Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 59.000 người tử vong do dại. Ở nước ta, dựa trên thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm, trung bình có khoảng 400.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, gây thiệt hại rất nhiều về người và của.
Việc đề phòng mắc bệnh dại là vô cùng cần thiết. Chính vì thế, hãy trang bị ngay cho mình các kiến thức dưới đây để phòng tránh khi cần thiết.
Dựa trên tình hình cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định xem nạn nhân có cần phải tiêm phòng dại hay không. Theo Quyết định phê duyệt "Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người" của Bộ Y tế, có thể phân loại 3 cấp độ như sau:
- Cấp độ I: Sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành thì không cần điều trị.
- Cấp độ II: có vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc thì khuyến cáo nên tiêm vacxin ngay.
- Cấp độ III: khi có 1 hay nhiều vết cắn hay cào xuyên thấu da, niêm mạc bị nhiễm nước dãi của động vật thì khuyến cáo nên tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại ngay lập tức.
Hiện nay, có 2 kiểu tiêm phòng khi xác định có phơi nhiễm (đã bị cắn) bao gồm tiêm ở bắp và tiêm trong da.
1. Tiêm ở bắp, phác đồ tiêm phòng dại như sau:
- Người chưa tiêm dự phòng từ trước đó: tiêm 05 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Riêng trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm Immunoglobulin dại kết hợp.
- Người đã tiêm dự phòng trong 5 năm gần đây: cần tiêm 02 mũi vào ngày 0 và 3.
- Người đã tiêm dự phòng nhưng không đều hoặc quá 5 năm: tiêm 05 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 và có thể tiêm thêm Immunoglobulin.
2. Tiêm trong da, phác đồ tiêm phòng dại, liều 0.1ml vacxin hoàn nguyên như sau:
- Người chưa tiêm dự phòng trước đó: tiêm 4 mũi gồm 0.1 ml/liều mỗi mũi tiêm, tiêm 2 mũi tại 2 vị trí tiêm khác nhau vào các ngày 0, 3, 7 và 28.
- Người đã tiêm dự phòng: tiêm 0.1ml vào các ngày 0 và 3.
Lưu ý khi tiêm trong da rất quan trọng, kỹ thuật tiêm trong da phải được thực hiện đúng, tránh tiêm dưới da và phải dùng bơm kim tiêm riêng để tránh lây nhiễm.
Theo Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam, bảng giá tiêm phòng dại như sau:
Như vậy, có thể tạm ước lượng, với trường hợp người bị cắn chưa tiêm dự phòng trước đó và lựa chọn tiêm bắp bằng loại vacxin là Verorab của Pháp, chi phí cho 5 mũi tiêm sẽ rơi vào khoảng 1.500.000 đồng.
Để phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Với các gia đình có nuôi chó, mèo thì cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đặc biệt, cần lưu ý tránh thả rông chó, mèo, nếu chó ra đường phải đeo rọ mõm nhằm tránh gây nên các vụ việc không đáng có.
- Không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, nhất là với chó, mèo lạ.
- Nếu không may bị chó, mèo cắn, hãy thực hiện các bước sơ cứu và nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để được các bác sĩ xử lý kịp thời. Tham khảo ngay các bước sơ cứu khi bị chó, mèo cắn tại đây:
- Người bị chó, mèo cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa mà cần đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để điều trị kịp thời. Đã có rất nhiều trường hợp vì tự chạy chữa mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
- Nên tiêm phòng ngay theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp cứ chờ cho con chó bị ốm/chết rồi mới đi tiêm. Bởi có rất nhiều con chó sau khi cắn thì 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị cắn mới đi tiêm thì đã muộn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn tham khảo thông tin:
- Sở Y tế Thành phố Hà Nội (soyte.hanoi.gov.vn).
- Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (vnvc.vn).