Trước đến nay, cá luôn được xếp vào những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, 1 nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho rằng ăn nhiều cá có thể gây ung thư làm rất nhiều người hoang mang.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Brown (Providence, Rhode Island, Mỹ). Nó được công bố trên tạp chí Các nguyên nhân và Kiểm soát Ung thư (Cancer Causes & Control), cho thấy ăn nhiều cá có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư hắc tố ác tính có thể gây tử vong.
Ảnh minh họa
Nhóm nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ hơn 490.000 người trưởng thành ở Mỹ trong độ tuổi từ 50 đến 71. Những người này đã tham gia vào Nghiên cứu sức khỏe và chế độ ăn uống NIH-AARP, do Viện Ung thư quốc gia (NIH) Mỹ và tổ chức AARP phối hợp thực hiện.
Ở giai đoạn đầu của nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi chi tiết, bao gồm thông tin về lượng cá mà họ thường ăn. Sau đó được theo dõi trong khoảng 15 năm để về việc phát triển các bệnh ung thư.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả. Chẳng hạn như cân nặng của các tình nguyện viện, họ hút thuốc hay uống rượu, chế độ ăn uống, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư. Bao gồm cả mức bức xạ UV trung bình ở khu vực sinh sống của họ bởi vì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng là 1 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da.
Kết quả chỉ ra rằng so với những người hầu như không ăn cá, nhóm người ăn nhiều cá nhất - trung bình 283g, hoặc khoảng 3 phần ăn mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư hắc tố da ác tính cao hơn 22%.
Cụ thể, có 5.034 người (chiếm 1%) phát triển u hắc tố ác tính trong thời gian nghiên cứu và 3.284 ( chiếm 0,7%) phát triển u hắc tố giai đoạn 0. Trong đó, những người có lượng cá ngừ tiêu thụ hàng ngày là 14,2g có nguy cơ mắc ung thư hắc tố ác tính cao hơn 20% so với những người có lượng tiêu thụ điển hình là 0,3g. Còn người ăn 17,8g cá không chiên mỗi ngày có nguy cơ ung thư hắc tố ác tính cao hơn 18% và nguy cơ ung thư hắc tố giai đoạn 0 cao hơn 25% so với chỉ ăn 0,3g. Tuy nhiên, không có mối liên hệ đáng kể nào được tìm thấy giữa việc ăn cá rán và ung thư da.
PGS.Tiến sĩ Eunyoung Cho tại Đại học Brown - tác giả chính của nghiên cứu đã đưa ra giải thích cho kết quả nghiên cứu gây bất ngờ nói trên. Thực chất, bản thân cá không phải là nguyên nhân gây ung thư da mà chính những chất độc hại từ môi trường xâm nhập vào trong cá.
Ảnh minh họa
Cụ thể, bà nói rằng: "Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng lượng cá ăn vào nhiều hơn có liên quan đến mức độ cao hơn của những chất gây ô nhiễm này trong cơ thể. Đồng thời cũng đã xác định được mối liên hệ giữa những chất gây ô nhiễm này và việc làm tăng nguy cơ ung thư da ác tính. Các chất gây ô nhiễm trong cơ thể cá phổ biến nhất là polychlorinated biphenyls, dioxin, asen và thủy ngân".
Bà cũng nhấn mạnh thực trạng ô nhiễm môi trường biển làm tăng độc tính của cá biển. Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nature cho biết do khí hậu ấm lên và ô nhiễm công nghiệp, các loại cá biển như cá tuyết, cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và cá kiếm đã làm tăng mức Methyl thủy ngân cao hơn 1 triệu lần so với trong môi trường tự nhiên.
Có tới 82% metyl thủy ngân mà người Mỹ tiếp xúc đến từ hải sản, trong số đó cá ngừ đóng hộp chiếm gần 40%. Những loại cá khác, bao gồm cá thu, cá marlin và cá nhám da cam, đều là những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao.
Tuy nhiên, PGS.Tiến sĩ Cho cũng cho biết thêm, nhóm của bà không đo lường hàm lượng các chất ô nhiễm ở những người tham gia và cần có thêm nghiên cứu để khẳng định mối liên hệ này. Bà nói: “Tôi sẽ không khuyên mọi người ngừng ăn cá chỉ vì phát hiện của chúng tôi. Trên thực tế, việc ăn cá có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, và một số bệnh ung thư khác”.
Bởi vì nhìn chung, cá vẫn là một nguồn protein lành mạnh, giàu axit béo omega-3, tốt cho sức khỏe tim và não. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn cá 2 lần 1 tuần nhưng cần lưu ý về số lượng để tránh các tác hại ngoài mong muốn, bao gồm cả ung thư da.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo khi ăn cá, nhất là đối với trẻ em hoặc phụ nữ có thai thì nên lọc bỏ da, lưng, sườn và mỡ bụng, nội tạng của cá. Vì đây là những bộ phận dễ bị tích tụ kim loại nặng và các chất ô nhiễm gây hại khác.
Nguồn và ảnh: Sohu, Bloomberg, Eat This