1 tỷ đồng tiền lương và 350 triệu đồng tiền thuế cho HLV Park
Những thông tin gần đây dự đoán mức lương của HLV Park Hang-seo sẽ được tăng từ 20.000 lên 40.000 – 50.000 USD (khoảng 950 triệu đến 1,1 tỷ đồng). Tạm tính mức lương của HLV Park Hang-seo là 1 tỷ đồng thì VFF đã phải gánh chi phí 12 tỷ đồng tiền lương/năm của vị HLV người Hàn Quốc.
Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Số tiền lương trên là khoản phí trước thuế và VFF phải trả cả tiền thuế cho HLV Park Hang-seo. Nếu tính thuế thu nhập cá nhân 35% (tương ứng với mức lương mới), mỗi tháng VFF sẽ phải chi thêm 350 triệu đồng để chi trả, tức 4,2 tỷ đồng/năm.
Mức lương hiện tại của HLV Park Hang-seo đang là 20.000 USD/tháng (khoảng 230 triệu đồng). Ảnh: Hiếu Lương.
Trên thực tế, VFF còn phải gánh thêm cả tiền cho đội ngũ trợ lý mà HLV Park Hang-seo tuyển mộ sang Việt Nam làm việc cùng. Hiện tại, dưới trướng HLV người Hàn Quốc có 4 trợ lý thường xuyên làm việc cùng là ông trợ lý HLV Lee Young-jin, Kim Han-yoon, HLV thể lực Park Sung-gyun và phiên dịch Hàn – Anh Kim Tae-hoon. 3 trợ lý làm theo thời vụ là bác sĩ Choi Ju-young, trợ lý Lee Tae-hoon (HLV trưởng CLB HAGL) và trợ lý ngôn ngữ Hàn – Việt Lê Huy Khoa.
Với tổng cộng 7 trợ lý, số tiền VFF phải trả cho đội ngũ này mỗi tháng được tiết lộ ở mức 20.000 USD/tháng. Việc gia hạn với HLV Park Hang-seo cũng kéo theo những bản hợp đồng mới của các trợ lý HLV này. 30.000 USD/tháng (khoảng 690 triệu đồng) là con số mà VFF có thể phải tính đến.
Tính tổng tất cả các khoản, nếu ký hợp đồng 1 tỷ đồng/tháng với HLV Park Hang-seo, tiền lương cho các trợ lý, VFF sẽ phải chi ra khoảng 24 tỷ đồng chỉ để thanh toán lương cho đội ngũ ban huấn luyện của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam.
VFF không chỉ phải tính toán tiền lương của HLV Park Hang-seo mà còn đó chi phí cho đội ngũ trợ lý khoảng 7 người của vị HLV người Hàn Quốc, trong đó quan trọng nhất là ông Lee Young-jin. Ảnh: Incheon United.
Giải pháp của VFF
Con số trên có thể là nhỏ bé với nhiều nền bóng đá nhưng với Việt Nam đó là con số rất lớn. Để tiện so sánh, một CLB ở V.League có kinh phí hoạt động mỗi năm trung bình khoảng 30 tỷ đồng. Con số ấy chỉ lớn hơn số tiền dự đoán phải trả cho bộ sậu của HLV Park Hang-seo 6 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Đại hội VFF khoá VIII diễn ra vào tháng 12/2018, tổng nguồn thu của VFF trong năm 2017 là 151 tỷ đồng, vẫn âm 6 tỷ đồng so với tổng chi. Con số này trong năm 2018 và 2019 vẫn sẽ chỉ dao động ở khoảng này.
24 tỷ đồng của HLV Park Hang-seo và các cộng sự chiếm 16% nguồn thu của VFF. Hai năm trước tiền lương tổng này chỉ chiếm khoảng 8%. Hai năm qua, bầu Đức là người chi trả tiền lương cho HLV Park Hang-seo và gánh nặng được giảm chi nhiều phần, còn hiện tại mọi thứ đã khác.
Hình ảnh của đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam và HLV Park Hang-seo là những yếu tố có thể đem về nguồn thu cho VFF. Vấn đề này lại phụ thuộc vào đội ngũ truyền thông, tài chính và vận động tài trợ của Liên đoàn. Ảnh: Hiếu Lương.
VFF không chỉ có đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Họ còn một loạt những đội tuyển, đội tuyển trẻ của cả nam và nữ. Ngoài ra, những lần tổ chức sự kiện thể thao, những giải trẻ và các lần tập huấn cũng ngốn không ít tiền của trong bối cảnh các nhà tài trợ vẫn chỉ muốn tập trung vào đội tuyển nam quốc gia.
VFF tính đến phương án nhờ Tổng cục Thể dục Thể thao hỗ trợ một phần kinh phí nhưng mỗi năm đơn vị này cũng dành cho VFF khoảng 10 tỷ đồng. Một phương án nữa được đưa ra là xin Bộ Tài chính miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho HLV Park Hang-seo và các cộng sự, điều đã từng được VFF gửi Bộ nhiều lần ở các đời HLV ngoại trước đây.
Tuy nhiên, lãnh đạo VFF vẫn tập trung tối đa vào việc đi tìm nhà tài trợ, tìm thêm nguồn thu để san sẻ gánh nặng tài chính. Khi đó, vai trò của những bộ phận như truyền thông, tài chính và vận động tài trợ sẽ bắt buộc phải đẩy mạnh. Giá trị của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam đang ở một vị thế khác nhưng chưa được khai thác đúng so với tiềm năng.