Bếp là nơi giữ gìn sức khỏe cho cả gia đình? Điều này không sai nhưng nó chỉ đúng khi bạn không mắc phải những thói quen tưởng chừng vô hại dưới đây.
Trên thực tế, có ít nhất 8 thói quen trong bếp đang âm thầm "bắt tay" với ung thư – và rất có thể bạn đang lặp lại chúng mỗi ngày mà không hề hay biết.
1. Dùng chảo chống dính tróc lớp phủ
Chảo chống dính sau một thời gian sử dụng thường bị trầy xước, bong lớp phủ Teflon. Khi đun nóng, lớp này có thể giải phóng ra các hợp chất như PFOA - một chất từng bị cảnh báo liên quan tới ung thư và tổn thương gan.
Lời khuyên:
- Chảo chống dính nên thay định kỳ, đặc biệt khi xuất hiện vết trầy xước lớn.
- Ưu tiên chọn sản phẩm chống dính an toàn, có chứng nhận không chứa PFOA.
- Có thể thay thế bằng chảo inox, chảo gang nếu bạn đã quen tay nấu nướng.
2. Chiên xào ở nhiệt độ quá cao
Nhiều người có thói quen đợi dầu thật sôi, thậm chí đến mức bốc khói mới cho đồ ăn vào. Cần biết rằng khi dầu nóng quá mức, nó có thể tạo ra những chất độc hại cho cơ thể. Một trong số đó là acrolein - chất có thể gây kích ứng mắt, cổ họng, phổi và lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Không chỉ thế, việc chiên xào quá lửa còn làm mất chất dinh dưỡng trong dầu, sinh ra các chất béo không tốt cho hệ tim mạch.
Lời khuyên:
- Nên làm nóng dầu vừa đủ. Khi thấy dầu có khói trắng, cần hạ nhiệt hoặc thay dầu mới.
- Chọn loại dầu phù hợp với phương pháp nấu (ví dụ: dầu ô liu extra virgin không nên dùng để chiên ở nhiệt độ cao).
- Chọn các loại dầu có điểm bốc khói cao (như dầu hướng dương tinh luyện, dầu bơ, dầu đậu nành) để chiên xào.
3. Hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa không an toàn
Nhiều người có thói quen cho cả hộp nhựa vào lò vi sóng để hâm nóng mà không để ý đến chất liệu. Nghe thì tiện, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ cho sức khỏe.
Cần biết rằng không phải loại nhựa nào cũng chịu được nhiệt cao. Chưa kể đến trường hợp, một số loại nhựa kém chất lượng khi gặp nhiệt độ cao còn có thể giải phóng chất độc như BPA hay phthalates - về lâu dài sẽ gây hại cho gan, thận.
Lời khuyên:
- Chỉ dùng nhựa có ký hiệu microwave-safe, hoặc dùng đồ thủy tinh, gốm chịu nhiệt.
- Tránh đựng đồ nóng, nhiều dầu/mỡ trong hộp nhựa rẻ tiền.
4. Thường xuyên ăn đồ nướng cháy cạnh
Khi thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt và cá, bị nướng cháy ở nhiệt độ cao, sẽ sinh ra những hợp chất có hại cho sức khỏe. Việc ăn thường xuyên các món bị cháy khét có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của việc tiêu thụ thực phẩm nướng cháy, đặc biệt là khi phần cháy bị đen sẫm.
Lời khuyên:
- Tránh để thực phẩm cháy đen khi nướng.
- Không nên ăn phần bị cháy. Có thể ướp thực phẩm với chanh hoặc gia vị để giảm tạo chất độc khi nướng.
5. Dùng đũa gỗ, muỗng tre cũ bị mốc, nứt nẻ
Các vật dụng bằng tre và gỗ như đũa, muỗng sau một thời gian sử dụng thường bị thấm nước, nứt nẻ hoặc xuất hiện nấm mốc. Đây là điều kiện thuận lợi để một số loại nấm độc hại phát triển, điển hình là nấm Aspergillus flavus – có thể sinh ra aflatoxin, một chất độc tự nhiên được xem là tác nhân gây ung thư. Việc sử dụng lâu dài các dụng cụ đã xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.
Lời khuyên:
- Thay đũa gỗ, muỗng tre định kỳ 3 - 6 tháng/lần.
- Không dùng khi thấy đũa ngả màu, có mùi hôi, ẩm mốc.
- Sau khi rửa cần hong khô, không để trong môi trường ẩm.
6. Dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần
Dầu ăn sau nhiều lần chiên rán ở nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi cấu trúc hóa học, hình thành các hợp chất có hại như aldehydes. Những chất này có thể tích tụ trong cơ thể và làm tăng nguy cơ gây ung thư. Ngoài ra, dầu cũ cũng dễ bị oxy hóa, tạo ra mùi khét và ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, nên hạn chế việc sử dụng lại dầu đã qua nhiều lần chiên và thay mới dầu sau mỗi vài lần sử dụng.
Lời khuyên:
- Hạn chế tái sử dụng dầu đã chiên.
- Nếu buộc phải dùng lại, hãy lọc sạch cặn, bảo quản đúng cách, và không sử dụng quá 1 - 2 lần.
- Khi dầu có màu đen, sủi bọt lạ hoặc có mùi khét thì tiếc mấy cũng phải bỏ ngay.
7. Dùng miếng rửa bát quá lâu không thay
Có thể nhiều người không biết, rằng miếng rửa bát chính là ổ vi khuẩn khủng khiếp nếu không được vệ sinh thường xuyên. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó có thể chứa E.coli, Salmonella, nấm mốc có thể gây ngộ độc nếu lây nhiễm sang dụng cụ ăn uống.
Lời khuyên:
- Thay miếng rửa bát sau 1–2 tuần nếu sử dụng thường xuyên. Trường hợp ít sử dụng, có thể thay mỗi 1–2 tháng.
- Sau khi dùng, nên vắt khô, phơi nắng hoặc khử khuẩn bằng cách luộc hoặc cho vào lò vi sóng (nếu loại chịu nhiệt).
8. Sử dụng khay đá nhựa hoặc silicone không rõ nguồn gốc
Nhiều loại khay đá giá rẻ trên thị trường được làm từ nhựa tái chế hoặc silicone kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ lạnh sâu trong tủ đông, các vật liệu này có thể giải phóng hóa chất độc hại, ngấm vào đá và gián tiếp xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Việc sử dụng lâu dài các sản phẩm không rõ nguồn gốc này có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lời khuyên:
- Ưu tiên chọn khay đá làm từ silicone thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và không có mùi lạ.
- Tránh dùng khay đá đã bị ngả màu, giòn, hoặc có mùi lạ.
Chỉ cần tinh ý nhìn lại những thói quen nhỏ trong căn bếp của mình, bạn đã có thể giảm thiểu rất nhiều nguy cơ sức khỏe.
Hãy nhớ rằng, bếp là nơi khởi đầu của sức khỏe nhưng cũng có thể là khởi nguồn của bệnh tật. Vì vậy, hãy giữ cho không gian bếp luôn sạch sẽ, an toàn và sử dụng đúng cách các vật dụng hàng ngày. Một vài thay đổi nhỏ hôm nay có thể mang lại sự khác biệt lớn cho sức khỏe của bạn và cả gia đình trong tương lai.