7 kiểu tiết kiệm trong bếp được ít mà mất nhiều, ung thư lúc nào không biết

Ngọc Ái, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn 08:32 03/04/2025
Chia sẻ

Tiết kiệm là đức tính tốt nhưng nếu tiết kiệm sai cách, nhất là trong ăn uống thì không chỉ gây hại cho bản thân mà còn có thể ảnh hưởng xấu tới cả gia đình.

Zhong Nanshan - một học giả của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc gần đây đã đưa ra cảnh báo về tiết kiệm sai cách trong bếp. Bởi vì những thói quen tưởng chừng như vô hại, thậm chí nghe qua thì rất tốt nhưng thực tế lại phải đánh đổi bằng sức khỏe bản thân và cả gia đình. Trong đó có 7 kiểu tiết kiệm cực phổ biến nhưng dễ dẫn tới bệnh tật, nhất là ung thư sau đây:

1. Tái sử dụng dầu ăn nhiều lần

7 kiểu tiết kiệm trong bếp được ít mà mất nhiều, ung thư lúc nào không biết- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dầu ăn sau khi chiên rán ở nhiệt độ cao sẽ biến đổi, tạo ra các chất độc hại như acrylamide và aldehyde, có thể gây ung thư nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể. Dầu tái sử dụng cũng chứa nhiều gốc tự do, gây viêm nhiễm, làm tổn thương gan, mạch máu và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Nếu dầu đã sẫm màu, có mùi khét, hãy bỏ ngay thay vì cố dùng lại để tiết kiệm.

2. Thường xuyên ăn đồ thừa để qua đêm

Thức ăn thừa để qua đêm, đặc biệt là trong điều kiện nhiệt độ phòng, dễ bị nhiễm khuẩn và sinh độc tố aflatoxin – một chất có thể gây ung thư gan. Ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh, một số món ăn như canh rau, trứng, hải sản có thể biến chất, sinh nitrit – hợp chất có thể chuyển hóa thành nitrosamine, một tác nhân gây ung thư dạ dày.

3. Dùng đũa, thớt bị mốc

Đũa và thớt gỗ bị mốc là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và nấm độc phát triển. Nấm mốc này có thể sinh aflatoxin, một trong những chất gây ung thư mạnh nhất, đặc biệt ảnh hưởng đến gan. Dù rửa sạch hay phơi nắng, độc tố vẫn có thể tồn tại. Nếu thấy đũa hay thớt có dấu hiệu mốc, đổi màu, hãy thay ngay thay vì cố dùng tiếp.

4. Cắt bỏ phần nấm mốc, hư hại của thực phẩm rồi ăn tiếp

7 kiểu tiết kiệm trong bếp được ít mà mất nhiều, ung thư lúc nào không biết- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhiều người có thói quen cắt bỏ phần mốc trên bánh mì, trái cây hay thực phẩm khô rồi tiếp tục ăn phần còn lại. Tuy nhiên, nấm mốc không chỉ tồn tại trên bề mặt mà còn có thể ăn sâu vào bên trong, sinh ra các độc tố vô hình gây hại cho gan và hệ tiêu hóa. Việc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm mốc lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gan mãn tính và ung thư gan.

5. Dùng hộp nhựa cũ bị ố vàng

Hộp nhựa sử dụng lâu năm, đặc biệt là loại kém chất lượng, có thể bị phân hủy và giải phóng các hóa chất độc hại như bisphenol A (BPA) và phthalates. Những chất này có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến nội tạng và làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Khi thấy hộp nhựa bị ố vàng, trầy xước nhiều, hãy thay thế bằng hộp thủy tinh hoặc inox để bảo vệ sức khỏe.

6. Không dùng máy hút mùi hoặc tắt ngay sau khi nấu

Nhiều người cho rằng mở cửa sổ là đủ để thông gió khi nấu ăn, nhưng thực tế, khói dầu, khí CO và các chất độc sinh ra trong quá trình đun nấu có thể tích tụ trong không gian bếp. Hít phải các khí này trong thời gian dài có thể gây viêm phổi, tổn thương phổi và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Nếu có máy hút mùi, hãy sử dụng đúng cách và để chạy thêm vài phút sau khi nấu để loại bỏ hoàn toàn khí độc.

7. Dùng nồi, chảo chống dính đã bong tróc

7 kiểu tiết kiệm trong bếp được ít mà mất nhiều, ung thư lúc nào không biết- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chảo chống dính khi bị bong tróc có thể giải phóng các hạt vi nhựa và hóa chất độc hại như PFOA (perfluorooctanoic acid) – một chất liên quan đến ung thư thận, ung thư tinh hoàn và rối loạn nội tiết. Khi lớp chống dính bị trầy xước, những mảnh nhỏ có thể lẫn vào thức ăn mà bạn không nhận ra. Để đảm bảo an toàn, nếu chảo chống dính bị bong, hãy thay ngay bằng chảo inox hoặc gang chất lượng cao.

Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày