Cặp vợ chồng trẻ suýt trả giá đắt vì tin lời chẩn đoán bệnh từ “bác sĩ AI”

PV, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 11:02 03/04/2025
Chia sẻ

Sự tin tưởng tuyệt đối vào chẩn đoán của AI đã khiến một cặp vợ chồng thuộc thế hệ 9X phải chứng kiến tình trạng bệnh tình của con mình trở nên trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển vũ bão, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực chẩn đoán y tế đang trở thành một xu hướng nổi bật tại Trung Quốc. Sự xuất hiện của DeepSeek đã tạo nên một làn sóng "có bệnh hỏi AI", kéo theo sự ra đời và phổ biến của hàng loạt ứng dụng y tế dựa trên AI, từ sàng lọc ung thư, chẩn đoán lao phổi đến robot phẫu thuật.

Tuy nhiên, gần đây, một sự việc đáng tiếc đã làm dấy lên những lo ngại trong dư luận.

Thông tin trên tờ Hoa học trò, một cặp vợ chồng trẻ, thuộc thế hệ 9X, khi thấy con mình liên tục ho và sốt, đã sử dụng một ứng dụng AI trên điện thoại để tự chẩn đoán bệnh cho con. Kết quả mà AI đưa ra là đứa trẻ chỉ mắc "nhiễm trùng đường hô hấp thông thường".

Cặp vợ chồng trẻ suýt trả giá đắt vì tin lời chẩn đoán bệnh từ “bác sĩ AI”- Ảnh 1.

Việc sử dụng AI để tự chẩn đoán bệnh mà không có kiến thức y khoa có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa.

Cặp vợ chồng nọ, tin tưởng tuyệt đối vào công nghệ, đã tự ý mua thuốc và điều trị cho con tại nhà theo hướng dẫn của AI. Hậu quả là, tình trạng sức khỏe của đứa trẻ ngày càng xấu đi, và khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ kết luận em bé bị viêm phổi do virus.

Sự việc này đã làm dấy lên những lo ngại trong giới chuyên môn. Nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro khi quá phụ thuộc vào chẩn đoán của AI. Họ nhấn mạnh rằng, mặc dù AI có thể đóng vai trò hỗ trợ trong nhiều khâu của quá trình chẩn đoán và điều trị, nhưng không thể thay thế hoàn toàn được chuyên môn của con người. Đặc biệt, việc sử dụng AI để tự chẩn đoán bệnh mà không có kiến thức y khoa có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vụ việc đã gây ra một làn sóng tranh luận mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người dùng mạng đã bày tỏ quan điểm của mình, trong đó có những ý kiến đáng chú ý như: "Ngay cả trong công việc, AI cũng không thể giải quyết mọi thứ, mà vẫn cần đến khả năng phán đoán của con người. Điều này cũng đúng trong lĩnh vực y tế" hay "Nếu không có kiến thức y học cơ bản, thì dù AI có thông minh đến đâu, cũng không thể được sử dụng một cách chính xác".

Trước đó, vào hồi đầu tháng 3, cơ quan y tế tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc đã ban hành một thông báo, trong đó nêu rõ việc cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo đơn thuốc. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh làn sóng ứng dụng AI đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ ở nước này, sau tiếng vang của DeepSeek.

Thông báo do Cục An sinh Y tế tỉnh Hồ Nam ban hành, trong đó nêu rõ tất cả các cơ sở y tế chỉ định phải tích hợp đầy đủ với nền tảng lưu thông đơn thuốc điện tử của tỉnh.

Thông báo cũng nghiêm cấm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động tạo đơn thuốc. Các bệnh viện Internet phải tích hợp hệ thống với trung tâm kê đơn điện tử của bảo hiểm y tế tỉnh và chuyển đơn thuốc điện tử theo quy định. Các bác sĩ được yêu cầu phải tham vấn kỹ lưỡng - với bệnh nhân hoặc người nhà của họ - trước khi kê đơn thuốc.

Thông báo này đã ngay lập tức tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi về việc cấm sử dụng đơn thuốc AI trên mạng xã hội nước này, sau khi việc tư vấn y tế trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và không ít các bác sĩ phàn nàn việc có bệnh nhân mang theo kết quả chẩn đoán và đơn thuốc do DeepSeek tạo ra khi đến khám bệnh.

Cặp vợ chồng trẻ suýt trả giá đắt vì tin lời chẩn đoán bệnh từ “bác sĩ AI”- Ảnh 2.

Một bác sĩ cung cấp dịch vụ điều trị trực tuyến cho bệnh nhân. Ảnh: China News Service

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Hồ Nam không phải là tỉnh đầu tiên cấm đơn thuốc do AI tạo ra ở Trung Quốc. Từ năm 2022, Bắc Kinh, Thượng Hải và Phúc Kiến đã lần lượt ban hành các lệnh cấm tương tự.

Chuyên gia y tế nước này cho rằng, không thể phủ nhận AI có giá trị to lớn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho con người, thâm chí có thể là một trợ thủ đắc lực. Tuy nhiên, quyền kê đơn có ý nghĩa pháp lý và chính sách cấm tạo đơn thuốc bằng AI là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia cũng khẳng định, phán đoán chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng của các bác sĩ là điều không thể thay thế trong quá trình chẩn đoán y khoa. “Bác sĩ AI” trước hết là một cỗ máy, không phải là con người, nên không thể có quyền kê đơn.

Nếu AI được phép tạo ra đơn thuốc, sẽ rất khó quyết định ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai nạn y tế. Việc cấm AI kê đơn thuốc khiến trách nhiệm trở nên rõ ràng hơn, đòi hỏi các bác sĩ phải thận trọng và có trách nhiệm hơn trong quá trình hành nghề, cũng như bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bệnh nhân, theo VOV.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày