Cảnh giác với hội chứng thận hư ở trẻ em

Mạc Thảo, Theo VTV 11:41 08/01/2024
Chia sẻ

Hội chứng thận hư là bệnh lý cầu thận thường gặp ở trẻ em, phổ biến ở độ tuổi từ 2-10 tuổi.

Cảnh giác với hội chứng thận hư ở trẻ em - Ảnh 1.

Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã khám và điều trị cho không ít trường hợp trẻ từ 2-5 tuổi mắc hội chứng thận hư.

Mới đây, các bác sĩ tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi N.H.A., 5 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Bệnh nhi được cho nhập viện vì gia đình thấy tăng cân bất thường, phù to toàn thân, tiểu ít và ho.

Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy tình trạng protein (albumin) giảm, cholesterol trong máu tăng, protein nhiều trong nước tiểu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng thận và điều trị theo phác đồ.

Hiện tại, sau hai đợt điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, các chỉ số xét nghiệm cải thiện.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hoa, Khoa Nhi cho biết: Hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng một lượng lớn protein (albumin) bị mất qua nước tiểu, gây ra tình trạng giảm protein trong máu. Protein có vai trò quan trọng trong việc giữ nước ở lòng mạch. Khi lượng protein trong máu của trẻ đủ thấp thì nước sẽ thoát ra các mô kẽ, gây tình trạng phù nề. Vì vậy, trẻ bị hội chứng thận hư có triệu chứng nước tiểu có nhiều bọt, đôi khi có tiểu máu, phù ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể như mặt, tay, chân, bụng, tràn dịch đa màng…

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, hội chứng thận hư ở trẻ được chia làm 3 loại chính, gồm:

Hội chứng thận hư tiên phát: Hội chứng thận hư tiên phát chiếm 90% trẻ mắc hội chứng thận hư. Bệnh gặp ở bé trai cao hơn bé gái. tuổi thường gặp từ 1-10 tuổi

Hội chứng thận hư thứ phát: Bệnh thường xảy ra sau khi trẻ mắc các bệnh khác ví dụ: nhiễm virus hoặc ký sinh trùng (viêm gan siêu vi B,C, HIV, sốt rét…) hay các bệnh lý liên quan tới miễn dịch (lupus ban đỏ, Henoch-Schonlein), sau nhiễm liên cầu bêta tan huyết nhóm A… hoặc ung thư

Hội chứng thận hư bẩm sinh: Đây là một bệnh lý hiếm gặp, xảy ra ở trẻ em trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh.

Bệnh có thể xảy ra do các nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát sau nhiễm trùng (sốt rét, HIV, viêm gan siêu vi, giang mai, toxoplasma rubella…). Bệnh có thể liên quan tới gen như hội chứng thận hư type Phần Lan, Hội chứng Denys Drash…

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hội chứng thận hư có thể biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sự phát triển, thậm chí là tính mạng của trẻ như: Suy thận cấp, chèn ép tim cấp do tràn dịch màng tim, nhiễm trùng huyết… Đặc biệt, hội chứng thận hư kháng thuốc có thể bị suy thận mạn tính dẫn đến nguy cơ phải lọc máu và ghép thận...

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi phụ huynh phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường như phù trên cơ thể (mi mắt, chân, bụng, bộ phận sinh dục…), tăng cân bất thường, nước tiểu có bọt lâu tan hoặc có màu đỏ, tiểu ít, chán ăn, mệt mỏi… thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện và điều trị sớm hội chứng thận hư để tránh biến chứng.

Khoảng 80% bệnh nhi trong độ tuổi từ 2-9 tuổi mắc hội chứng hư thận tiên phát có đáp ứng tốt với thuốc sau điều trị. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý việc điều trị hội chứng thận hư ở trẻ cần tuân thủ triệt để theo y lệnh và đơn kê của bác sĩ vì thời gian cần để bệnh có thể ổn định tương đối kéo dài, tránh tình trạng kháng thuốc. Bệnh cũng rất dễ tái phát nên cần phải theo dõi và cho trẻ tái khám định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi uy tín, chất lượng. Khi mắc hội chứng thận hư ngoài việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thì việc mất các chất trong cơ thể qua nước tiểu làm sức đề kháng của trẻ rất kém.

Các bác sĩ khuyến cáo thêm: Trẻ cần được giữ gìn vệ sinh tốt và tránh tiếp xúc những người bị ốm vì khi trẻ bị ốm thì bệnh sẽ càng tăng nặng. Việc tự ý bỏ thuốc và sử dụng thuốc nam gây tình trạng kháng thuốc và khó điều trị sau này cũng cần đặc biệt chú ý.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày