Một vụ việc thương tâm xảy ra gần đây tại Trung Quốc khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi bàng hoàng, phải nhìn lại chính mình. Một bé trai 3 tuổi đã tử vong chỉ vì một thói quen phổ biến: ép con ăn khi trẻ không muốn.
Ảnh minh họa
Theo lời kể của người mẹ, cậu bé vốn hiếu động, nghịch ngợm nhưng thường mất nhiều thời gian khi ăn uống. Người mẹ dù bận rộn nhưng vẫn luôn rất nhẫn nại mỗi khi cho con ăn. Trong khi người bố thì khá nóng tính, ít khi chăm sóc con.
Hôm xảy ra sự việc, người mẹ có việc đột xuất nên nhờ chồng cho con ăn. Tuy nhiên, cậu bé không chịu ăn mà còn nghịch ngợm, làm đổ bát cơm xuống sàn. Quá tức giận, người cha không chỉ quát mắng mà còn đánh con. Khi thấy cậu bé vẫn khóc và không chịu ăn, anh tiếp tục ép con ăn từng muỗng lớn, vừa ăn vừa khóc.
Khi người mẹ trở về thì thấy con trai có biểu hiện bất thường giống như bị nghẹn. Sau đó, cậu bé bắt đầu đỏ bừng mặt, mắt trợn trừng, ôm cổ họng, thở dốc. Hốt hoảng, hai vợ chồng lập tức đưa con đến bệnh viện. Tuy nhiên, bác sĩ thông báo cậu bé đã ngừng thở. Nguyên nhân là do thức ăn đã lọt vào khí quản, chặn đường thở, dẫn đến nghẹt thở.
Người mẹ gào khóc trong đau đớn và liên tục trách móc chồng. Còn người chồng, anh để mặc cho vợ trút giận, chỉ biết ngồi sụp xuống khóc trong sự hối hận tột cùng.Chỉ một phút nóng giận, một hành động thiếu hiểu biết đã cướp đi mạng sống của con trai họ mãi mãi.
Trên thực tế, hành động của người bố trong câu chuyện trên không hề khó bắt gặp mà còn khá phổ biến. Theo các chuyên gia, dù xuất phát từ sự lo lắng cho con hay nóng giận vì con lười ăn thì đây đều là hành động rất nguy hiểm.
Khi một đứa trẻ khóc trong lúc ăn, nguy cơ thức ăn lọt vào khí quản rất cao. Khi bị sặc, nếu không được sơ cứu kịp thời, trẻ có thể rơi vào tình trạng ngừng thở chỉ trong vài phút. Việc cha mẹ ép con ăn không chỉ gây nguy hiểm tức thời mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và sức khỏe:
- Nguy cơ hóc dị vật, nghẹt thở: Trẻ nhỏ có đường thở hẹp, nếu ăn trong tình trạng khóc hoặc bị ép nuốt nhanh, thức ăn dễ đi lạc vào khí quản, gây tắc nghẽn.
- Tổn thương tâm lý: Trẻ bị ép ăn thường có tâm lý sợ hãi, ám ảnh mỗi khi đến bữa ăn, dẫn đến chán ăn, biếng ăn kéo dài.
- Rối loạn tiêu hóa: Khi bị ép ăn quá mức, dạ dày phải làm việc quá tải, dễ gây nôn trớ, đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Ảnh minh họa
Để tránh gặp phải bi kịch không thể vãn hồi giống như cậu bé vừa kể trên, có một số điều phụ huynh cần chú ý như:
- Không ép trẻ ăn khi không muốn: Nếu con từ chối ăn, hãy tạm ngưng và thử lại sau một thời gian. Không nên quát mắng, dọa nạt hay dùng vũ lực.
- Quan sát dấu hiệu trẻ no hay đói: Trẻ nhỏ có cơ chế tự điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Đừng ép con ăn chỉ vì sợ con thiếu chất.
- Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn: Biến bữa ăn thành khoảng thời gian thư giãn thay vì căng thẳng, áp lực.
- Biết cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật: Học cách vỗ lưng, ép ngực đúng kỹ thuật để sơ cứu trẻ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
Câu chuyện này cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc cha mẹ về thói quen ép con ăn uống. Hãy học cách kiên nhẫn, thấu hiểu và học cách chăm sóc con một cách an toàn hơn.
Nguồn và ảnh: Sanook, QQ