Chia sẻ của "người sống sót" về virus corona: Vào thời điểm đau đớn nhất, tôi đã nghĩ rằng "mình sẽ chết ư?"

Hồng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 01:18 18/02/2020

Nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) tại Trung Quốc sau khi hồi phục vẫn cảm thấy lo lắng về nguy cơ tái nhiễm, theo CNN.

Khi kiến trúc sư 31 tuổi Edison Zhang nhận kết quả chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) - thứ đã cướp đi hàng trăm sinh mạng tại thành phố Vũ Hán của anh - thì điều đầu tiên anh nghĩ tới lại là cảm giác nhẹ nhõm, theo CNN.

Khi những triệu chứng của Zhang ngày càng trở nặng, thì điều tồi tệ nhất là chờ đợi kết quả chẩn đoán, anh này chia sẻ.

"Ban đầu, tôi rất lo lắng và sợ hãi", Zhang nói. Tuy nhiên, khi các bác sĩ xác nhận anh nhiễm virus COVID-19, thì sự lo lắng ấy đã biến mất: "Vào thời điểm đó, tôi biết rằng mình không còn lựa chọn nào ngoài tiếp nhận điều trị".

 Chia sẻ của người sống sót về virus corona: Vào thời điểm đau đớn nhất, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết ư? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: EPA-EFE

Zhang là một trong những người may mắn được xét nghiệm và chẩn đoán theo đúng quy trình. Đã có những báo cáo về tình trạng thiếu hụt các bộ kit xét nghiệm và kết quả không chính xác, dẫn đến sự trì hoãn trong thời gian chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Tính đến sáng ngày hôm nay (17/2), toàn thế giới đã có hơn 71.00 ca nhiễm virus COVID-19 và hơn 1.700 trường hợp tử vong được xác nhận - đa số các trường hợp này là công dân tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh do virus COVID-19 khởi phát.

Tuy vậy, một tín hiệu tích cực là số người được điều trị khỏi và hồi phục cũng tăng lên theo từng ngày. Edison Zhang và Tiger Ye là hai trong số hơn 10.000 người đã hồi phục sau khi được điều trị tích cực.

Câu chuyện của Zhang: Cả gia đình đều lây bệnh

Mặc dù đã hồi phục, nhưng hiện nay Zhang vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày trong một khách sạn do chính quyền địa phương chỉ định ở thành phố Trùng Khánh, nơi anh cùng vợ và bố mẹ vợ đã trải qua kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Vào ngày 22/1, vợ chồng Zhang cùng bố mẹ vợ của anh đã rời Vũ Hán tới Trùng Khánh. Ngày hôm sau, bố vợ Zhang đã phải đến bệnh viện vì có triệu chứng ho.

"Chúng tôi đã một mực yêu cầu bệnh viện xét nghiệm phết dịch mũi họng (nasopharyngeal swab test) cho bố vợ tôi, vì tất cả triệu chứng của ông đều giống [bệnh viêm phổi do virus COVID-19]. Nhưng bệnh viện quận đã từ chối làm xét nghiệm này", Zhang nói.

Vài ngày sau, đến lượt vợ Zhang bị sốt. Vào ngày 30/1, kết quả xét nghiệm dịch mũi họng của vợ Zhang và bố cô ấy đều cho thấy cả hai người đều đã nhiễm COVID-19. Sau đó, cả Zhang và mẹ vợ anh cũng được xác nhận đã nhiễm loại virus này.

"Nếu các bác sĩ sớm làm theo yêu cầu của chúng tôi, thì có lẽ không đến mức cả gia đình tôi đều nhiễm [COVID-19]", Zhang nói.

Gia đình Zhang đã được chẩn đoán tại một bệnh viện cấp quận, tuy nhiên cơ sở này không thể chữa trị cho họ. "Chúng tôi đã được chuyển đến bệnh viện tuyến trên của thành phố... xe cứu thương đã đưa chúng tôi trực tiếp đến đó", Zhang kể lại.

Trong quá trình điều trị, Zhang cho biết anh đã đặt rất nhiều câu hỏi cho các bác sĩ về loại thuốc anh đang sử dụng. Thậm chí anh còn tự tìm kiếm các thông tin trên mạng để so sánh phương pháp điều trị của mình với những bệnh nhân trong đại dịch SARS năm 2003, để đảm bảo rằng loại thuốc anh đang sử dụng không có tác dụng phụ lâu dài.

Vào ngày 9/2, sau khi được bác sĩ cho phép xuất viện, Zhang đã được đưa tới nơi cách ly. Anh được thông báo rằng mọi vật dụng cá nhân của anh như quần áo, sách và các đồ dùng khác sẽ bị tiêu hủy.

Trong khi Zhang và bố vợ anh đã hồi phục, thì vợ và mẹ vợ anh vẫn phải điều trị trong bệnh viện.

Zhang là một trường hợp may mắn, CNN nhận định. Anh còn trẻ, có sức khỏe tốt, chơi bóng rổ và không có tiền sử bệnh, do đó khả năng hồi phục của anh khá cao.

"Sau khi được chẩn đoán, tôi đã kiểm tra số ca tử vong vào thời điểm đó. Tôi phát hiện hầu hết những người tử vong đều là người cao tuổi, và nhiều người còn có tiền sử bệnh. Tôi thì không có bệnh gì cả", Zhang nói.

 Chia sẻ của người sống sót về virus corona: Vào thời điểm đau đớn nhất, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết ư? - Ảnh 3.

Phim X-Quang phổi của Tiger Ye vào thời điểm bệnh trở nặng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Câu chuyện của Ye: "Tôi tưởng đó là bệnh cảm cúm thông thường"

Hiện đang phải cách ly trong một khách sạn ở Vũ Hán, sinh viên 21 tuổi Tiger Ye đang chờ đợi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính để được về nhà.

Ye cần 4 lần xét nghiệm âm tính thì các bác sĩ mới có thể khẳng định cậu đã khỏi hẳn.

Giống như Zhang, Ye vừa hồi phục sau khi nhiễm virus COVID-19 và được điều trị.

Zhang không biết anh đã lây bệnh như thế nào, như Ye cho rằng cậu đã nhiễm loại virus này khi đi học thêm tiếng Nhật ở một trung tâm gần chợ hải sản Vũ Hán - nơi được cho là địa điểm phát tán virus đầu tiên.

"Vào ngày 17/1, khi đang ở trên trường, tôi cảm thấy hơi mệt và đau mỏi. Nhưng tôi chỉ nghĩ đó là bệnh cảm cúm thông thường và tự uống thuốc", Ye nói. Vài ngày sau đó, Ye bắt đầu mất khẩu vị, và đến ngày 21/1, Ye cảm thấy mệt mỏi đến mức không thể ăn hết bữa trưa ngày hôm đó.

Ye đã bắt taxi tới mọt bệnh viện lớn, nhưng đến nơi cậu mới thấy rằng ở đó có rất nhiều người đang lo lắng. "Tình hình hỗn loạn lắm. Có rất nhiều người bệnh có triệu chứng sốt, nên tôi đã đổi địa điểm sang một bệnh viện khác", Ye nói.

Cuối cùng, Ye đã đến một bệnh viện nhỏ hơn. Tại đây, cậu được bác sĩ kê đơn nhưng không nhận được chẩn đoán chi tiết.

Tình trạng của Ye ngày càng nặng hơn, và đến ngày 26/1, cậu bắt đầu sốt cao và những cơn ho kinh khủng. Ye cho biết cậu "cảm thấy lạnh, nhưng cơ thể lại nóng" - Ye vừa sốt trên 39 độ C, vừa bị đau dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy.

Sau lần 2 đến bệnh viện, Ye không thể bắt taxi về nhà bởi Vũ Hán khi đó đã bị phong tỏa. Bố của Ye đã trực tiếp đến đón cậu, và thông báo rằng cậu phải cách ly trong 14 ngày.

Cuối cùng, Ye vẫn phải quay lại bệnh viện. Khi đó, cậu mới chính thức được chẩn đoán nhiễm COVID-19 và được bác sĩ kê thuốc kháng virus HIV để điều trị bệnh.

Sau khi sử dụng thuốc, sức khỏe của Ye bắt đầu hồi phục nhanh chóng, và tới ngày 9/2, cậu đã được đưa đến một khách sạn chỉ định để cách ly. Ye cho biết, thực chất cậu chưa từng phải nằm viện.

"Vào thời điểm đau đớn nhất, tôi đã nghĩ rằng 'mình sẽ chết ư?' Nhưng tôi biết mình cần phải đối mặt và chiến đấu với căn bệnh này", Ye nói.

 Chia sẻ của người sống sót về virus corona: Vào thời điểm đau đớn nhất, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết ư? - Ảnh 4.

Tiger Ye. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trải nghiệm khác nhau của những "người sống sót "

Không phải "người sống sót" nào cũng có trải nghiệm khó khăn và đau đớn như Ye. Chia sẻ tại một cuộc họp báo do chính phủ Trung Quốc tổ chức hôm thứ 6 tuần trước, Li, một nhân viên IT 31 tuổi cho biết cô chỉ có những triệu chứng nhẹ, và cô cảm thấy an toàn sau khi nhập viện.

"Mọi người đừng nên quá sợ hãi trước căn bệnh này. Nếu mọi người nhiễm bệnh, thì tôi mong mọi người hãy tin tưởng vào đất nước, tin tưởng bệnh viện và các bác sĩ", Li nói. "Vì vậy, mọi người hãy đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt nếu thấy có triệu chứng. Chúng ta chắc chắn có thể đánh bại căn bệnh này".

Bác sĩ Xu Bin tại bệnh viện Youan, Bắc Kinh, cho biết các nhân viên y tế đang chữa trị cho bệnh nhân bằng thuốc kháng virus và cả thuốc Trung y cổ truyền. Các bác sĩ đều phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay và khẩu trang y tế N95 chuyên dụng.

Đối với những bệnh nhân đã hồi phục như Zhang và Ye, sự mơ hồ về virus COVID-19 là điều tồi tệ nhất khi họ nhiễm căn bệnh này. Ngay cả khi họ đã hồi phục, thì họ vẫn "nghe nói" những câu chuyện về "bệnh nhân âm tính vẫn có nguy cơ tái nhiễm bệnh", theo lời Zhang.

"Tôi đã xem tin tức, và tôi biết có nguy cơ đó. Tôi không biết liệu điều đó có xảy ra với mình hay không, và tôi cũng hơi lo lắng một chút vì thông tin về dịch bệnh này vẫn chưa rõ ràng. Bạn vẫn chưa thể kết luận một người nào đó đã khỏi bệnh hoàn toàn", Zhang nói.

Cập nhật các thông tin từ tâm dịch Vũ Hán tại đây .

 Chia sẻ của người sống sót về virus corona: Vào thời điểm đau đớn nhất, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết ư? - Ảnh 5.