Thông tin nhiều người nhập viện tại bệnh viện ở Hà Nội do biến chứng cúm khiến người dân hiện nay vô cùng lo lắng. Số liệu từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, nhiều ca trở nặng, mất chức năng phổi chỉ vì bệnh cúm - căn bệnh nhiều người nghĩ là bệnh xoàng, vẫn xuất hiện quanh năm.
Các chuyên gia lên tiếng cảnh báo, sự chủ quan khi bị cúm có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, cao nhất là trả giá bằng tính mạng. Do đó, người dân cần lưu ý nắm rõ những dấu hiệu của bệnh, dấu hiệu bệnh trở nặng để có hướng xử lý nhanh chóng nhất.
Theo CDC, các triệu chứng của bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường xuất hiện một số hoặc tất cả những dấu hiệu, triệu chứng sau:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt, cơ thể ớn lạnh.
- Ho.
- Đau họng.
- Chảy nước mũi, ngạt mũi.
- Đau nhức cơ bắp hoặc đau đầu.
- Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực.
- Một số người có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn.
Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.
- Thông thường, người mắc bệnh cúm chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước để điều trị bệnh.
- Ngoài uống nước lọc ấm, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng bổ dưỡng hơn như nước trái cây, súp ấm, canh ấm để tránh mất nước do sốt.
- Khi bị cúm, bạn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Nên ngủ nhiều hơn để hệ thống miễn dịch của người bệnh được củng cố, chống lại virus.
- Cân nhắc dùng thêm thuốc giảm đau. Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để làm giảm lại các cơn đau do cúm gây ra.
Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu chứng tỏ bệnh cúm trở nặng thì chúng ta không thể ngồi yên ở nhà và chỉ dùng những biện pháp kể trên nữa.
Hầu hết những người bị cúm đều bị bệnh nhẹ và không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus. Nếu bạn bị ốm với các triệu chứng cúm, trong hầu hết các trường hợp, bạn nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác trừ khi cần được chăm sóc y tế.
Việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng nên có chỉ định của bác sĩ. Nếu không rất khó tránh tình trạng uống thuốc mãi không khỏi bệnh cúm. Vì hầu hết những trường hợp này đều dùng thuốc không đúng chỉ định.
Ví dụ, thuốc kháng virus là thuốc theo toa, có tác dụng chống lại bệnh cúm ở đường hô hấp. Bạn chỉ có thể mua thuốc tại hiệu thuốc nếu có đơn thuốc của bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thuốc kháng virus khác với thuốc kháng sinh - loại thuốc có tác dụng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus cúm. Nhưng nhiều người bị cúm thường hay tìm đến thuốc kháng sinh đầu tiên hoặc mua thuốc kháng virus nhanh chóng qua mạng, rất khó đảm bảo hiệu quả.
Đó có thể là những lý do lý giải vì sao uống thuốc mãi nhưng nhiều người không khỏi được bệnh cúm.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Thở nhanh, khó thở.
- Da xanh xao.
- Không uống đủ nước.
- Không đi tiểu hoặc không chảy nước mắt khi khóc.
- Nôn dữ dội, liên tục.
- Lơ mơ, mê man, không tỉnh táo hoặc không có tương tác.
- Cáu kỉnh đến mức không muốn bế ẵm.
- Đau tức ngực hoặc bụng.
- Lú lẫn.
- Các triệu chứng bệnh cúm thuyên giảm nhưng sau đó tái phát kèm sốt, ho nặng hơn.
- Sốt trên 40 độ C dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả.
- Sốt từ 38 độ C trở lên đối với trẻ em dưới 3 tháng tuổi bất kể có sử dụng thuốc hạ sốt hay không.
Ở người lớn
- Khó thở hoặc thở gấp, thở ngắn.
- Đau tức ngực hoặc bụng dai dẳng.
- Chóng mặt kéo dài.
- Lú lẫn.
- Không thể đánh thức.
- Co giật.
- Nôn dữ dội, liên tục.
- Các triệu chứng giống cúm thuyên giảm nhưng sau đó lại tái phát kèm theo sốt và ho nặng hơn.
- Không đi tiểu.
- Tình trạng bệnh mãn tính trở nên trầm trọng hơn.
Trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng, người bệnh cần khẩn trương nhập viện điều trị. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc kháng virus dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng nên gọi cho bác sĩ ngay nếu không cảm thấy khỏe hơn vào ngày thứ 5 mắc bệnh cúm. Bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng thứ phát, chẳng hạn như viêm phế quản hoặc nhiễm trùng tai, viêm xoang.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.