đó là nữ diễn viên Rebecca Ferguson đến từ Thụy Điển.
Xuất thân của nhân vật Ilsa Faust được giữ kín trong phần lớn phim để làm tăng thêm tính phức tạp cho câu chuyện. Về mặt đánh đấm, cô nàng thật sự là một đối trọng của Ethan Hunt với lối ra đòn nhanh gọn, tiêu biểu nhất là cảnh trong nhà ngục và cảnh dùng chân kẹp cổ một tên tay sai. Rebecca Ferguson cũng góp mặt trong trường đoạn đáng nhớ nhất phim - cuộc ám sát trong nhà hát tại Áo, nơi bản nhạc opera át hết tiếng của các nhân vật.
Điệp viên bị “dìm hàng” nhất: William Brandt (Mission: Impossible - Rogue Nation)
Chẳng ai có thể phủ nhận tài năng của Jeremy Renner, một trong những diễn viên xuất sắc nhất thế hệ của mình. Thế nhưng không hiểu sao mỗi lần xuất hiện trong phim bom tấn là anh lại phải cam chịu lép vế trước kẻ khác. Trong The Avengers, anh là thành viên… yếu nhất đội và còn đánh thua cả Black Widow. Trong The Bourne Legacy, Renner thủ vai chính nhưng rốt cục ai cũng hô hào đòi Matt Damon trở lại.
Còn ở loạt phim Mission: Impossible, sau màn ra mắt khá ấn tượng trong Ghost Protocol, đến phần tiếp theo thì nhân vật William Brandt của Renner bỗng nhiên trở nên… vô hại đến khó hiểu. Phần lớn thời gian của nhân vật này dành cho những cuộc nói chuyện và điều trần trước tòa án, còn lại hầu như vắng mặt trong các cảnh hành động. Sau khi phim kết thúc, khán giả có lẽ chỉ nhớ đến anh vì cảnh quay giễu cợt với Thủ tướng Anh.
Điệp viên hài hước nhất: Susan Cooper (Spy)
Spy là một trong những phim hài được đánh giá cao nhất trong năm nay. Chàng điệp viên hoàn hảo Bradley Fine (Jude Law) của CIA gặp sự cố trong một nhiệm vụ, khiến cô nhân viên Susan Cooper (Melissa McCarthy) bị điều ra thực địa. Khổ nỗi Susan chỉ quen làm việc bàn giấy và chẳng hề có tí kinh nghiệm nào, gây ra không tình huống oái oăm trong suốt phim.
Melissa McCarthy là một trong những ngôi sao ăn khách nhất Hollywood khi từng tham gia vào một loạt phim như Bridesmaids, The Heat hay Identity Thief. Với Spy, cô lại có thêm một vai diễn thành công khác. Nhân vật Susan Cooper không chỉ gây cười đơn thuần bằng ngoại hình, mà cô còn biết chiến đấu và lập kế hoạch không thua gì một điệp viên thực thụ. Trong phim, nữ diễn viên tiếp tục phát huy thế mạnh là nét diễn duyên dáng cùng những câu thoại tưng tửng, khiến khán giả cười nghiêng ngả.
Điệp viên vô dụng nhất: Rick Ford (Spy)
Nếu như đã quen thấy một Jason Statham lạnh lùng hạ gục hàng trăm tên địch trong các phim hành động, hẳn khán giả không khỏi bất ngờ khi anh bỗng hóa thân thành một kẻ lắm mồm trong Spy. Dù đất diễn không nhiều, nhân vật Rick Ford của anh lại chinh phục mọi cảnh quay với những đoạn độc thoại kể lể chiến công rất “bố đời” theo kiểu Chuck Norris, trong khi bản thân thì lại hết sức… vô dụng, liên tục mắc sai lầm.
Trên thực tế, Statham không xa lạ gì với dòng phim hài. Anh từng khởi nghiệp từ hai bộ phim hài trào phúng của Guy Ritchie là Lock, Stock and Two Smoking Barrels (1998) và Snatch (2000), nhưng cũng phải đến 15 năm mới quay lại với thể loại này. Với phong độ trong Spy, Statham hoàn toàn có khả năng gắn bó lâu dài với dòng phim hài khi đã mệt mỏi với những bom tấn hành động.
Điệp viên hào hoa nhất: James Bond (Spectre)
James Bond dưới thời Daniel Craig có thể được các nhà làm phim hiện thực hóa, bớt nói đùa và nghiêm túc hơn. Thế nhưng có một đặc điểm của 007 không bao giờ thay đổi, đó là sự hào hoa lịch lãm. Trong tập phim mới Spectre, Bond tiếp tục duy trì đẳng cấp của mình với bộ vét xám, áo cổ lọ cổ điển, cũng phụ kiện là chiếc đồng hồ Omega sang trọng. Cộng thêm ánh nhìn hút hồn, chàng điệp viên người Anh dễ dàng quyến rũ mọi cô gái ngay từ lần đầu gặp mặt.
Năm nay, Bond tiếp tục cưa đổ thêm ba mỹ nhân, lần lượt do Stephanie Sigman, Monica Bellucci và Léa Seydoux thủ vai. Monica Bellucci dù là Bond girl già nhất nhưng vẫn gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài quý phái. Trong khi đó, nhân vật Madeleine của Léa Seydoux lại là người bạn đồng hành của 007 trong phần lớn thời gian. Dù chưa thể sánh được với Eva Green nhưng nhìn chung minh tinh người Pháp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện được hình ảnh một quý cô sang trọng, có thể khiến trái tim chàng điệp viên đa tình rung động.
Điệp viên đáng nhớ nhất: Rudolf Abel (Bridge of Spies)
Một người đàn ông dũng cảm có thể khiến kẻ thù run sợ, nhưng chỉ có một người đàn ông chính trực mới làm họ kính nể. Đó cũng là chân dung của Rudolf Abel, một điệp viên có thật trong lịch sử và được nam diễn viên Mark Rylance tái hiện trong tác phẩm của Steven Spielberg. Chẳng hề chiến đấu để cứu lấy thế giới hay giành lấy cô nàng nào, Rudolf đơn giản là phụng sự tổ quốc mình bằng sự trung thành đến chết cũng không hai lòng. Dù bị chính phủ Hoa Kỳ chiêu dụ nhiều lần nhưng ông vẫn không hề lay chuyển hay thỏa hiệp.
Chân dung của điệp viên người Nga hiện lên một cách giản dị, nhân vật này thoại rất ngắn gọn nhưng mỗi lời nói ra đều là những triết lý thâm sâu đến không ngờ. Ông được bào chữa bởi James B. Donovan (Tom Hanks), một luật sư đề cao tính thượng tôn pháp luật và quyết tâm để Abel được xét xử công bằng. Khi James hỏi điều gì ở ông khiến Rudolph nhớ đến người bạn của cha mình, Rudolph đã trả lời: “Standing man, standing man” (Người đứng thẳng). Thế nhưng, chính bản thân Rudolph cũng là một “người đứng thẳng”. Vì vậy, có thể nói Bridge of Spies là câu chuyện riêng của hai người đàn ông cương trực, những kẻ không lùi bước và theo đuổi đến trọn vẹn lý tưởng của mình.