Chi tiêu hợp lý, hàng tháng đều tiết kiệm được, nếu chỉ nghe qua thì hẳn ai cũng nghĩ thế là tốt rồi. Nhưng cuộc sống của người trưởng thành, đặc biệt là những người đã lập gia đình thì đâu mấy khi đơn giản và dễ dang được như vậy. Thế nên mới sinh ra cảm giác bế tắc mệt mỏi.
Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây, tiếc thay, lại là một nỗi buồn như vậy.
Tình hình tài chính của gia đình này có thể tóm tắt như sau: Vợ làm văn phòng lương 14 triệu/tháng, chồng làm xe ôm thu nhập không ổn định. Hàng tháng, người chồng đưa cho vợ 3 triệu đồng. Cầm 17 triệu để chi tiêu cho cả gia đình, cô vợ rất nỗ lực tiết kiệm nhưng cũng chỉ dư được khoảng 900k/tháng.
Bảng chi tiêu hàng tháng do cô vợ đăng tải
Gánh nặng tiền bạc gần như chỉ dồn lên vai người vợ. Dù đã cố gắng động viên chồng tăng thu nhập, nhưng những gì cô nhận lại được chỉ là sự lờ đi.
"Mình cũng nói chuyện với chồng nhiều lần rồi, là cần phải cố kiếm thêm vì con càng ngày càng lớn, nhu cầu chi tiêu càng nhiều mà không tiết kiệm được mấy như thế này thì rất bất an. Nhưng chồng mình cũng chỉ im lặng, chẳng nói gì.
Ảnh minh họa
Ngày nào anh cũng đi làm từ 3-4h chiều đến đêm, sáng ở nhà ngủ. Mình tan làm lo đón con, cơm nước,... Tệ hơn tháng này mình phát hiện có những hôm a đi đến 2-3h sáng, nhưng không phải đi làm. Mình hỏi thì bảo là đi chơi game. Mình không rõ làm xe ôm công nghệ thì có ổn không mà tháng nào chồng mình cũng chỉ đưa cho mình có 3 triệu. Mình cũng muốn thông cảm cho chồng nhưng thực sự càng ngày, mình càng cảm thấy gánh nặng trên vai quá lớn. Mong mọi người cho mình lời khuyên với..." - Cô vợ trải lòng.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người hiện đang làm xe ôm công nghệ hoặc shipper đã chia sẻ về mức thu nhập hàng tháng, họ khẳng định không có chuyện làm từ chiều đến đêm mà cả tháng không kiếm nổi 9-10 triệu. Bên cạnh đó, cũng không ít người bày tỏ sự thương cảm dành cho tình cảnh của cô vợ này.
"Chồng mình cũng đang làm shipper giao hàng kết hợp chạy xe ôm đây, chạy từ khoảng 7h sáng đến 9h tối về nhà với vợ con thôi chứ không chạy đêm. Mỗi tháng anh đưa mình 8 triệu, tháng nào phải bảo dưỡng xe thì giảm đi chút. Nghề này chịu khó thì không đến mức cả tháng chỉ đưa cho vợ được 3 triệu đâu mom ạ" - Một người chia sẻ.
"3 triệu ở Hà Nội bây giờ có khi chỉ vừa đủ tiền ăn cho 1 người, nhà bạn còn đang đi thuê nữa, tính ra bạn vừa nuôi con vừa nuôi cả chồng. Chi tiêu tiết kiệm thế kia rồi thì cũng chẳng cắt giảm được nữa, đúng là chỉ còn cách tăng thu nhập nhưng chồng không chịu khó, không tu chí làm ăn thì khó thật" - Một người bày tỏ.
"Thật sự lập gia đình rồi mới thấm thía câu phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, nó cũng đúng chứ không phải là suy nghĩ cổ hủ. Chồng không giàu mà biết thương vợ con là được, chứ thế này đúng là chẳng biết phải làm sao cho vừa" - Một người thở dài.
1 - Đi tìm gốc rễ vấn đề
Không ít cặp vợ chồng tưởng rằng mình cãi nhau vì một khoản chi tiêu nào đó nhưng thực chất, mâu thuẫn về quan điểm xài tiền chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó là sự khác biệt trong giá trị sống, thói quen tài chính, cảm giác bất an về vai trò trong gia đình, hoặc thậm chí là những kỳ vọng chưa được nói ra.
Ảnh minh họa
Trước khi tìm cách khắc phục, điều quan trọng nhất có lẽ là cả hai phải nhận diện được gốc rễ của vấn đề. Nếu không, mỗi lần nói về tiền sẽ là một lần mâu thuẫn lặp lại dù con số trong tài khoản có là bao nhiêu đi chăng nữa.
2 - Lập ngân sách chung một cách rõ ràng và minh bạch
Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm xung đột tài chính giữa hai vợ chồng là cùng nhau xây dựng một ngân sách chung. Đơn cử là việc xác định rõ mỗi tháng chi bao nhiêu, cho việc gì, khoản nào là thiết yếu, khoản nào dành cho sở thích cá nhân, khoản nào để tiết kiệm và đầu tư,...
Khi mọi thứ đã được thống nhất rõ ràng, những cuộc tranh luận kiểu "tại sao em lại mua cái này?", "lý do gì anh sắm cái kia?",... sẽ giảm đi đáng kể vì mọi chi tiêu đều đã được định hướng từ trước.
Ngân sách rõ ràng cũng giúp tạo cảm giác cân bằng trong việc đóng góp tài chính, mỗi người biết mình có trách nhiệm gì, có quyền quyết định ở mức nào. Quan trọng hơn, nó cho thấy rằng vợ chồng đang đồng hành cùng nhau chứ không phải đang ở 2 chiến tuyến đối nghịch.
3 - Thiết lập quỹ chi tiêu cá nhân
Một sai lầm phổ biến khiến vợ chồng mâu thuẫn về tiền là gộp tất cả tài chính vào một mối và kiểm soát lẫn nhau.
Ảnh minh họa
Thực tế, bên cạnh tài khoản chung để chi tiêu cho gia đình, mỗi người nên có một khoản riêng, có thể không nhiều nhưng đủ để cảm thấy mình vẫn có quyền tự do cá nhân.
Điều này đặc biệt quan trọng khi một người không đi làm hoặc thu nhập thấp hơn người còn lại. Một chút tự do tài chính lành mạnh sẽ nuôi dưỡng sự tôn trọng và thoải mái trong hôn nhân, hơn là khiến cả hai phải luôn xin phép hoặc báo cáo cho nhau mọi khoản chi tiêu nhỏ.
4 - Trò chuyện để tìm ra giải pháp chứ không đổ lỗi
Những cuộc nói chuyện về tiền bạc rất dễ biến thành cuộc thảo luận xem ai đúng, ai sai, người này đổ lỗi cho người kia, hoặc cố gắng kiểm soát đối phương,... Nhưng nếu nghĩ sâu và nghĩ rộng hơn, việc phân định đúng - sai trong hoàn cảnh này chỉ khiến mâu thuẫn thêm dày, tình cảm vợ chồng càng dễ sứt mẻ.
Thế nên học cách nói với nhau về tiền mà không công kích, không đổ lỗi là một kỹ năng sống còn trong hôn nhân. Phải nhớ cuộc đối thoại về tiền không nên là một cuộc chiến, mà là quá trình cùng nhau tìm tiếng nói chung dù ban đầu có thể mỗi người một quan điểm, một suy nghĩ chẳng giống nhau.