Kể từ tập đầu tiên ra mắt năm 1962 với tên gọi Dr. No, cho đến nay đã có đến 24 phần phim về James Bond. Trải qua hơn nửa thế kỷ, ít có nhân vật hư cấu nào có sức sống lâu bền hơn chàng điệp viên được tạo ra dưới ngòi bút của nhà văn Ian Fleming. Cùng với những người đẹp của mình, 007 đã chu du đến vô số quốc gia để đánh bại những kẻ xấu sừng sỏ nhất. Ai lại không thích một người đàn ông lịch lãm, luôn dấn thân vào hiểm nguy và giành được những cô gái nóng bỏng nhất?
Thế nhưng đó là câu chuyện trên màn ảnh rộng, giờ là lúc có cái nhìn thực tế hơn. Lột bỏ đi lớp hào nhoáng bên ngoài, 007 còn tồn tại vô số khuyết điểm cả về tính cách lẫn phương thức hoạt động. Nếu bước ra đời thật, những sai lầm chết người này có thể khiến anh mất mạng ngay từ nhiệm vụ đầu tiên. Sẽ không quá lời khi nói rằng, trong thế giới thật, Bond thậm chí còn chẳng phải một điệp viên giỏi, và MI6 quả thật quá điên rồ khi sử dụng một con ngựa chứng như vậy để "bảo vệ Nữ hoàng và Tổ quốc".
1. Bond lúc nào cũng dùng tên thật
Trong giới mật vụ, có một nguyên tắc ngầm là tránh sử dụng tên thật trong các nhiệm vụ. Các điệp viên ngoài đời thật phải trăm phương ngàn kế che giấu thân phận của mình bằng nhiều cách, bao gồm cả việc dùng thẻ căn cước giả hay đi lại với nhiều hộ chiếu khác nhau. Song, James Bond gần như phớt lờ điều này khi luôn khai tên thật với người khác, thậm chí là những kẻ đang muốn giết mình.
Ở ngoài đời thật, chắc chắn những kẻ xấu sẽ dễ dàng phát hiện và trừ khử 007 từ xa trước khi anh kịp thốt ra câu “Bond, James Bond” huyền thoại. Có khi chúng còn lập hẳn một hồ sơ chi tiết về anh và gửi cho nhau không chừng. Cũng có một giả thiết rằng James Bond không phải tên thật mà chỉ là một mật danh. Thế nhưng dù sao đi nữa, việc sử dụng cùng một mật danh trong tất cả nhiệm vụ cũng là điều không tưởng.
2. Bond chẳng bao giờ biết cải trang
Để phá hoại những nhiệm vụ của Bond, thật ra chẳng cần tới đám sát thủ mà chỉ việc thực hiện một thao tác đơn giản sau: chụp hình anh và tung lên trên mạng. 007 có lẽ đã quen ăn mặc lịch lãm như một doanh nhân nên chẳng bao giờ chịu cải trang, ngay cả khi tiến vào sào huyệt của kẻ địch. Hàng chục trận đấu súng có lẽ đã không phải diễn ra nếu anh ta bỏ ra hai phút để cải trang và lẻn vào trừ khử tên cầm đầu.
Nếu nói về phương diện này, Bond kém xa so với Ethan Hunt của Mission: Impossible. Lúc mới xuất hiện, Hunt được giới thiệu là bậc thầy cải trang và từng hóa thân làm doanh nhân, lính cứu hỏa, đại tướng, miễn sao đạt được mục đích của mình. Nếu nhân vật của Tom Cruise cũng khờ khạo như Bond, có lẽ anh đã phải chiến đấu với toàn bộ lực lượng bảo vệ điện Kremlin khi đột nhập vào đây trong phần bốn Ghost Protocol.
3. Bond là kẻ nghiện rượu nặng
Đài BBC vừa công bố một nghiên cứu khoa học và kết luận rằng ngoài đời thật, Bond sẽ là một tên sâu rượu hết thuốc chữa. Thật vậy, sau khi phân tích 14 cuốn tiểu thuyết của Ian Fleming, những bác sĩ ở Anh tính được rằng trung bình mỗi ngày Bond tiêu thụ khoảng 1,5 chai rượu. Trong 88 ngày (tổng thời gian của bộ tiểu thuyết), Bond đã uống đến 1150 ly rượu. Đó là chưa kể đến việc anh ta hút đến 60 điếu thuốc một ngày.
Trên màn ảnh rộng, Bond không hút nhiều như vậy, nhưng hầu như tập nào anh cũng kè kè trong tay ly rượu. Cũng theo phân tích của nhóm bác sĩ, với độ nghiện ngập như vậy, 007 chẳng những không thể đảm bảo thể lực cho nhiệm vụ, mà còn phải đối mặt với một tương lai u ám của bệnh gan, bất lực và thậm chí là chết trẻ. Trong hai tập mới nhất, ngoài ly martini “lắc, không khuấy” huyền thoại thì Bond còn trở thành đại sứ cho cả… bia Heineken. Có lẽ MI6 nên đưa chàng điệp viên của mình vào một trung tâm cai rượu trước khi giao cho anh nhiệm vụ tiếp theo.
4. Bond xem mọi thứ là chuyện cá nhân
Trong thế giới gián điệp, điều quan trọng là phải kiềm chế cảm xúc cá nhân, bạn ở đó để thực thi nhiệm vụ và thế giới không xoay quanh những rắc rối của bạn. Tất nhiên, trừ khi bạn là James Bond, người biến mọi nhiệm vụ thành chuyện cá nhân và hạ sát mọi kẻ ngáng đường. Ngoài đời thật, 007 là hình mẫu của một điệp viên lạm quyền, và sẽ khiến thế giới còn hỗn loạn hơn trước khi anh ta bước vào.
Trong Skyfall, Bond xem cuộc tấn công bà M như chuyện cá nhân. Trong Casino Royale, anh để cảm xúc lấn át mà không nhận ra thân thế thật của Vesper. Dưới thời các diễn viên tiền nhiệm, 007 không ít lần để bị lừa vào bẫy, sau đó có lối hành xử bất cần vượt ngoài mọi khuôn khổ của tổ chức. Nếu James Bond chuyên nghiệp hơn, anh có thể đã giảm bớt một nửa số rắc rối của mình. Ngay cả trong giới điện ảnh cũng có rất nhiều phim hài chế giễu cách hoạt động của Bond, tiêu biểu như Spy, Johnny English, Get Smart hay Austin Powers.
5. Bond quá mê phụ nữ
Chỉ cần nhìn vào những tấm poster cũng có thể thấy Bond rất mê những cô nàng nóng bỏng, và thường thì anh ta quan hệ với trên hai người trong mỗi tập phim. Dù là kẻ thù, đặc vụ tay trong hay cộng sự, cô nàng nào thì Bond cũng nhanh chóng đưa lên giường. Kẻ thù nắm rõ điều này và luôn nhắm đến những cô nàng của Bond, dẫn đến những cái chết thảm khốc cho họ trong không ít những tập phim, tiêu biểu có như Goldfinger, Tomorrow Never Dies hay Casino Royale.
Đôi khi những cô gái này đủ khả năng bảo vệ mình, hoặc được Bond giải cứu kịp thời. Thế nhưng từ đây lại nảy sinh một rắc rối khác: họ đều đã nắm rõ thân phận của Bond. Ở ngoài đời thật, chẳng có gì đảm bảo những cô nàng này sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng để lần ra Bond, hoặc tệ hơn nữa, họ có thể đem lòng thù hận Bond khi bị anh ta bỏ rơi sau mỗi nhiệm vụ.
6. Bond luôn bị bắt giữ
Nếu có một kỷ lục dành cho điệp viên bị tóm nhiều lần nhất thế giới, chắc khó ai qua được James Bond. Chẳng có phim nào mà 007 không bị đánh lén, bắt cóc, tra tấn hay đủ trò khác. Hẳn nhiên, đó là kết quả xứng đáng dành cho lối hoạt động bất cẩn đã trình bày ở trên. Thế nhưng còn tệ hơn thế, đôi khi James Bond bị bắt chỉ vì anh ta… tự dẫn xác đến hang ổ của kẻ phản diện, như trong Skyfall hay Spectre.
Ngay cả những người hâm mộ trung thành nhất cũng phải thừa nhận, 007 đã quá may mắn mới có thể thoát chết trong tất cả các tập phim. Nếu Goldfinger bắt đầu tia laser ở vị trí cao hơn, hắn đã có thể giải quyết cho mình (và có thể cả thế giới) rất nhiều vấn đề, nếu Mr. White không đến đúng lúc ở Casino Royale, thân thể của Bond có thể đã không còn nguyên vẹn. Quá dễ để bắt Bond, đến nỗi thật vô nghĩa khi cử đi những người giỏi nhất như Jaws hay Oddjob.
7. Bond là kẻ lỗi thời
James Bond được sáng tạo trong thập niên 50 như một mẫu điệp viên lăn lộn ngoài thực địa để thu thập tin thức và tiêu diệt kẻ thù. Ngày nay, phần lớn công việc gián điệp được thực hiện qua vệ tinh và máy bay do thám, còn việc ám sát, phá hoại được đảm nhận một cách hiệu quả bởi máy bay ném bom và tên lửa hành trình, như cách Mỹ và Nga đang tấn công IS. Khác với Bond, những thiết bị này không biết chè chén, không ve vãn phụ nữ và không cãi lời thượng cấp.
Sự lỗi thời của Bond cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều lần trong Skyfall hay Spectre. Bond có lợi thế nhờ đồ nghề của Q, nhưng trình độ công nghệ của cá nhân anh khá hạn chế. Kỹ năng chủ yếu của 007 vẫn là bắn giết, hiếm khi thấy anh xử lý thông tin ngoài thực địa. Nếu thật sự được tuyển mộ, 007 sẽ thích hợp với vai trò lính biệt kích hơn là điệp viên.
8. Bond không biết làm việc nhóm
James Bond là biểu tượng của giới điệp viên Anh và thậm chí diễn viên Daniel Craig từng tháp tùng Nữ hoàng Anh ở Olympics. Thế nhưng theo một bài viết gần đây của trang Buzzfeed, một thành viên của SIS (tên gọi khác của MI6) đã tiết lộ rằng 007 sẽ bị loại nếu nộp đơn ứng tuyển vào cơ quan này. Kỹ năng phối hợp nhóm mới là giá trị nền tảng trong lĩnh vực tình báo hiện đại, còn kiểu “anh hùng đơn độc” giống Bond hiếm khi đạt được trò trống gì.
Khả năng thích ứng kém của Bond với tập thể hẳn nhiên bắt nguồn từ tính cách của anh. 007 là kẻ tự cao, hay biến công việc thành chuyện cá nhân, và đôi khi sẵn sàng đặt bản thân lên trên luật lệ của tổ chức. Ngoài đời thật, mẫu người như 007 sẽ vướng vào không ít xung đột với đồng đội và cấp trên, khó hòa hợp được trong bất kỳ tổ chức nào.
Spectre, phần phim mới nhất của James Bond đang được khởi chiếu trên toàn quốc.