Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)
Chiều 25/5, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về việc phân loại phim, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phân loại phim theo độ tuổi người xem được nhiều quốc gia áp dụng.
Theo đó, chia làm 6 loại phim, gồm loại P (phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), phim 18+, phim 16+, phim 13+, phim loại K (được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ), phim loại C (phim không được phép phổ biến).
Toàn cảnh phiên họp
Cần có cơ chế hậu kiểm đối với phim trên mạng
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, hiện nay, phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình nhưng phim trên mạng gần như không chịu sự kiểm soát nào.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số nội dung về chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của nhà nước, của toàn xã hội tham gia xây dựng nền công nghiệp điện ảnh; có ưu tiên phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường hậu kiểm với các phim phát hành trên không gian mạng, tăng cường trách nhiệm của cả người xem, các tổ chức phát hành phim, nhà quản lý trong lĩnh vực điện ảnh, huy động đa dạng nguồn tài chính sản xuất phim.
Về quy định phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu đề nghị thực hiện hậu kiểm đối với phim trên không gian mạng; đồng thời quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Ngoài ra, đại biểu Khánh Thu cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét, làm rõ quyền tác giả của thành viên khác trong đoàn làm phim, là các đối tượng đa dạng, chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ; rà soát các quy định về phân loại phim; cấp giấy phép phân loại phim; tiêu chí kiểm duyệt phim.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, về quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong phim, thực tiễn cho thấy đối với một số bộ phim hay thu hút người xem luôn gặp phải tình trạng quảng cáo quá nhiều, gây ức chế cho người xem. Nên nếu cần phải quy định cụ thể thời lượng để kiểm soát việc quảng cáo trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định.
Đoàn làm phim nước ngoài phải cung cấp kịch bản khi quay ở Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đã chỉ rõ việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là điều rất cần thiết.
Tuy nhiên, kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim và việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu về chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất phim nước ngoài cung cấp kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt là quan điểm đúng và mong được ủng hộ.