Khoảng 1 tháng gần đây, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu “hồi sinh” khởi sắc, không ít người bắt đầu có giảm giác nôn nóng, FOMO muốn dồn tiền đầu tư. Tâm trạng này vốn không phải điều gì xa lạ trong những đợt chứng khoán đi lên.
Đầu tư có lời và từ đó làm giàu là mong muốn của tất cả, nhưng không phải ai cũng thành công. Vậy đâu mới là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt của người bị “văng ra” khỏi thị trường, và người trụ lại được qua nhiều đợt biến động?
Có kiến thức để phân tích thị trường, có chiến lược để quản trị và đối mặt với rủi ro là 2 yếu tố mà nhiều người thường tin là “điều cơ bản” phải có, nếu muốn đầu tư thành công. Nghĩ vậy không hẳn là sai, nhưng nếu coi đó là những điều cơ bản nhất thì lại không hoàn toàn đúng.
Chị Nguyễn Kim Liên - Chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư chứng khoán và quản lý tài chính cá nhân, cho rằng: Yếu tố cơ bản và quan trọng nhất, quyết định khả năng trụ lại ở mọi thị trường đầu tư, luôn là khả năng quản lý tài chính cá nhân.
Đó là điều đầu tiên mà nhà đầu tư nên trau dồi, tìm hiểu và nắm rõ.
Chuyên gia Nguyễn Kim Liên
“Phải quản lý được tài chính cá nhân, nhà đầu tư mới hiểu được tại sao mình nên đầu tư vào thị trường này, từ đó mới tìm được hướng đầu tư phù hợp với mục tiêu, cũng như khẩu vị rủi ro của riêng mình. Chưa xác định được hướng đi, cũng chưa biết về “điểm đến” và còn đang mù mờ với nguồn lực của bản thân, mà đã bước vào thị trường, thì sẽ rất dễ bị những “cơn sóng” cuốn đi” - Chị nhấn mạnh.
Rủi ro thì thị trường nào cũng có và không ai có thể lường trước được hết mọi cuộc biến động, thứ duy nhất mà nhà đầu tư có thể chắn chắn chỉ là tâm thế của chính mình.
Thế nên nếu đã xác định đầu tư một cách bài bản và lâu dài, chuyên gia Kim Liên cho rằng quản lý được tài chính cá nhân là bước 1 - cũng là bước khởi đầu. Dựa vào đó, nhà đầu tư mới có cơ sở để chuyển sang bước tiếp theo - Vạch ra bức tranh đầu tư dựa trên 3 yếu tố: Biết mình là ai, biết mình cần gì, và biết nguyên tắc đầu tư của riêng mình.
Nếu coi hành trình đầu tư như việc trồng 1 cái cây, thì quản lý tài chính cá nhân chính là phần rễ. Các kỹ thuật phân tích - dự đoán, hay khả năng đọc báo cáo tài chính, quản trị rủi ro là câu chuyện về sau.
Không ít người vẫn còn đang nhầm lẫn rằng quản lý tài chính cá nhân chỉ đơn giản là “chi ít hơn thu” hay “mỗi tháng cố gắng tiết kiệm 20-30% thu nhập”. Nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Tài chính cá nhân là một tấm bản đồ mà trong đó, câu chuyện chi tiêu hay tiết kiệm chỉ là một đoạn đường nhỏ trong lộ trình dài hạn. Lộ trình này có thể thay đổi theo từng giai đoạn trong cuộc đời mỗi người. Nói cách khác, bức tranh “tài chính cá nhân” không phải là thứ cố định, làm 1 lần là cứ thế mà theo.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc hình dung một lộ trình tài chính theo từng mốc thời gian cụ thể, bắt đầu tính từ khi đi làm và có thu nhập.
Ảnh minh họa
Trong 3 năm đầu tiên, trọng tâm có thể là xây dựng quỹ dự phòng và hiểu rõ bản thân đang tiêu tiền vào đâu, vì mục đích gì. Đây cũng là giai đoạn “được phép thử và được phép sai” để xác định một số nguyên tắc cơ bản trong chi tiêu và tiết kiệm, dựa theo lối sống cá nhân Thay vì cố ép bản thân theo một tỉ lệ tiết kiệm cứng nhắc, bạn có thể thử điều chỉnh linh hoạt theo từng tháng để tìm ra mức phân bổ tiền hợp lý nhất.
Sau 3 năm, khi đã có nền tảng nhất định, bạn có thể tham khảo cách mở rộng bức tranh tài chính cá nhân của mình ra những mục tiêu trung hạn hơn: tiết kiệm mua nhà, đầu tư thêm vào các quỹ hoặc tài sản tạo thu nhập thụ động, nâng cấp kỹ năng hoặc học thêm bằng cấp phục vụ công việc.
Giai đoạn 5 năm là lúc nên bắt đầu tính đến chuyện phân bổ dòng tiền sao cho có khả năng sinh lời, thay vì chỉ gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc để dòng tiền “ngủ yên”. Lúc này, bạn không chỉ cần theo dõi chi tiêu, mà còn cần nhìn tổng thể vào tài sản ròng, tức là những gì bạn sở hữu trừ đi những gì bạn nợ, để biết mình đang ở đâu trên bản đồ tài chính cá nhân của riêng mình.
Nếu bước sang năm thứ 10 của hành trình kiếm tiền, bạn có thể tham khảo thêm việc xây dựng các mục tiêu dài hạn hơn như về hưu sớm, chuyển đổi ngành nghề hoặc nghỉ việc một thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân. Khi đó, quản lý tài chính cá nhân là câu chuyện hoạch định, chuẩn bị cho sự an toàn tài chính trong tương lai - cụ thể hơn là khi về già. Có thể bạn sẽ cần thêm những công cụ như bảo hiểm, các khoản đầu tư an toàn hơn, hoặc tư vấn từ chuyên gia tài chính nếu danh mục tài sản bắt đầu đa dạng.
Tựu trung lại, quản lý tài chính cá nhân không phải là một bộ quy tắc cứng nhắc mà ai cũng áp dụng y chang nhau. Đó là một tiến trình cá nhân hóa, cần được cập nhật theo từng chặng đường và mục tiêu sống của mỗi người. Điều quan trọng là bạn hiểu rõ bản thân đang ở đâu, đang hướng tới điều gì, và mỗi quyết định tài chính nên là một bước đệm đưa bạn tiến gần hơn tới cuộc sống bạn mong muốn.