Theo bố bệnh nhi cho biết, từ khi trẻ còn nhỏ (khoảng 2 tuổi), bé Ph. đã có thói quen bứt tóc bà và mẹ đưa vào miệng ngậm, nhai. Gia đình nghĩ trẻ con hay chơi đùa nên không để ý.
Sáng ngày 28/5, bé kêu đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ kèm nôn ra dịch vàng. Gia đình nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám và điều trị.
Bệnh nhi vào khoa Ngoại tổng hợp trong tình trạng: Tỉnh táo, thể trạng gầy yếu, cân nặng 29kg. Khám lâm sàng thấy bụng mềm, chướng vùng lệch về thượng vị, sờ thấy một khối cứng vùng thượng vị trên rốn chiếm 1/3 ổ bụng, không có phản ứng thành bụng, không có phản ứng phúc mạc. Kết quả siêu âm ổ bụng phát hiện trong dạ dày có khối bã thức ăn lớn rắn chắc. Nội soi dạ dày thấy một khối u tóc lớn bên trong, chiếm gần hết dạ dày nên không thể lấy khối u tóc bằng nội soi thông thường. Chụp CT- Scaner ổ bụng thấy dị vật chiếm gần toàn bộ dạ dày kéo dài đến D3 tá tràng.
1kg tóc được các bác sĩ lấy ra từ bụng trẻ
Sau khi hội chẩn các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Dị vật đường tiêu hoá nghi do hội chứng Rapunzel với hướng xử trí: Phẫu thuật mở dạ dày theo đường dọc thân vị mặt trước dài khoảng 9cm.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, một khối u tóc nặng gần 1kg, kích thước: 40x12x8 cm, giống hình đuôi cá được lấy ra khỏi cơ thể trẻ. Sau phẫu thuật bệnh nhi tỉnh, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Th.Bs Nguyễn Đình Vương - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: "Bệnh nhi mắc phải hội chứng Rapunzel rất hiếm gặp: Người bệnh thường có biểu hiện ăn chính tóc của mình hoặc của người khác, khiến cho tóc bị rối và mắc kẹt trong dạ dày, ruột lâu ngày gây tắc, thủng ruột. Như trường hợp nêu trên, trẻ sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng như: loét dạ dày, vàng da tắc mật, viêm tụy cấp. 85-95% bệnh nhân có biểu hiện: đau bụng, nôn, viêm dạ dày, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy; một số ca thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng hoặc máu và có khoảng 4% tử vong".
Theo bác sĩ Vương, nguyên nhân hội chứng chưa được xác định, có thể là do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần , chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức, hoặc có thể là do thiếu sắt hay mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten). Bệnh được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và điều trị tâm lý, bổ sung vi chất để ngăn ngừa hành vi ăn tóc xảy ra.
Phụ huynh của trẻ mắc hội chứng này cần tham gia điều trị cùng với bác sĩ để trẻ được hỗ trợ, đồng thời cải thiện hành vi "ăn tóc" và giúp trẻ có tinh thần tốt hơn", bác sĩ Vương khuyến cáo.