Thừa Thừa 6 tuổi sống tại Quý Châu (Trung Quốc) được bố mẹ đưa đi du lịch vào kỳ nghỉ hè. Cậu bé thích biển nên cả gia đình quyết định tới Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc). Chuyến đi rất vui nhưng sau khi về nhà vài ngày, Thừa Thừa bắt đầu có biểu hiện lạ và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Mẹ Thừa Thừa kể lại, biểu hiện bất thường đầu tiên sau chuyến du lịch khoảng 3 ngày là cậu bé sốt cao. Bà cho rằng bé cảm lạnh nên cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Khi cậu bé sốt trên 39 độ 2 ngày liền, gia đình vội vã đưa cậu đến cơ sở y tế cấp quận.
Tại đây, các bác sĩ cho rằng Thừa Thừa bị viêm amidan và kê đơn thuốc. Uống thuốc 2 ngày không thấy khả quan, bà tiếp tục đưa con trở lại bệnh viện. Nhiều xét nghiệm đã được thực hiện, chúng chỉ ra chức năng gan và các chỉ số khác của Thừa Thừa đều bình thường, phát hiện thêm viêm phế quản ở phổi.
Những ngày tiếp theo, dù đã dùng thuốc, truyền dịch tĩnh mạch nhưng cơn sốt của cậu bé không thể giảm, ngày càng đau đầu. Vì vậy Thừa Thừa được chuyển đến Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Quý Châu, Trung Quốc) để kiểm tra sâu hơn. Vài ngày sau, khi phát hiện dấu hiệu viêm màng não, Thừa Thừa tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện nhi trung ương Quý Dương (Quý Châu, Trung Quốc) ngay trong đêm.
Trong khi người cha còn đang làm thủ tục, Thừa Thừa lên cơn đau đầu dữ dội rồi co giật, sau đó rơi vào hôn mê. Cậu bé lập tức được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. Bác sĩ cho biết có một chất dịch đục không rõ nguồn gốc tích tụ ở phía sau não của Thừa Thừa, nhiều mô não bị tổn thương lỗ chỗ giống như bã đậu phụ. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy Thừa Thừa bị viêm não u hạt do nhiễm Acanthamoeba.
Acanthamoeba là một loại amip gây viêm não và viêm giác mạc. Khác với “amip ăn não” Naegleria fowleri được nhiều người biết đến, Acanthamoeba có mặt trong đất, nước ngọt và nước mặn, không khí khắp nơi trên thế giới. Trong khi Naegleria fowleri ở khắp nơi trên thế giới, trong đất, trong nước ngọt (ao, hồ, sông, nước máy, nước giếng...) nhưng không tìm thấy trong nước biển.
Amip Naegleria fowleri thì ưa nhiệt, phát triển tốt ở nhiệt độ cao tới 45 độ C và tồn tại được từ nhiệt độ 4 độ C. Ngược lại amip Acanthamoeba mà Thừa Thừa nhiễm phải có thể bị ức chế ở nhiệt độ cao 35 - 39 độ C.
Bác sĩ của Thừa Thừa cho biết, cậu bé bị nhiễm Acanthamoeba do sặc nước biển, uống phải nhiều nước biển ở vùng ô nhiễm. Ông cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều người nhiễm amip này và nó có thể được phát hiện ở dịch hầu họng của người bình thường, tỷ lệ người có kháng thể với amip tới 50 - 100%. Những người không có hoặc ít kháng thể với Acanthamoeba mới dễ gặp nguy hiểm bởi loại ký sinh trùng đơn bào này nhất. Có thể kể đến như:
- Người bị suy giảm miễn dịch.
- Trẻ em suy dinh dưỡng.
- Người còn rất trẻ hoặc đã già (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi).
Nhiễm Acanthamoeba khó chẩn đoán chính xác ngay ở giai đoạn đầu do kháng thể có thể xuất hiện ở người bình thường, chủ yếu chẩn đoán bằng sinh thiết não. Ngoài ra, còn do “amip ăn não” dù là Naegleria fowleri hay Acanthamoeba sau khi xâm nhập cơ thể thường nằm im 3 - 5 ngày, tiến triển âm thầm. Sau đó mới bắt đầu bùng phát và nhanh chóng phá hủy hệ thống miễn dịch, xuất hiện tổn thương thần kinh khu trú.
Thời gian bệnh của amip viêm não u hạt Acanthamoeba trung bình 39 ngày. Chúng có đặc tính hướng thần kinh nên khi xâm nhập vào cơ thể sẽ bò dọc theo dây thần kinh và vào mô não, gây nhiễm trùng thần kinh nghiêm trọng, cho đến khi hôn mê và tử vong. Khi một người bị nhiễm Acanthamoeba, tỷ lệ tử vong lên tới hơn 95% và hiện chưa có thuốc đặc trị.
Với trường hợp của Thừa Thừa, dù đã được đội ngũ y bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện nhi trung ương Quý Dương cứu chữa nhưng rất khó để duy trì mạng sống. Thời điểm nhập viện, cậu bé đã mất hoàn toàn ý thức, tăng áp lực nội sọ, suy hô hấp và được thông báo có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Bố mẹ của Thừa Thừa chứng kiến con trai nhỏ như vậy không chỉ đổ bệnh mà còn suy sụp tinh thần vì liên tục tự trách mình. Họ không thể chấp nhận rằng mình có thể mất con trai chỉ sau một lần đưa con đi du lịch. Họ cũng gửi lời cảnh báo tới tất cả mọi người, nhất là các gia đình có con nhỏ, người lớn tuổi cẩn trọng hơn khi đi du lịch ngoài trời.
Nguồn và ảnh: NetEase Health, Sohu