Cách fan giúp BTS giành #1 Billboard gây tranh cãi: Đúng nghĩa vung tiền để mua vị trí, ca khúc không phản ánh đúng độ hot tại Mỹ?

Tiểu Duy, Theo Trí Thức Trẻ 10:30 27/06/2021
Chia sẻ

Đây cũng là chiêu "bổn cũ soạn lại" giúp tất cả các ca khúc trước đó của BTS vươn lên vị trí Quán quân Billboard Hot 100 dù hiệu ứng có thể không thực sự mạnh mẽ.

Việc Butter của BTS tiếp tục vươn lên giữ vị trí Quán quân BXH Billboard Hot 100 trong tuần lễ thứ 4 liên tiếp là một niềm hạnh phúc của cộng đồng fan BTS. Tuy nhiên, điều này như "giọt nước làm tràn li" khiến BTS nhận về vô số chỉ trích dữ dội từ bộ phận khán giả đại chúng khi cho rằng cách mà fan của boygroup giúp cho thần tượng đạt #1 đã tạo nên cuộc chạy đua thành tích không lành mạnh, phản ánh sai lệch về mức độ phổ biến của ca khúc tại thị trường Hoa Kỳ.

MV Butter - BTS

Cụ thể, trong tuần lễ vừa qua, Butter của BTS đã có tuần lễ thứ 4 liên tiếp giữ vị trí Quán quân BXH Billboard Hot 100, thiết lập thêm nhiều kỉ lục cho boygroup đình đám này. Thành tích Quán quân này gần như hoàn toàn đến từ lượng tiêu thụ bản điện tử của ca khúc Butter với 111.4 nghìn bản được tải về. 

Điều cần nói, lượng tiêu thụ Butter có thể chạm đến con số trên nhờ việc cộng lại tất cả các phiên bản được phía nhà sản xuất lần lượt tung ra để kích cầu doanh số: bản gốc và bản instrumental ra mắt ngày 21/5, phiên bản Hotter (remix) ra mắt ngày 28/5, phiên bản Cooler (remix) Sweeter (remix) ra mắt ngày 4/6. Tất cả 5 phiên bản trên đều được giảm giá sập sàn ở mức 0.69 USD cho một phiên bản, giúp fan BTS dễ dàng "phóng tiền" mua single số lượng lớn dễ dàng hơn, củng cố vị trí #1 của Butter trên Billboard Hot 100. 

MV Butter (Cooler Remix) - BTS

MV Butter (Hotter Remix) - BTS

Chưa dừng lại ở đó, phía công ty còn phát hành thêm phiên bản đĩa than Butter giá 7.98 USD và phiên bản cát-xét với giá 6.98 USD, tất cả sẽ được tính gộp vào tổng doanh số của tuần sau, gần như cầm chắc cho Butter thêm 1 tuần lễ #1 Billboard Hot 100. Mặc dù Billboard không hề có luật cấm phát hành quá nhiều phiên bản nhưng việc liên tiếp ra mắt các phiên bản "vô thưởng vô phạt" nhằm tăng tổng doanh thu cũng đồng nghĩa với việc vị trí #1 giờ đây có thể thao túng dễ dàng bằng tiền của người hâm mộ, không phản ánh đúng thực tế.

Mặc dù "nắm trùm" ở BXH thành phần Digital Song Sales Chart song tuy nhiên ở 2 BXH thành phần còn lại là Radio Songs và Streaming Songs, Butter có thành tích khá "lèo tèo". Cụ thể, chỉ riêng ở mảng streaming, Butter chỉ mang về 12.5 triệu lượt stream (rớt từ #19 xuống #25 ở BXH thành phần). Ở mảng radio, Butter có dấu hiệu tăng nhẹ từ #28 lên #25 ở BXH thành phần với chỉ số radio là 25.8 triệu lượt phát nhưng vẫn là một vị trí tương đối thấp. 

Cách fan giúp BTS giành #1 Billboard gây tranh cãi: Đúng nghĩa vung tiền để mua vị trí, ca khúc không phản ánh đúng độ hot tại Mỹ? - Ảnh 4.

Điều đáng nói, đây cũng là phương thức tương tự với cách mà BTS đạt #1 Billboard Hot 100 với Dynamite Life Goes On: phía công ty chủ quản hạ giá các ca khúc "sập sàn", phát hành 7749 phiên bản remix "vô thưởng vô phạt" để fan đổ xô mua thêm chỉ với mục đích gom vào thành tích tổng. Điều này khiến cho các ca khúc của BTS tuy đạt #1 nhưng lại có tỉ lệ thành phần cấu thành hoàn toàn nghiêng về lượng tiêu thụ do fan bỏ ra là chính, các chỉ số streaming và radio từ thấp đến rất thấp phản ánh việc độ phủ sóng của ca khúc tại thị trường Mỹ với mức độ thấp tương đương. 

Trong khi đó, hiện tượng âm nhạc mới nổi của nước Mỹ - Olivia Rodrigo - dù có thể không có lượt tiêu thụ cao bằng BTS song các ca khúc của cô thực sự phủ sóng trên diện rộng với lượt stream khủng. Giữ vị trí Á quân Billboard Hot 100 tuần qua, good 4 u của Olivia Rodrigo mang về đến 36 triệu lượt stream, gấp 3 lần BTS. Tuy nhiên, vì lượng người hâm mộ không thể đông đảo bằng BTS, cô chỉ tiêu thụ được 9.6 nghìn bản Digital Sales trong tuần vừa qua, con số chưa bằng 1/10 BTS.

Cách fan giúp BTS giành #1 Billboard gây tranh cãi: Đúng nghĩa vung tiền để mua vị trí, ca khúc không phản ánh đúng độ hot tại Mỹ? - Ảnh 5.

Trước đó, một tác giả danh tiếng là Tom Breihan cũng có bài viết chỉ trích việc Butter "cạnh tranh không lành mạnh" với các bài hát cạnh tranh hạng 1 khác tại Billboard: "Butter giành được vị trí số 1 hầu như dựa vào doanh số bán đĩa đơn kỹ thuật số đã được giảm giá. Butter được stream rất nhiều, nhưng không nhiều bằng bất kỳ bài hát nào trong số 3 bài hát nổi tiếng nhất thuộc album debut của Olivia Rodrigo. Vì vậy Butter, giống như những bản hit trước đó của BTS, đứng được ở vị trí số 1 như hiện nay chủ yếu là vì BTS đã huy động một cách hiệu quả đội quân những người hâm mộ không biết mệt mỏi của họ".

Nói tóm lại, BTS đạt #1 không phạm luật vì họ đã sử dụng đúng sức mạnh tổng thể của fandom nhằm đạt được thành tích mong muốn. Tuy nhiên, việc liên tục thao túng BXH Billboard Hot 100 mỗi lần comeback với cùng một cách thức là một tiền lệ đáng quan ngại, khiến việc đạt #1 trở nên quá dễ dàng, làm sai lệch ý nghĩa về việc "chọn ra những ca khúc có độ phủ sóng và nổi tiếng nhất nước Mỹ trong 1 tuần". Trường hợp của BTS hoàn toàn đủ để phía Billboard xem xét thay đổi về luật lệ tính điểm như cách mà họ vẫn làm suốt nhiều thập niên qua.

Nguồn: Billboard - Ảnh: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày