Cáp quang IA, APG gặp sự cố: Các nhà mạng làm gì để đảm bảo kết nối Internet quốc tế?

Vân Anh, Theo ICTNews 00:14 10/01/2021

Viettel, VNPT và FPT là những nhà mạng đang sử dụng nhiều dung lượng trên 2 tuyến cáp biển IA, APG hơn cả. Để hạn chế ảnh hưởng từ sự cố trên 2 tuyến cáp quang biển này, các nhà mạng đều đã triển khai phương án chuyển hướng lưu lượng.

Như ICTnews đã đưa tin , vào các ngày 1/1 và 9/1/2021, hai tuyến cáp quang biển quốc tế Liên Á (Intra Asia - IA) và Asia Pacific Gateway (APG) đã lần lượt gặp sự cố.

Trong đó, sự cố xảy ra lúc 12h52 ngày 1/1/2021 trên tuyến cáp IA được xác định là do lỗi cáp trên phân đoạn 1, cách trạm cập bờ tại Singapore của tuyến cáp khoảng 49 km. Sự cố gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng kết nối hướng Singapore.

Cáp quang IA, APG gặp sự cố: Các nhà mạng làm gì để đảm bảo kết nối Internet quốc tế? - Ảnh 1.

IA và APG là hai trong năm tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với ba tuyến cáp biển khác là AAG, AAE-1 và SMW3. (Ảnh minh họa)

Với sự cố mới xảy ra trên tuyến cáp APG vào sáng ngày 9/1/2021, theo thông tin mới nhất, tuyến cáp bị đứt trên nhánh S3, làm gián đoạn thông tin trên hướng kết nối đi Hong Kong, Nhật Bản.

Thông tin từ VNPT cho hay, ngay sau khi xảy ra sự cố, VNPT Net và các VNPT tỉnh, thành phố trên cả nước đã khẩn trương tiến hành cân tải qua các hướng cáp quốc tế khác để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng.

Tương tự, với CMC Telecom, đại diện nhà mạng này cho biết: “Chúng tôi đã chủ động chuyển sang các hướng cáp khác, gồm cả hướng cáp xuyên Đông Nam Á (A-Grid), kết nối Internet từ Việt Nam qua các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore”.

Cáp quang IA, APG gặp sự cố: Các nhà mạng làm gì để đảm bảo kết nối Internet quốc tế? - Ảnh 2.

Để đảm bảo chất lượng kết nối cho dịch vụ truy cập Internet quốc tế, Viettel dự kiến bổ sung khoảng 800 Gbps cho tuyến cáp AAE-1 và 300 Gbps cho tuyến APG hướng đi Singapore. “Ngay sau khi xảy ra sự cố, Viettel đã tiến hành phương án điều chuyển lưu lượng sang các hướng đang hoạt động bình thường như cáp đất liền, cáp biển AAG, AAE-1 và APG nhánh đi Singapore có trạm cập bờ tại Vũng Tàu”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện nhà mạng Viettel, quá trình phân bổ, điều chuyển lưu lượng quốc tế giữa các tuyến cáp được hệ thống của Viettel thực hiện tự động để kịp thời duy trì chất lượng dịch vụ cho khách hàng Viettel và cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế trên các tuyến cáp biển này.

“Tuy nhiên, việc sự cố đồng thời trên 2 tuyến cáp biển cũng có thể khó tránh khỏi hiện tượng chập chờn vào các khung giờ cao điểm (20h - 22h)”, Viettel lưu ý.

Đại diện Viettel còn khẳng định rõ, các sự cố trên cáp quang biển quốc tế không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng các nền tảng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ (Server) đặt tại Việt Nam. Bởi lẽ, các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước, không phụ thuộc vào đường cáp quang biển quốc tế.

Trên thực tế, việc các tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố khá thường xuyên, do đó không chỉ Viettel, VNPT và CMC mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước đều luôn dự phòng và khá quen thuộc với tình huống phải triển khai các phương án ứng phó, khắc phục sự cố cáp biển.

Ghi nhận từ người dùng cũng cho thấy, trong bối cảnh 2 tuyến cáp IA và APG cùng gặp sự cố, việc truy cập các trang mạng và ứng dụng trong nước không bị ảnh hưởng. Trong khi dịch vụ quốc tế của những ông lớn như Google, Facebook, người dùng vẫn sử dụng được thì nhiều trang web, dịch vụ quốc tế khác vẫn bị khó truy cập.

Cáp quang IA, APG gặp sự cố: Các nhà mạng làm gì để đảm bảo kết nối Internet quốc tế? - Ảnh 3.

Được biết, một nhiệm vụ trọng tâm Trung tâm Internet Việt Nam được Bộ TT&TT giao chủ trì là xây dựng phương án đảm bảo hoạt động liên tục của Internet Việt Nam trong tình huống mất kết nối với quốc tế.

Trao đổi với ICTnews bên lề sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2020 diễn ra hồi trung tuần tháng 12, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết nhiệm vụ này đã được Trung tâm cơ bản hoàn thành, từ cả phương án nhỏ nhất đến phương án lớn nhất.

Một phần của nhiệm vụ trên đã được VNNIC thực hiện trong năm 2020, đó là đưa hệ thống máy chủ tên miền gốc – ROOT DNS về Việt Nam để góp phần đảm bảo rằng hoạt động của Internet Việt Nam hoàn toàn không phụ thuộc vào mạng quốc tế. Nhờ vậy, thời gian truy vấn tên miền nói chung và truy vấn tên miền ".VN" trong nước giảm trung bình ít nhất 5 lần, qua đó làm tăng tốc độ truy cập các dịch vụ sử dụng tên miền Internet tại Việt Nam.

"Chúng ta xác định rằng Internet là phải hội nhập. Chúng ta phải kết nối liên thông toàn cầu nhưng vẫn cần có sự độc lập nhất định trong một số tình huống nhất định có thể là khách quan, chủ quan. Vì vậy, cần có kế hoạch xây dựng hệ thống kỹ thuật để đảm bảo rằng Internet hoạt động độc lập được, không phụ thuộc vào mạng quốc tế. Ví dụ như, đứt cáp quang biển là một tình huống khách quan, mạng của chúng ta có thể hoạt động độc lập được", ông Thắng phân tích.