Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do mắc phải các bệnh có liên quan tới ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Môi trường thống kê trung bình năm cho thấy, hàm lượng bụi trong không khí ở Việt Nam tăng hơn so với quy chuẩn, vượt hơn nhiều lần so với ngưỡng an toàn quốc tế. Chính điều này đang ngầm dẫn đến tình trạng đáng báo động về thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Trong đó, 70% nguồn ô nhiễm là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động hàng ngày đều thải ra chất độc, chất gây ô nhiễm.
Bản đồ ô nhiễm không khí toàn cầu (các mảng màu xanh, vàng, cam, đỏ biểu hiện chất lượng không khí ở các khu vực khác nhau)
"Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người" - ông Robert O’Keefe (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khỏe Mỹ - Health Effects Institute chia sẻ.
Hàng ngày, có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở dưới bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sức phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp mà nguyên nhân chính lại đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh dễ bị mắc phải cao nhất (gồm: bệnh hô hấp, sinh đẻ và sau đẻ, bệnh hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh).
Chia sẻ tại hội nghị Tai Mũi Họng, Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Hiện nay ngành tai mũi họng đang phát triển mạnh mẽ với nhiều phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Tuy vậy các bệnh đường tai mũi họng vẫn là gánh nặng cho xã hội.
Bệnh viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm họng mãn tính, ung thư vòm họng, thanh quản, điếc và nghe kém... là nỗi ám ảnh cho bệnh nhân và thầy thuốc, ngay cả với các nước có nền y học tiên tiến hiện đại".
Trong hệ hô hấp, mũi là cơ quan tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nên thường dễ bị viêm nhiễm khi có sự thay đổi về thời tiết hay ô nhiễm. Nói cách khác, mũi là "cửa ngõ" của đường hô hấp, thường bị viêm nhiễm không chỉ vì sự thay đổi về thời tiết mà còn vì nguyên nhân là ô nhiễm và khói bụi gây ra. Do đó, bất kể là trẻ em hay người lớn cũng cần chú ý bảo vệ mũi khỏi sự tấn công của bụi bẩn, vi trùng từ không khí. Việc giữ mũi sạch sẽ sau một ngày dài tiếp xúc với khói bụi ngoài đường, không để cho vi khuẩn, bụi bẩn trú ngụ và bùng phát thành ổ bệnh khi gặp thời điểm thuận lợi là điều cần thiết, cấp bách trong điều kiện chất lượng không khí giảm sút như hiện nay.
Để phòng ngừa các bệnh về tai mũi họng, cần tìm hiểu trước về nguy cơ ô nhiễm không khí ở nơi sinh sống. Tiếp đó, bạn bắt đầu thay đổi hành động của mình để giảm bớt tác động của ô nhiễm đối với cơ thể. Người lớn cũng cần chú ý luôn ăn sạch, uống sạch và vệ sinh mũi hàng ngày để làm sạch các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, bụi bặm, các tác nhân gây dị ứng... từ đó ngăn ngừa các bệnh về mũi xoang, giảm bớt số lần và mức độ viêm mũi, viêm xoang trong năm. Ngoài ra, mỗi gia đình cũng nên chú trọng vệ sinh mũi hàng ngày sau khi đi ngoài đường về hoặc sau khi tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bặm.
Một vài hành động dưới đây sẽ giúp bảo vệ mũi xoang, ngăn ngừa các bệnh về hô hấp cho các gia đình:
- Đeo khẩu trang, mặc áo choàng chống nắng che chắn kín khi ra đường.
- Xịt rửa sạch mũi mỗi ngày vào buổi sáng (sau khi đánh răng xong) và buổi tối, mỗi lần làm xịt 3 lần vào mỗi bên mũi.
- Uống nhiều nước (tối đa 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày).
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng (đặc biệt là protein từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại rau quả chứa nhiều vitamin).
- Vệ sinh điều hòa định kỳ để ngăn ngừa nguy cơ hít phải luồng không khí bụi bẩn do lâu ngày không làm sạch điều hòa.
Source (Nguồn): The Guardian, WHO, Dailymail