Cặp vợ chồng tiểu ra máu, nhập viện cấp cứu vì 1 “đặc sản” trên đường dịp hậu Tết

Ngọc Ái, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 07:06 03/02/2025
Chia sẻ

Món “đặc sản” này hậu Tết nào cũng có nhưng chẳng ai mong. Không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.

Ùn tắc giao thông từ lâu đã là “đặc sản” quen thuộc mỗi dịp hậu Tết. Bởi vì người người, nhà nhà lật đật đổ xô ra đường, quay trở lại các thành phố lớn để làm việc. Tắc đường không chỉ gây khó chịu, lỡ dở các kế hoạch mà còn có thể dẫn đến những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng mà ít ai ngờ tới. Giống như trường hợp một cặp vợ chồng ở Đài Loan (Trung Quốc) phải nhập viện cấp cứu vì nhịn tiểu suốt 7 giờ trên đường từ quê nhà Đài Bắc trở lại Cao Hùng sau khi hết kỳ nghỉ Tết.

Cặp vợ chồng tiểu ra máu, nhập viện cấp cứu vì 1 “đặc sản” trên đường dịp hậu Tết- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Con trai của cặp vợ chồng này là anh Ngô, gần 40 tuổi. Anh kể lại, sau 7 tiếng nhịn tiểu vì tăc đường, bố anh bị sưng bàng quang, đau đớn và không thể đi tiểu, chỉ rỉ ra 1 chút máu. Còn mẹ anh bị tiểu buốt, tiểu ít và có máu trong nước tiểu. Cuối cùng, cả hai phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ chẩn đoán người cha bị bí tiểu cấp tính do phì đại tuyến tiền liệt, phải đặt ống thông tiểu để giải phóng nước tiểu. Trong khi đó, người mẹ bị viêm bàng quang và niệu đạo, cần dùng kháng sinh để điều trị. Kỳ nghỉ đáng lẽ vui vẻ của họ đã bị phá hỏng chỉ vì “đặc sản” tắc đường.

Những tác hại của nhịn tiểu tới sức khỏe

Bác sĩ Cai Shuwei, Trưởng khoa Tiết niệu của Bệnh viện Cathay (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, việc nhập viện khi nhịn tiểu do tắc đường mỗi dịp lễ, Tết vô cùng phổ biến. Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán khi lượng người di chuyển giữa các thành phố, vùng được ví như những cuộc “đại di cư” hàng năm.

Ông cũng nhắc nhở 4 tác hại nổi bật của việc nhịn tiểu lâu, bao gồm:

Gây bí tiểu cấp và suy yếu bàng quang

Khi nhịn tiểu, bàng quang phải căng giãn quá mức để chứa nước tiểu, khiến các cơ bị kéo căng liên tục. Lâu dần, khả năng đàn hồi của bàng quang suy giảm, dẫn đến bí tiểu hoặc mất cảm giác buồn tiểu. Ở người có bệnh lý như phì đại tuyến tiền liệt, điều này càng nguy hiểm hơn, có thể gây bí tiểu cấp, đau đớn và buộc phải thông tiểu.

Dễ gây viêm nhiễm đường tiết niệu

Nhịn tiểu làm nước tiểu bị ứ đọng lâu trong bàng quang, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm bàng quang và niệu đạo. Biểu hiện thường gặp là tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục hoặc có máu. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan lên thận, gây viêm thận nghiêm trọng.

Nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu

Nước tiểu bị giữ lại lâu có thể kết tinh thành sỏi trong bàng quang hoặc niệu quản. Sỏi tiết niệu không chỉ gây đau đớn mà còn có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, gây bí tiểu và nhiễm trùng nặng.

Ảnh hưởng đến chức năng thận

Nếu bàng quang bị căng quá mức trong thời gian dài, nước tiểu có thể trào ngược lên thận, làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận. Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến suy thận mạn tính.

Cách phòng tránh tác hại của nhịn tiểu khi đi đường xa

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc, cũng là lúc những cuộc “đại di cư” diễn ra và lưu lượng người đổ về các thành phố lớn tăng gấp nhiều lần. Đối mặt với “đặc sản” tắc đường dịp này, bác sĩ Cai Shuwei đưa ra một số gợi ý để phòng/ giảm thiểu tác hại của nhịn tiểu khi đi đường xa như:

- Kiểm soát lượng nước uống: Tránh uống quá nhiều nước trong vòng 2 giờ trước khi khởi hành, đặc biệt là các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, nước có ga.

- Đi vệ sinh ngay khi có thể: Trước khi lên xe, hãy đi vệ sinh. Nếu thấy trạm dừng chân, cây xăng hoặc nhà vệ sinh công cộng, hãy tranh thủ đi tiểu để tránh nhịn quá lâu.

- Không uống đồ uống lợi tiểu như cà phê, trà và cola. Những đồ uống có chứa caffeine này sẽ khiến bạn cảm thấy buồn tiểu nhanh hơn.

Cặp vợ chồng tiểu ra máu, nhập viện cấp cứu vì 1 “đặc sản” trên đường dịp hậu Tết- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Chuẩn bị dụng cụ đi vệ sinh khẩn cấp: Đối với những chuyến đi dài hoặc nơi có ít nhà vệ sinh, có thể chuẩn bị chai rỗng, túi đựng nước tiểu hoặc tã dành cho người lớn để sử dụng khi cần.

- Người mắc bệnh tuyến tiền liệt cần uống thuốc đúng giờ: Những người đang điều trị bệnh lý tuyến tiền liệt cần tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc để tránh tình trạng bí tiểu.

Nguồn và ảnh: ETtoday, QQ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày