Chứng khoán hồi sinh, F0 muốn “đem ít tiền lao vào rồi mất trắng cũng chẳng sao”: Chuyên gia cảnh báo!

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 16:37 24/07/2025
Chia sẻ

“Bản chất cốt lõi của đầu tư là phải kiếm được nhiều tiền nhất khi mình đúng, và mất ít tiền nhất khi mình sai”.

Sau hơn một tháng giằng co quanh vùng 1.450-1.480 điểm, VN-Index bất ngờ bứt phá mạnh trong 1 tuần vừa qua - vượt mốc 1.500 điểm, đánh dấu một cú nhảy vọt “lịch sử” của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua (23/7), VN-Index đạt 1.512 điểm. Bước sang phiên giao dịch sáng nay (24/7), nhịp giằng co của VN-Index vẫn duy trì quanh ngưỡng 1.520 điểm khi dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường.

Với những diễn biến này, nhiều nhà đầu tư - trong đó bao gồm cả thế hệ F0 non nớt, đang khá lạc quan, tin rằng chứng khoán đã bước vào giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ. Và cũng giống như nhiều đợt “ngập sắc xanh” trước đây, không ít người bắt đầu có cảm giác FOMO, nôn nóng. Nhưng thị trường mà, “có lên ắt có xuống”.

Thế nên vấn đề cần đặt ra lúc này không phải là “có nên đầu tư hay không”, mà là: Làm thế nào để trụ lại được trong 1 thị trường không ít biến động như TTCK?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Kim Liên để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.

Chứng khoán hồi sinh, F0 muốn “đem ít tiền lao vào rồi mất trắng cũng chẳng sao”: Chuyên gia cảnh báo!- Ảnh 1.

Chuyên gia Nguyễn Kim Liên

Rủi ro không bao giờ biến mất ngay cả khi thị trường đang “thăng hoa”

Trong 1 tháng trở lại đây, tín hiệu dòng tiền đổ vào TTCK Việt Nam cho thấy thị trường đang bước vào 1 giai đoạn tăng trưởng rõ ràng. Theo chuyên gia Nguyễn Kim Liên, sự “hồi sinh” này là kết quả của rất nhiều yếu tố: Từ hệ thống sàn giao dịch, tới dòng tiền và cả vấn đề thuế quan.

“Hệ thống KRX (Một hệ thống công nghệ thông tin được thiết kế để quản lý và vận hành giao dịch trên TTCK Việt Nam - PV) đi vào hoạt động từ đầu tháng 5, giúp nâng cao cơ sở hạ tầng, hấp thụ được khối lượng giao dịch rất lớn so với trước đây. Kết hợp cùng lợi thế đàm phán thuế quan với Mỹ so với các nước khác trong khu vực, và việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh mẽ, tất cả trở thành chất xúc tác quan trọng giúp TTCK tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa câu chuyện nâng hạng thị trường” - Chuyên gia Nguyễn Kim Liên nhận định.

Phân tích như vậy để phần nào thấy rằng TTCK Việt Nam đang hồi sinh, và đang trên đà “thăng hoa” là niềm tin hoàn toàn có cơ sở. Nhưng song song với đó, các nhà đầu tư - đặc biệt là thế hệ F0 non nớt vẫn nên nhớ rõ một điều: Ngay cả trong những đợt tăng trưởng mạnh mẽ nhất, thị trường vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro.

Thậm chí với F0, thị trường càng tăng trưởng mạnh thì rủi ro càng cao, vì bản thân nhà đầu tư F0 chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về 3 nguồn lực cơ bản nhất: Là nguồn vốn, kiến thức và tâm lý.

Chứng khoán hồi sinh, F0 muốn “đem ít tiền lao vào rồi mất trắng cũng chẳng sao”: Chuyên gia cảnh báo!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Mất hàng là tình trạng mà không ít nhà đầu tư F0 gặp phải trong giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh. Nhiều khi nắm giữ cổ phiếu tốt rồi, nhưng vì 1 lý do nào đó nên lại vội vàng chốt lời sớm. Đến khi thấy thị trường tăng tiếp, dồn vốn quay lại thì gặp phải đúng đỉnh. Thị trường bước vào giai đoạn biến động mạnh, có thể tăng mạnh nhưng cũng có thể giảm mạnh, nếu không “vững tay chèo” thì có thể bị sóng uptrend nuốt chửng bất kỳ lúc nào” - Chuyên gia Nguyễn Kim Liên nhấn mạnh.

Rủi ro luôn có là điều mà tất cả các chuyên gia đều cảnh báo tới thế hệ nhà đầu tư non nớt, để họ nâng cao cảnh giác, biết cách phân bổ vốn, xây dựng sẵn “kịch bản hành động” trước những diễn biến bất ngờ. Nhưng xét từ góc độ của 1 nhà đầu tư F0 - đối tượng đang thiếu cả vốn lẫn kiến thức và kinh nghiệm, không ít người sẽ lựa chọn một hướng đi khác mà họ cho là thiết thực hơn: Bỏ ra một số vốn và xác định có mất trắng cũng không sao, vì mục tiêu là thử đầu tư, thử đối mặt với những cơn sóng của thị trường và sau đó, “chắt lọc” lấy kinh nghiệm.

Rõ ràng, F0 có “cái lý” của riêng họ khi lựa chọn nước đi này, đơn giản là nếu mất tiền mà có thêm kinh nghiệm thì suy cho cùng vẫn là có lãi. Nhưng liệu rằng đây có phải một chiến lược thực sự hợp lý và hiệu quả?

“Xác định mất trắng để học hỏi, lấy kinh nghiệm” không phải là tư duy phù hợp!

Với thắc mắc phía trên mà chúng tôi đặt ra, chị Kim Liên cho rằng việc xác định mất trắng để đổi lấy kinh nghiệm, có lẽ chỉ khiến nhà đầu tư… càng thêm chùn chân trước TTCK mà thôi. Chị nhấn mạnh nếu đã xác định đầu tư nghiêm túc, lâu dài, đó không phải một tư duy phù hợp.

“Nếu thực sự muốn rút kinh nghiệm, nhà đầu tư nên có tư duy 1 đồng cũng như 10 đồng, có 100 triệu thì cũng phải đầu tư như khi đang có 10 tỷ hoặc 100 tỷ, từ đó mới rút được kinh nghiệm. Vì bản chất của đầu tư không phải là được ăn cả, ngã về không. Vấn đề cốt lõi là làm sao kiếm được nhiều tiền nhất khi mình đúng, và mất ít tiền nhất khi mình sai.

Tư duy như vậy thì mới tiến bộ được, tuy nhiên thực tế thì nhà đầu tư F0 hay làm ngược lại. Mỗi lần “đúng” chỉ dám phân bổ 10-20% nguồn vốn và chốt khi thấy lãi 10-15%, nhưng lại hay all-in đúng đỉnh rồi để lỗ tới 30-50%” - Chị Kim Liên phân tích.

Chứng khoán hồi sinh, F0 muốn “đem ít tiền lao vào rồi mất trắng cũng chẳng sao”: Chuyên gia cảnh báo!- Ảnh 3.

Chuyên gia Nguyễn Kim Liên

Đến đây, hẳn không ít người đang mon men suy nghĩ “hay là thử đầu tư”, sẽ có phần khựng lại vì cảm giác hoang mang. Nếu đã bỏ vốn và chấp nhận kịch bản tệ nhất là mất sạch, vẫn không phải nước đi hợp lý, vậy đâu mới là kiểm khởi đầu đúng đắn để 1 nhà đầu tư F0 bước vào thị trường, trụ lại được thay vì “văng ra” và không bao giờ dám quay trở lại?

Với thắc mắc này, câu trả lời mà chị Kim Liên đưa ra khiến chúng tôi có đôi chút bất ngờ: Không phải kỹ năng phân tích thị trường phức tạp, hay khả năng đọc báo cáo tài chính như một chuyên gia thực thụ, yếu tố cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất mà 1 nhà đầu tư nên có, chính là khả năng quản lý tài chính cá nhân.

“Phải quản lý được tài chính cá nhân, nhà đầu tư mới hiểu được tại sao mình nên đầu tư vào TTCK, từ đó mới tìm được hướng đầu tư phù hợp với mục tiêu, cũng như khẩu vị rủi ro của riêng mình. Chưa xác định được hướng đi, cũng chưa biết về “điểm đến” và còn đang mù mờ với nguồn lực của bản thân, thì sẽ rất dễ bị những cơn sóng của thị trường cuốn đi” - Chị Kim Liên nhấn mạnh.

Rõ ràng, thị trường có thể tăng, có thể giảm và những biến động này thì không ai dám khẳng định chắc chắn 100%, thứ duy nhất mà nhà đầu tư có thể chắn chắn chỉ là tâm thế của chính mình. Thế nên nếu đã xác định đầu tư một cách bài bản và lâu dài, có 3 thứ mà nhà đầu tư nên biết: Biết mình là ai, biết mình cần gì, và biết nguyên tắc đầu tư của riêng mình.

Đây cũng chính là đáp án cho câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra ban đầu: Làm thế nào để trụ lại được trong 1 thị trường không ít biến động như chứng khoán?.

Hướng đi phù hợp đã có, nhưng quyết định thực hiện và hành động ra sao thì mỗi nhà đầu tư phải tự đi tìm câu trả lời. Không thể có một hướng đi chung, hay một đáp án chung cho tất cả những thắc mắc, những băn khoăn trong một thị trường vốn không ít biến động, đơn giản vì khẩu vị của mỗi người một khác.

Chân thành cảm ơn chuyên gia Nguyễn Kim Liên vì những chia sẻ!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày