Cảnh báo dịch chồng dịch

Hải Yến, Theo nld.com.vn 08:56 27/03/2025
Chia sẻ

Trong khi dịch sởi chưa lắng xuống thì thêm bệnh tay chân miệng tấn công cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Chăm sóc con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), ông Phạm Đ.T (50 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) chưa hết rầu rĩ. Ông cho hay con bị sốt khi đi học về, gia đình đã hạ sốt bằng mọi cách, từ thuốc uống đến viên nhét hậu môn nhưng bé vẫn lên cơn co giật.

Chia khoa để nhận bệnh

Được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ 2. Hiện sau 3 ngày, sức khỏe bé đã dần ổn định, hết sốt, dự kiến sẽ được xuất viện sớm.

Ở giường bên cạnh, chị L.H.T (27 tuổi, ở Đồng Nai) có con 14 tháng tuổi nhập viện 4 ngày. Trước đó, bé sốt không giảm, được đưa đi khám và xác định mắc bệnh tay chân miệng, theo dõi ngoại trú. Sau khi về nhà, bé sốt cao không hạ nên được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Gia đình phải có 2 người thay phiên chăm sóc bé. "Dù rất mệt nhưng giờ cảm thấy an tâm hơn vì sức khỏe con tiến triển tốt, đã ăn uống bình thường trở lại" - chị T. cho hay.

ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết hiện bên cạnh việc tập trung nguồn lực điều trị trẻ mắc bệnh sởi, khoa phụ trách thêm trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Khoa đang chia thành 2 khu cách ly riêng biệt dành cho bệnh nhi sởi và các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cùng các bệnh khác.

Cẩn trọng nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Cẩn trọng nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), thông tin tuần trước số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng khoảng hơn 20. Tuy nhiên, tuần này có xu hướng giảm. Hiện khoa đang điều trị 7 ca mắc bệnh tay chân miệng. "Dù vậy, phụ huynh cũng không nên chủ quan vì đây là thời điểm bắt đầu xuất hiện bệnh. Đa số bệnh nhân tự khỏi nhưng vẫn có trường hợp chuyển biến nghiêm trọng dẫn đến tử vong" - BS Quy cảnh báo.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.917 ca mắc bệnh tay chân miệng.

Diễn biến phức tạp

Theo các bác sĩ, tháng 3 và 4 là thời điểm dịch bệnh bắt đầu gia tăng. Dịch bệnh sốt xuất huyết cũng có xu hướng gia tăng trong những tuần qua. Vì vậy, có nguy cơ dịch chồng dịch nếu không kiểm soát tốt.

ThS-BS Lê Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cho hay dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, với số ca mắc liên tiếp tăng cao. Riêng tại TP HCM, tình hình dịch sởi đã được kiểm soát tốt nhưng những trẻ chưa được tiêm phòng vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Một điều lo ngại, hiện dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng là 2 bệnh đang lưu hành tại thành phố. Theo giám sát trong tháng 3, dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng, đây là thời điểm bệnh vào mùa và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bệnh sốt xuất huyết vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trong tuần qua, TP HCM ghi nhận 372 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. "Dù số ca bệnh không gia tăng so với các tuần trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao" - BS Nga cảnh báo.

Để phòng nguy cơ dịch chồng dịch, ngay khi có dự báo về sự xuất hiện sớm của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế đã đưa ra các chỉ đạo quyết liệt, tập trung ưu tiên giám sát những điểm có nguy cơ gây dịch, đặc biệt là tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học. HCDC tiếp tục duy trì các mạng lưới giám sát ca bệnh và tác nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo và có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Các bác sĩ khuyến cáo việc rửa tay sạch là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh. Đối với bệnh sốt xuất huyết, cần kiểm soát các ổ dịch muỗi và giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. Phụ huynh phải bảo đảm trẻ mắc bệnh tay chân miệng được cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày kể từ khi có dấu hiệu bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng, nhất là ở trường học.

"Khi một gia đình phát hiện có trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần được cách ly với những trẻ khác trong gia đình, bảo đảm vệ sinh tay sau khi chăm sóc và tuyệt đối không để các trẻ chưa mắc bệnh tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Một số gia đình còn phải chia thành các cụm khác nhau để chăm sóc, trong khi một số trẻ được đưa sang nhà ông bà để tránh lây lan bệnh" - BS Qui khuyên. 

Nhận diện bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường khởi phát với các triệu chứng như sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Sau khoảng 1-2 ngày, trẻ có thể xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Các nốt ban đỏ, phẳng hoặc gồ lên, kèm theo bọng nước, thường tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và cơ quan sinh dục. Bệnh rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt và các nốt phỏng hoặc tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà... Trẻ dưới 5 tuổi với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ lớn và người lớn. Nhà trẻ và trường mầm non là những nơi dễ bùng phát dịch, tạo nguy cơ lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày