Chủ tịch Asanzo: “Chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp dẫn dắt nhà khởi nghiệp”

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 29/10/2018
Chia sẻ

Dành sẵn quỹ đầu tư 5 triệu đô cho các dự án phù hợp, mục tiêu của Chủ tịch Phạm Văn Tam là dẫn dắt các nhà khởi nghiệp tâm huyết phát triển và trở thành một phần trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tập đoàn Asanzo.

Chủ tịch Asanzo: “Chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp dẫn dắt nhà khởi nghiệp” - Ảnh 1.

Doanh nhân Phạm Văn Tam, chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Asanzo

Vài năm gần đây, bên cạnh việc điều hành và phát triển Asanzo, chủ tịch Phạm Văn Tam cũng dành nhiều thời gian để tiếp xúc với giới startup thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, các hoạt động tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm hay gọi vốn đầu tư. Ông cho biết “Theo quan sát của tôi thì rất nhiều người trẻ đang thiếu đi sự tự tin và tính kiên trì vốn rất quan trọng trong khởi nghiệp. Nhiều bạn lo lắng khi thấy ý tưởng của mình đã có người khác thực hiện thì bỏ luôn ước muốn làm chủ. Có người lại dễ dàng bỏ cuộc sau một vài lần vấp ngã”.

“Ý tưởng chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong thành công của Startup và ngay nay rất khó để chúng ta có một ý tưởng mới mẻ và hoàn toàn khác biệt. Thay vào đó, khả năng cải tiến, tùy biến cho sản phẩm, dịch vụ hay công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng lãnh đạo, điều hành cùng sự kiên trì của nhà sáng lập mới là yếu tố quan trọng giúp một Startup tồn tại và phát triển”.

Người đứng đầu tập đoàn Asanzo cho biết so với thời của mình, hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Hàng loạt các chương trình hỗ trợ, vườn ươm và các chuyên gia, nhà đầu tư sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ đưa ý tưởng của mình vào thực tiễn. Tuy nhiên hiện vẫn còn thiếu một yếu tố rất quan trọng giúp nhà khởi nghiệp có thể tự tin tập trung cho ý tưởng của mình, đó là những doanh nghiệp dẫn dắt.

Chủ tịch Asanzo: “Chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp dẫn dắt nhà khởi nghiệp” - Ảnh 2.

Quỹ đầu tư trị giá 5 triệu USD của ông Tam nhắm đến các Startup liên quan đến Asanzo

Ông Tam giải thích: “Đó là các công ty, tập đoàn hàng đầu có nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường trong các lĩnh vực cụ thể. Họ không chỉ có khả năng tư vấn, đánh giá tiềm năng thành công cho dự án khởi nghiệp mà còn đồng hành cùng startup, hỗ trợ về vốn, cách thức vận hành doanh nghiệp hay tạo dựng hệ thống phân phối, quảng bá cho sản phẩm. Nhờ đó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thất bại, va vấp do thiếu va chạm với thực tế rất thường gặp ở nhà khởi nghiệp tự thân như tôi trước đây”.

Đó cũng là lý do mà năm 2017, chủ tịch Phạm Văn Tam đã lập ra quỹ khởi nghiệp trị giá 5 triệu USD và nhắm tới các dự án tiềm năng có liên quan đến lĩnh vực điện tử và điện thoại thông minh của Asanzo. Ông muốn tập đoàn sẽ là đầu tàu kéo các doanh nghiệp nói trên phát triển nhanh chóng, sớm trở thành một phần trong chuỗi giá trị sản xuất của Asanzo. Trong ngắn hạn là nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm, dài hạn là hướng tới xuất khẩu cũng như nâng tầm ngành sản xuất điện tử của nước ta.

Ông Tam cho biết từ khi công bố, quỹ đầu tư đã nhận được rất nhiều hồ sơ gửi về. Người đứng đầu tập đoàn Asanzo cũng đã gặp gỡ với hàng trăm nhà sáng lập và đồng sáng lập. Tuy nhiên hiện nay, vẫn chưa có dự án nào thực sự thuyết phục được ông rót vốn.

“Nhiều bạn chỉ đến gặp tôi một hai lần, nói chuyện qua loa và khi chưa thể thuyết phục được thì bỏ cuộc, không thấy quay lại. Có bạn đến lúc tôi đang bận và rồi không thể kiên nhẫn chờ đợi tôi. Cũng có dự án tôi phần nào hứng thú và gợi ý các bạn ứng dụng thử vào chính Asanzo thì các bạn lại lưỡng lự và không có câu trả lời cụ thể. Do đó số tiền 5 triệu USD vẫn còn nguyên và chờ đợi những nhà sáng lập có đủ tố chất để sử dụng nó hiệu quả”.

“Tôi không muốn đầu tư và thoái vốn như một số quỹ mà muốn cùng các founder xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Do đó, ngoài rót vốn, tôi sẽ tham gia sâu vào dự án để hướng các bạn vào hệ sinh thái của Asanzo. Bằng kinh nghiệm của mình và sự lớn mạnh của tập đoàn, tôi sẽ giúp các dự án rút ngắn thời gian hoàn thiện, tránh đi những sai lầm cơ bản và nhanh chóng phát triển ổn định”.

Chủ tịch Asanzo: “Chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp dẫn dắt nhà khởi nghiệp” - Ảnh 3.

Mục tiêu của Asanzo là trở thành đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp điện tử, công nghệ Việt Nam tiến ra quốc tế.

Chủ tịch Phạm Văn Tam cũng khuyên các nhà khởi nghiệp trẻ trước khi tìm đến nhà đầu tư cần xác định mình muốn gì. Nếu chỉ startup theo trào lưu hoặc chỉ xem đây là cách để khẳng định mình thì sẽ không thể có đủ ý chí và nghị lực để đi đến thành công cũng như không thể thuyết phục nhà đầu tư “xuống tiền”.

Người đứng đầu Asanzo đã nhiều lần khẳng định mục tiêu của tập đoàn trong 5 năm tới là trở thành tập đoàn điện tử, công nghệ hàng đầu trong nước và xuất khẩu ra châu Á. Để làm được điều này, ông cần xây dựng hệ sinh thái, chuỗi sản phẩm phụ trợ liên kết chặt chẽ với tập đoàn. Do đó, quỹ khởi nghiệp trị giá 5 triệu USD của ông vẫn đang sẵn sàng rót vốn và dẫn dắt cho những startup có cùng mục tiêu cũng như sự kiên trì, quyết để sát cánh cùng Asanzo trên con đường vươn ra thế giới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày