Cảnh giác với thực phẩm độc hại dịp Tết

Hà Minh, Theo Tiền phong 19:02 31/01/2024
Chia sẻ

Những ngày cận Tết, nguồn thực phẩm từ các tỉnh đổ về Hà Nội càng nhiều, kéo theo nguy cơ mất an toàn. Ăn uống sạch để đảm bảo sức khỏe là vấn đề cấp thiết được đặt ra trong bối cảnh nhiều ca ngộ độc liên tiếp nhập viện.

Tử vong, cắt chân vì liên cầu lợn

Mới đây một người đàn ông tử vong vì mắc bệnh liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh trong buổi liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sự việc đau lòng này đã gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng. Theo các bác sĩ điều trị, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

Cảnh giác với thực phẩm độc hại dịp Tết - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã hoại tử tay chân.

Bệnh nhân mới nhất tử vong do bệnh liên cầu lợn là T.V.H. (nam giới, 50 tuổi, quê Giao Thủy - Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh. Ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy, sau đó được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn, được chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và Lễ hội Xuân, ngành Y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động thực phẩm. Ngoài ra, 30 đội phòng, chống ngộ độc thực phẩm cơ động thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã sẵn sàng nhân lực tại các tuyến, các phương tiện, trang thiết bị điều tra, xử lí ngộ độc thực phẩm, thường trực bảo đảm an toàn thực phẩm.

Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đồng tử 2 bên giãn, mạch bẹn không bắt được, huyết áp không đo được, toàn thân nổi vân tím, ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, tay và chân. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim có đập trở lại. Sau hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân tử vong cùng ngày 23/1. Bác sĩ Nguyễn Quốc Phương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Nguyên nhân bệnh nhân H. tử vong do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng - toan chuyển hoá - rối loạn đông máu nặng”.

Trước đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.T, (nam, 39 tuổi, Nghệ An), có sở thích hay ăn nem, chạo, thịt lợn sống. Bốn ngày trước khi nhập viện, gia đình bệnh nhân có mua lòng lợn ở ngoài chợ về ăn. Một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt 39-40 độ, mệt nhiều. Bác sĩ, Ths. Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trang sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải can thiệp thở máy, lọc máu… Bệnh nhân thoát cơn nguy kịch nhưng các đầu ngón tay, ngón chân bị hoại tử. Sau đó được phẫu thuật tháo khớp các chi hoại tử ở tay và chân. Sau 3 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay ở 2 bàn tay.

Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo an toàn lao động trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, ăn các sản phẩm của lợn được chế biến chín, không ăn tiết canh, lợn ốm, chết...

Những đường đi của thực phẩm bẩn

Tết cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn đưa vào thị trường, cộng với thói quen ăn uống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm . Bên cạnh đó, nhiều gia đình do tích trữ quá nhiều thực phẩm sống, chín lẫn lộn trong tủ lạnh và khi rã đông để gần nhau cũng là nguyên nhân góp phần gây nguy cơ ngộ độc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khuyến cáo không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn để tích trữ. Nhiệt độ tủ lạnh bảo quản phải phù hợp để không làm biến chất thực phẩm, nên chế biến chín và hạn chế ăn các thực phẩm tái, sống. Khi mua thực phẩm tươi sống, người dân nên chọn mua ở những cửa hàng uy tín, nơi bảo đảm nhiệt độ bảo quản an toàn, còn nhãn mác, rõ nơi sản xuất và thời hạn sử dụng. Với thực phẩm đóng hộp, ngoài xem kĩ thời hạn sử dụng, người dân cần chú ý không mua sản phẩm bị móp, bị phồng ở phần nắp hoặc thân hộp. Khi đó rất có thể sản phẩm đã hỏng hoặc nhiễm độc tố nguy hiểm.

Đặc biệt cần lưu ý, hàng nhập khẩu phải có tem nhập khẩu, tránh tình trạng mua hàng “xách tay” nhưng thực ra lại đang tiêu thụ hàng giả, hàng “tẩy date” (thay đổi hạn sử dụng). Nhiều chuyên gia nhận định, do lợi nhuận cao, nhiều chủ cơ sở kinh doanh kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm bằng cách thay đổi bao bì và dập hạn sử dụng mới. Thậm chí, vào dịp Tết, những sản phẩm này thường được lồng vào các hộp quà tặng gói sẵn nên khó kiểm tra được hạn sử dụng. Do đó, người tiêu dùng khi mua các sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài cần tìm hiểu kĩ, hoặc lựa chọn những sản phẩm có hạn sử dụng được dập nổi để tránh mua phải những hộp bánh kẹo đã hết hạn sử dụng từ lâu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày