Hà Nội vào những ngày mưa dầm dề, chúng tôi lại ngồi tụ tập nhau bên quán cà phê quen thuộc. Những ngày như vậy, nhìn ra hàng cây xào xạc bên ngoài ô cửa, tách cà phê còn ấm và cuộc trò chuyện cũng "vào" hơn. Tôi và 2 người bạn có một cam kết: Đã ngồi nói chuyện thì không dùng smartphone. Nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra: mình hoàn toàn lạc lõng giữa căn phòng mà ai cũng cắm mặt vào điện thoại.
"Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau như năm 1992!" - biển hiệu ấn tượng của một quán cà phê tại Hà Nội. Tôi không biết năm 1992, người ta nói chuyện với nhau ra sao nhưng ít nhất 25 năm trước, những cuộc chuyện trò còn chưa chết, smartphone còn chưa bức tử phương thức giao tiếp cơ bản và thuần túy nhất của con người.
Họ chỉ cắm mặt vào chiếc điện thoại, dù ngồi ngay bên cạnh người yêu mình.
Khi công nghệ đang xoay vần thế giới, chúng ta dần không thể sống thiếu điện thoại, iPad, laptop... Với nhiếp ảnh gia Baby Cakes Romero, ông biết rằng vận động là một phần tất yếu của cuộc sống; những thiết bị công nghệ đem lại nhiều tiện ích cho mỗi người. Nhưng ông cũng nhìn ra rằng, smartphone đã thay đổi cách con người giao tiếp và dần giết chết những cuộc trò chuyện trực tiếp.
Người nghệ sĩ bắt đầu ghi lại những khoảnh khắc con người lệ thuộc vào smartphone, vào chiếc điện thoại để giao tiếp. Từ những đồng nghiệp công ty trong giờ nghỉ trưa, cha mẹ và con cái trong chuyến dã ngoại hay thậm chí là hai người yêu nhau trong các cuộc hẹn hò. Có một nỗi buồn phảng phất trong không khí và sự vô hồn đến ớn lạnh từ những màn hình đèn led điện thoại hất lên.
"Trước khi điện thoại di động được phát minh, người ta không có cách nào khác ngoài tương tác, nói chuyện trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, giờ đây họ đâu cần nó nữa khi chúng ta có thể "giả vờ" rằng mình đang làm điều gì đó "quan trọng" trên chiếc điện thoại, hơn là nói chuyện với nhau. Chính điều này đã giết chết những cuộc trò chuyện. Và nó trở thành một nỗi đau cho toàn xã hội...", Baby Cakes chia sẻ.
"Những người sử dụng thuốc lá, họ biết rằng nó có hại cho sức khỏe nhưng ít nhất, thuốc lá không biến họ thành những kẻ tẻ nhạt, buồn chán. Đã đến lúc, chúng ta cần phải hành động để gạt smartphone ra khỏi cuộc trò chuyện đời thường".
Có lẽ, người ta cần nhiều hơn những quán cà phê như vậy, nhưng thay vào đó sẽ là một tấm biển: "Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau như khi bạn không có smartphone".
Người ta chẳng buồn nói với nhau một câu, mệnh ai nấy lo với chiếc smartphone.
Những cuộc chuyện trò ngày xưa, có chăng ai đã cất vào bảo tàng làm hiện vật trưng bày?
Phát triển là điều cần thiết; nhưng đừng để nó giết chết những nét đẹp của cuộc sống mà chúng ta từng có.
Họ ngồi cạnh nhau, tảng lờ nhau và thả mình trong thế giới của riêng mình với chiếc di động.
Ai cũng tưởng rằng họ đang bận rộn, nhập tâm với chiếc điện thoại lắm nhưng có biết đâu, đó là Facebook, là Twitter hay Instagram.
Ám ảnh smartphone khiến chúng ta như đàn zombie vô hồn.
Hai người yêu nhau mà ngồi cầm điện thoại khi đi hẹn hò, liệu có tuyệt vọng quá không?
"Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau như khi bạn không có smartphone".
Ở đâu cũng là những câu chuyện không lời, nhiều chữ.
Một chuyến tàu buồn bã khi người ta chỉ biết lặng nhìn vào điện thoại.
Rồi có lẽ, người ta sẽ thu tiếng một cuộc trò chuyện, đưa vào bảo tàng với dòng chữ: "Di sản của giao tiếp - tuyệt chủng năm XXXX".